(VietNamNet) - Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân sẽ còn tăng trong thời gian tới và tình hình thị trường phân bón đang tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
Sản xuất phân NPK (Ảnh minh hoạ) |
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết hơn 30 năm qua chưa bao giờ diễn biến giá cả phân bón trên thị trường thế giới thay đổi nhanh chóng như từ cuối năm 2006 đến nay. Các loại phân bón đồng loạt tăng giá và tăng cao kỷ lục, không riêng gì Urê mà cả DAP, SA... đều tăng giá. Riêng Urê tăng 94 - 112 USD/tấn, DAP tăng 178 - 200 USD/tấn.
Hiện giá phân bón trên thị trường thế giới vẫn đang tăng do nhu cầu tăng mạnh và sản xuất trong nước gặp khó khăn đang tạo ra diễn biến phức tạp cho thị trường phân bón trong nước.
Sản xuất trong nước thêm nhiều khó khăn
Hiện nay, sản xuất phân bón trong nước đáp ứng được 65% nhu cầu nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam cho biết, do mức tiêu thụ cao hơn mức sản xuất nên hầu hết các loại phân bón đều tiêu thụ hết lượng tồn kho luân chuyển từ năm trước và hiện lượng tồn kho còn lại rất thấp. Cụ thể: 9 tháng đầu năm 2007, toàn tổng công ty đã tiêu thụ trên 2,4 triệu tấn phân bón các loại, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lượng sản xuất chỉ đạt 2,5 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2006. Lượng phân bón tồn kho vào thời điểm 30/8/2007 chỉ bằng 38,5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn. Chẳng hạn Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, không còn khả năng tăng năng lực sản xuất và có những doanh nghiệp đang nợ sản phẩm đối với khách hàng như Công ty Phân lân Nung chảy Văn Điển hiện còn phải nợ khách hàng 30 tỷ đồng tiền hàng mà chưa có phân bón giao.
Thị trường phân bón đang diẽn biến phức tạp. Ảnh minh họa
Trong khi đó một số nguyên liệu trong nước như quặng apatit ngoài việc tăng giá thì cung ứng cũng rất khó khăn do hạn chế về vận tải đường sắt và đường biển.
Công ty Supephotphat và Hoá chất Lâm Thao cho biết đang gặp khó khăn vì thiếu quặng apatit. Bình quân 1 ngày dây chuyền sản xuất supe photphat cần 50 toa quặng apatit. Song thực tế hiện nay ngành đường sắt chỉ cấp được 60% yêu cầu và sản xuất supephotphat tại Công ty đang đứng trước nguy cơ thiếu quặng vì lượng quặng apatit tồn kho chỉ đủ bổ sung cho 10 ngày sản xuất.
Công ty Phân bón miền Nam cũng trong tình trạng tương tự, thiếu quặng apatit cho sản xuất supe photphat do ách tắc về vận tải (cả đường sắt và đường thuỷ). Ngoài ra ngành phân bón cũng chịu nhiều tác động do phải ngừng máy để di dời: Công ty Supephotphat và Hoá chất Lâm Thao phải ngừng 2 dây chuyền sản xuất axit sunfuric, mỗi dây chuyền ngừng 1 tháng, để cải tạo công nghệ; Công ty Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền cũng phải di dời sang địa điểm mới nên cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.
Thị trường phân bón bị thả nổi
Theo ông Thúy, thị trường phân bón đang bị thả nổi, "cuộc chơi" này hoàn toàn do các doanh nghiệp điều tiết. Giá phân bón sản xuất trong nước luôn thấp hơn giá thế giới, có những thời điểm giá urê thị trường trong nước rẻ hơn thế giới rất nhiều, tuy nhiên, tại các đại lý phân phối, mỗi khi giá thế giới có dấu hiệu nhích lên là lập tức giá trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng theo. Việc đẩy giá lên diễn ra nhiều nhất ở cấp đại lý nhỏ lẻ do không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Cùng với việc găm hàng đầu cơ đã làm cho giá phân bón tại nhiều địa phương tăng cao.
Không những vậy mà trên thị trường còn xuất hiện nhiều phân bón giả, kém chất lượng. Chẳng hạn hiện có hàng loạt xí nghiệp sản xuất phân bón NPK mọc lên như nấm khắp cả nước, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất phân bón NPK với công nghệ chủ yếu là "cuốc, xẻng, xô..." và một đến hai mâm xoay và vo viên.
NPK là phân bón tổng hợp có thể dùng thay thế một số loại phân khác. Khi giá phân bón tăng cao, xu hướng sử dụng phân NPK tăng mạnh và nhiều cơ sở đã cho ra đời phân bón kém chất lượng. Chẳng hạn mới đây tại Nghệ An khi các cơ quan chức năng kiểm tra 1 số cơ sở sản xuất phân NPK đã phát hiện có cơ sở hàm lượng N, P, K chỉ đạt 42% so với công bố được in ngoài nhãn mác bao bì, chất lượng giảm 58%.
Đạm Phú Mỹ cũng là sản phẩm bị làm giả nhiều. Cơ quan chức năng đã từng phát hiện tại Bình Dương vụ làm giả đạm Phú Mỹ quy mô lớn bằng muối, cát tường và bột đá. Điều này gây thiệt hại cho bà con nông dân, đồng thời gây tổn thất lớn với thương hiệu Đạm Phú Mỹ bởi hỗn hợp muối, cát trắng và bột đá khi bón cho lúa sẽ làm cho lúa bị nghẹn đòng.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vào vụ Đông Xuân sắp tới, mức tiêu thụ các loại phân bón sẽ tăng mạnh, thị trường và giá cả các loại phân bón còn diễn biến phức tạp, vì vậy các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đề ra các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt chẽ thị trường phân bón.
-
Trần Thuỷ