221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
989908
Công nghiệp ôtô VN: Dàn đồng ca không cần nhạc trưởng?
1
Article
null
Kỳ I:
Công nghiệp ôtô VN: Dàn đồng ca không cần nhạc trưởng?
,

(VietNamNet) - Nhiều câu hỏi tại sao cho một nền công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam và chính sách phát triển ngành công nghiệp này. Tác giả bài viết đã ví: "Các liên doanh lắp ráp ôtô tại VN giống như một dàn đồng ca rất nhịp nhàng mà thiếu vắng vai trò nhạc trưởng của nước chủ nhà". Tại sao lại như vậy?

Cách đây 6 năm, trong một dịp đi thăm một số nhà máy sản xuất ôtô ở Hàn Quốc như Daewoo, Kia, tôi vô cùng ngạc nhiên về sự khác nhau đến khủng khiếp về công nghệ sản xuất ôtô giữa Kia-Hàn Quốc và Toyota VN.

Hầu hết các liên doanh lắp ráp ô tô đang rất thành công ở VN, nhưng vì sao giá xe vẫn không giảm?

Trong khi dây chuyền sản xuất của Kia hiện đại, tiên tiến bao nhiêu thì Toyota VN lạc hậu, chắp vá bấy nhiêu. Thậm chí một số tủ, kệ để phụ tùng và dụng cụ lắp ráp xe ôtô trong nhà máy Toyota được gia công khung bằng thép góc hàn đơn sơ và bao quanh bằng bìa giấy và gỗ tạp… mà tôi nghĩ nghèo khó như mấy ông doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam (như tôi) cũng đã quẳng những thứ đó đi từ lâu rồi!

Tại sao lại như vậy?

Chính sách hợp lý mới đem lại phát triển

Tôi đem thắc mắc này đi hỏi một người quen đang làm việc trong Toyota VN thì nhận được câu trả lời của họ thật có lý. Đó là trong quá khứ phát triển của Toyota Nhật Bản có một lần họ gặp phải khó khăn rất lớn đến mức tưởng chừng bị phá sản. Rất may sau đó Toyota vượt qua được và bài học lớn nhất rút ra được và sau này luôn ám ảnh họ trong suốt các dự án đầu tư mở rộng sản xuất là phải tiết kiệm và cực kỳ thận trọng trong các chính sách đầu tư phát triển.

Rõ ràng là Toyota VN và hầu hết các liên doanh sản xuất ôtô tại VN hiện nay đang rất thành công tại thị trường VN và biểu hiện rõ nhất là số xe bán được ngày càng tăng. Nhưng nghịch lý là giá xe không những không đi xuống theo qui luật chung như ở các nước, mà lại cũng tăng theo. Trong khi đó người tiêu dùng lại phải xếp hàng, thậm chí phải đút lót để được mua xe trước.

Rõ ràng đây là hình ảnh của thời bao cấp đã quay trở lại và thật đáng buồn là chúng ta tưởng là ta có trong tay đủ mọi quyền lực của một quốc gia, để ra các chính sách buộc các nhà sản xuất phải tuân theo mong muốn của chúng ta. Mà thực tế là chúng ta lại đang phải chấp nhận cuộc chơi do họ sắp đặt!  

Như vậy có thể nói chính sách đối với ôtô của chúng ta hiện nay đã gián tiếp gây ra các phản ứng tiêu cực cho nền kinh tế và cho người dân của VN.

Tại sao lại như vậy?

Ta quên mất một điều rất quan trọng là các nhà đầu tư, họ cũng có quyền lực của họ. Đó chính là do sự kỳ vọng cẩu thả và thái quá của chúng ta, mong muốn họ vào để nhanh chóng tạo ra cho chúng ta một nền công nghiệp ôtô hiện đại, tạo ra công ăn việc làm cho những người dân lao động nghèo khó của ta đã tạo ra cho họ quyền lực này. 

Quyền lực tiếp theo là sự liên kết lợi ích giữa họ với nhau: biểu hiện rõ nhất là dàn đồng ca không cần nhạc trưởng này mà lại hát rất hay và rất đúng nhịp mà bất kỳ ai trong số các doanh nghiệp VN cũng phải thèm! Đó là vì hàng thì chất lượng thua xa thế giới mà lại được bán phân phối với giá cao ngất ngưởng giữa thời buổi cơ chế thị trường.

Thay đổi chính sách: Không sợ! Vì sao?

Câu hỏi được đặt ra là: liệu các liên doanh ôtô có biết sợ khi VN thay đổi chính sách về phát triển ngành công nghiệp ôtô hay không?

Câu trả lời dứt khoát là: không sợ !!! Tại sao vậy?

Vì họ đã tính toán rất cẩn thận từ trước khi quyết định bước chân vào VN để đầu tư. 

Vậy thì họ đã quyết định đầu tư vào VN như thế nào? 
Câu trả lời là: Hãy đầu tư như Toyota VN!!!

Một chính sách đầu tư hợp lý mới đem lại sự phát triển

Không dại gì mà đi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến. Không dại gì mà đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng để thực hiện tỉ lệ nội địa hoá như đã cam kết. Mà phải tranh thủ thu lợi nhuận tối đa trước khi Chính phủ VN thay đổi chính sách. Mà việc Chính phủ VN phải thay đổi chính sách đối với ôtô là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra!

Tại sao họ lại tính toán như vậy?

Trước hết, ta đừng nên trách móc họ là cơ hội. Vì là nhà đầu tư ai cũng phải tính toán để lập cho được phương án đầu tư hợp lý, hiệu quả nhất có như vậy mới tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt và phát triển thành một nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới như bây giờ. Toyota là tuyệt vời, là niềm tự hào của đất nước Nhật Bản điều đó không thể phủ nhận được.

Họ nhận định: VN không khuyến khích người dân sử dụng xe hơi vì Chính phủ cho rằng hạ tầng đường sá của VN còn rất kém, dễ gây ách tắc giao thông nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Vậy xe hơi sản xuất ra cho ai dùng?

Câu trả lời là: Các cơ quan Chính phủ; các doanh nghiệp và một số ít người giàu có.

Như vậy thì nhu cầu tiêu thụ xe ôtô sẽ rất hạn chế. Đúng! Vì nhà sản xuất ôtô nào cũng hiểu rất rõ ràng rằng thị trường xe ôtô cho người dân mới là lớn. Vậy thì dại gì mà Toyota Nhật lại đi đầu tư một nhà máy sản xuất ôtô hiện đại cỡ như Kia của Hàn Quốc cho thị trường VN, chứ đừng nói đến là hiện đại cỡ như Toyota ở Nhật Bản.

Họ lại nhận định: Sớm muộn gì thì VN cũng sẽ phải gia nhập WTO: đó là con đường đúng đối với mọi quốc gia. Hệ quả là mọi hàng rào thuế quan dựng lên để bảo hộ sản xuất trong nước đều sẽ phải dỡ bỏ trong đó có cả ôtô và phụ tùng ôtô. Vậy thì dại gì mà Toyota lại đi thuyết phục các đối tác của họ đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô tại VN, vì nhu cầu của thị trường thì quá bé. Trong khi đó Thái Lan lại là trung tâm sản xuất phụ tùng ôtô của khu vực ASEAN và VN lại là thành viên của khối này. 

Mong muốn của Chính phủ - Cam kết của nhà đầu tư: Vì sao không thành?

Hệ quả là sau hơn 10 năm được bảo hộ nhưng vẫn chưa có liên doanh sản xuất ôtô nào đạt tỉ lệ nội địa hoá như chúng ta đã bắt buộc trước khi họ được cấp giấy phép đầu tư.

Câu hỏi họ đặt ra là: Vậy thì liệu Chính phủ có dám phạt nặng hay rút giấy phép kinh doanh của tất cả các liên doanh sản xuất ôtô tại VN vì đã không thực hiện đúng cam kết đầu tư hay không?

Câu trả lời theo họ nghĩ là: Dứt khoát là chúng ta không dám!!! 

Mong muốn của Chính phủ VN, cam kết của nhà đầu tư: Vì sao chưa thực hiện được?. Ảnh: Trần Thủy

Lúc này, chúng ta lại thấy quyền lực của nhà đầu tư lớn như thế nào! Và dàn đồng ca của họ hát rõ ràng là không có nhạc trưởng nhưng mà sao vẫn hay đến thế!

Vậy thì chẳng lẽ mong muốn có một nền công nghiệp ôtô của chúng ta lại là không hợp lý?

Và lẽ nào các liên doanh sản xuất ôtô tại VN lại lừa dối chúng ta về cam kết của họ khi đầu tư vào VN?

Câu trả lời là: Mong muốn của chúng ta là đúng đắn và các liên doanh sản xuất ôtô không lừa dối!

Vậy thì tại sao mong muốn của chúng ta và cam kết của các nhà đầu tư lại không trở thành hiện thực?
 
Câu trả lời là: Do mong muốn và các chính sách chúng ta có mâu thuẫn. Mong muốn đã không cụ thể hoá ra được thành các chính sách đúng đắn với cách tư duy mạch lạc. Dẫn đến chính sách thiếu thực tế và hơn nữa chúng ta không quan tâm xem nhà đầu tư muốn gì và có thể đóng góp gì cho việc xây dựng chính sách của VN. 

Trong khi đó nhà đầu tư đi đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh khốc liệt lẫn nhau trên khắp thế giới. Kinh nghiệm đầu tư của họ rất phong phú, kể cả những bài học kinh nghiệm về các thất bại của họ là vốn rất quí cho những người làm chính sách, thì lại không được quan tâm. 

Thực tế là: chính sách làm ra là để cho nhà đầu tư thực hiện, nhưng chính sách của chúng ta làm ra nhà đầu tư không muốn thực hiện và không thể thực hiện được!

Tại sao lại như vậy?

Câu trả lời là: Lòng tin của các nhà đầu tư đã không được chúng ta coi trọng. Quyền lực của nhà đầu tư đã không được chúng ta thừa nhận và xem xét kỹ lưỡng.

Cụ thể: luật pháp, chính sách hay thay đổi. Xử sự của chúng ta có khi rất ngây thơ và mang nặng cảm tính. Và chúng ta quản lý kinh tế nhưng theo kiểu hành chính lỗi thời, những kiểu như triệu tập họp để yêu cầu họ phải giảm giá bán xe,… Thực chất là trực tiếp can thiệp thô bạo vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. 

Điều này với các doanh nghiệp VN đã là không bình thường, chứ đừng nói đến các công ty nước ngoài ở các nước phát triển quen hoạt động trong các môi trường pháp lý ổn định và minh bạch. Nó đã làm họ mất lòng tin rất lớn vào chúng ta. 

Điều này vô tình đã biến các nhà đầu tư trở thành người cơ hội - dù không chủ định - nếu họ muốn tồn tại do đã phải bỏ tiền của, công sức vào đầu tư ở VN.

Vì xét về bản chất thì: chính sách đầu tư nào thì sẽ sản sinh ra nhà đầu tư như vậy.

  • Nguyễn Anh Tuấn

Kỳ II: Chính sách thế nào sẽ sản sinh nhà đầu tư như vậy

Bài viết đã nhận được hàng nghìn thư phản hồi của bạn đọc cả nước. Để rộng đường dư luận VietNamNet xin giới thiệu một số đóng góp của bạn đọc xung quanh vấn đề này:

Bùi Quốc Hoàn, Cầu Giấy - Hà Nội, Email: hoangqbuang@vnn.vn
Tôi rất đồng ý với nội dung bài báo này, cách đặt vấn đề và câu trả lời rõ ràng đến mức không có gì phải nghi ngờ. Chính phủ đề ra chính sách mong muốn có một nền công nghiệp ô tô VN là rất đúng đắn, nhưng khi thực hiện, các cơ quan có trách nhiệm lại đưa ra cơ chế không rõ ràng, quan liêu, hành chính lỗi thời, luôn luôn ở trong tình trạng "sợ" trách nhiệm. Đúng là: Chính sách thế nào sẽ sản sinh nhà đầu tư như vậy. Mong thay Chính phủ xem xét lại cái chính sách đã quá cũ để thay đổi kịp thời trước khi chúng ta "rơi" mất cơ hội có một nền công nghiệp ô tô Việt Nam đúng nghĩa.

Nguyễn Tất Cường, Văn phòng Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Email: cuong_nt75@yahoo.com
Tôi rất đồng tình với bài báo này trên VietNamNet, mặc dù quan điểm này bây giờ mới được thể hiện nhưng chưa phải là quá muộn, có thể nói bài viết đã phản ánh đầy đủ và đi vào thực chất vấn đề Công nghiệp Ô tô Việt Nam mà trước đây mỗi người chúng ta đánh giá chỉ được một góc cạnh của vấn đề vốn đã gây bức xúc với người dân. Cái giá phải trả cho ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đã quá đau xót rồi. Bây giờ chúng ta đã có một quan điểm đánh giá đúng đắn và đã xác định được căn nguyên của vấn đề thì không nên để người dân hết kỳ vọng, từ háo hức giảm thuế đến giá thành hạ và xe Trung Quốc thâm nhập thị trường Việt Nam.... rồi kết quả cuối cùng lại là thất vọng.

Lê Bá Tiến, 5A Quốc Tử Giám - Hà Nội, Email: quochung.co@fpt.vn
Thị trường ôtô Việt Nam nghĩ tới mà bực mình. Ai đời "Thượng đế" đi mua xe mà phải nịnh các đại lý bán xe, lại còn bị "chém" giá cao, rồi "tiền nhanh, tiền chậm"..., chất lượng xe thì quá tầm thường so với đồng tiền bỏ ra.Sự thất bại của chiến lược phát triển của ngành ôtô ai phải chịu trách nhiệm?.. 

Vũ Hoài Thanh, Công ty TNHH MTV Vạn Xuân, Email: thanh_vuhoai@yahoo.co.uk
Thời gian gần đây, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã thấy có khá nhiều bài báo viết về vấn đề nhạy cảm này. Báo chí đã tốn không ít giấy mực để vạch ra những gì mà Nhà nước cần phải làm. Nhưng thực tế, như ta đã và đang thấy không hề có sự thay đổi đáng kể nào như mong muốn. Một đất nước luôn lấy phương châm công nghiệp hoá làm mục tiêu để phát triển, nhưng lại không hoạch định được chính sách và đường lối đúng đắn, để rồi bị chính các nhà đầu tư nước ngoài thao túng. Và cuối cùng, bị thiệt hại chính là người tiêu dùng. Chúng ta nên nhìn ra ngoài, học tập những nước đã trải qua thời kì như VN, để đưa ra một chính sách mới. Và việc thay đổi không thể chậm trễ, từ từ, mà phải làm ngay, làm mạnh làm dứt khoát... 


Lê Hương Vân, Ngô Quyền - Hà Nội, Email: vanlh54@gmail.com
Trong bài viết này có một đoạn cần nói thêm cho đủ ý. Đó là đoạn: chính sách của chúng ta làm ra nhà đầu tư không muốn thực hiện và không thể thực hiện được. Cần nói thêm là: nhà đầu tư không thực hiện cũng không sao. Đó chính là mấu chốt giải thích vấn đề: tại sao mong muốn của Nhà nước không đạt được. Việc đưa ra những cơ chế không rõ ràng, nhất định không phải do trình độ người làm chính sách của chúng ta yếu kém. Vậy thực ra, do đâu?

Long Anh, Hà Nội, Email: longnv05@yahoo.com
Một lý do ngụy biện là hạ tầng giao thông kém phát triển cho nên không khuyến khích phát triển ngành này, chuyện này không khác gì anh phải có tiền mới có thể dám ăn uống gì đấy. Vấn đề này các nước khác cũng đã gặp rồi và cách giải quyết cũng rất nhiều (có xe thì người dân sẽ ở xa trung tâm hơn, các cơ quan cũng chuyển ra ngoại ô nhiều hơn, đi lại trong nội thành mất thời gian và khó chịu người ta cũng sẽ tự động giảm đi lại bằng ô tô..). Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề ô tô cũng chỉ là phương tiện giao thông đơn thuần thì sẽ đơn giản hơn là xem nó như vật dụng gì đấy xa xỉ. 

Ý kiến bạn đọc:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,