(VietNamNet) - Sự phát triển nhanh chóng của khu vực kinh tế tư nhân cả về quy mô và chất lượng đã khiến không ít những DN đã phát triển thành nhóm DN có mối liên hệ với nhau về vốn, kỹ thuật và quản trị, kinh doanh trên nhiều ngành nghề và không giới hạn phạm vi. Thực tế, đã xuất hiện những tên tuổi lớn và được xem là tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Tập đoàn kinh tế là một khái niệm mới xuất hiện. Bên cạnh việc hình thành những tập đoàn kinh tế Nhà nước thông qua việc sắp xếp và quyết định của Chính phủ trên cơ sở các tổng công ty thì đã xuất hiện những mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân.
Việc hình thành các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện vẫn đang ở giai đoạn thí điểm đầu tiên. Dù đã có 8 tập đoàn kinh tế Nhà nước ra đời nhưng đây mới chỉ ở bước đầu và còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Tuy nhiên, các tập đoàn Nhà nước vẫn có thế mạnh là chuyển đổi từ những tổng công ty lớn, có lợi thế đặc thù và sự hậu thuẫn của Chính phủ. Tất cả các tập đoàn Nhà nước được ra đời bằng một quyết định và nhanh chóng được thừa nhận và có vị thế riêng.
Trong khi đó, tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành bằng chính sự tăng trưởng quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động của chính các DN. Việc hình thành tập đoàn hoàn toàn là do nhu cầu và nội lực của DN và không có bất cứ một quyết định chuyển đổi hay sắp xếp hành chính nào.
Đây chính là con đường tự nhiên để 1 DN phát triển thành một tập đoàn.
Tuy nhiên, việc hình thành tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam mới khởi đầu và đang vấp phải nhiều vấn đề khó khăn. Ngay cả chuyện đi tìm cho mình một sự thừa nhận cũng chưa hẳn đã dễ dàng.
Đã xuất hiện những mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam. (Ảnh: Hanaka)
Muốn một tên gọi chính danh
Trong một hội thảo gần đây về mô hình tập đoàn kinh tế, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về tập đoàn. Thậm chí, đối với một số nước trong từng giai đoạn khác nhau lại có những quan niệm và quy định khác nhau về tập đoàn. Tuy nhiên, yếu tố đầu tiên được thống nhất về tập đoàn là một tổ hợp các DN bao gồm công ty mẹ, công ty con và các DN liên kết khác. Trong đó, công ty mẹ là đầu mối liên kết các DN thành viên, nắm quyền chi phối các quyết sách.
Trên thực tế, Việt Nam đã có những nhóm DN mạnh, có mối liên kết và hoạt động dưới một sự điều hành chung, một thương hiệu chung... Đây có thể xem là những mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam như FPT, Kinh Đô, Hòa Phát, Đồng Tâm... Điểm chung của các tập đoàn này là có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, có DN liên kết... và đang có xu hướng mở rộng quy mô và ngành nghề thông qua phát triển nội sinh, mua bán sáp nhập hay liên kết.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là rất nhiều các tập đoàn này đều mang một cái tên không chính danh và có thể hơi trái với thực tế như: công ty cổ phần tập đoàn, hay công ty TNHH tập đoàn. Rất nhiều ông chủ nhóm DN hay tập đoàn kinh tế tư nhân khá bức xúc với cái tên gọi không chính danh như trên. Điều này chưa phản ánh đúng thực tế hoạt động phát triển của mô hình đang có mà nó cũng không nói lên vị thế của tập đoàn như mong muốn.
Thậm chí, chủ một "công ty cổ phần tập đoàn" nói, các tập đoàn Nhà nước ra đời có quyết định, và nhanh chóng được thừa nhận. Còn tư nhân ra đời tập đoàn ai ra quyết định? Chúng tôi muốn muốn một tên gọi ngắn gọn và phù hợp nhưng khi đi đăng ký lại không được. Luật DN quy định 4 loại hình DN nhưng không có loại hình tập đoàn. Như thế để thấy mô hình và vị thế và sự thừa nhận về tập đoàn kinh tế tư nhân còn nhiều chuyện bất cập.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vincom cho rằng, trên thực tế, về mặt pháp lý mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay chưa được thừa nhận. Trong nghị định hướng dẫn một số điều của Luật DN về đăng ký kinh doanh cũng không có bất cứ một đề cập nào về hình thành phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam.
Mong chờ sự công nhận hay tự khẳng định mình
Ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, Luật DN đã có hiệu lực nhưng hướng dẫn về tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế vẫn chưa có. So với thực tế một số tập đoàn kinh tế Nhà nước đã thành lập, một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã xuất hiện thì lý luận và hướng dẫn Nhà nước đối với tập đoàn kinh tế đã đi sau thực tiễn.
Bên cạnh quy định về pháp lý thì điều quan trọng là DN phải tự khẳng định mình. (Ảnh: Phước Hà) |
Ông Phạm Thế Vinh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á cho rằng, sự hình thành tập đoàn là do yêu cầu của phát triển kinh tế song luật pháp lại chưa có điều chỉnh rõ ràng cho nên các quy định, chính sách phát triển và hỗ trợ đối với tập đoàn kinh tế tư nhân cũng chưa có.
Ông Lê Khắc Hiệp nhấn mạnh, hệ thống pháp lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các tập đoàn. Các tập đoàn kinh tế tư nhân đang phải áp dụng Luật DN mà luật này lại chưa có sự thừa nhận chính thức rõ ràng nào. Nhà nước chủ trương tạo điều kiện cho khối kinh tế tư nhân phát triển nhưng chưa có một hoạch định, định hướng nào về tập đoàn kinh tế tư nhân. Thậm chí chưa có một định nghĩa chính thức và hệ thống tiêu chí. Chính vì thế, tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn đang phải dò dẫm và rất mong chờ một định hướng mang tầm vĩ mô.
Với thực tế này, rất nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân cho rằng cần sớm có các quy định cụ thể về tính pháp lý, mô hình, nguyên tắc hình thành tập đoàn kinh tế, các tiêu chí cần phải đáp ứng về vốn, quy mô, nhân lực... Cụ thể hơn, ông Vũ Xuân Tiền đề xuất cần có một nghị định về tập đoàn kinh tế tư nhân. Trong đó quy định các điều cần và đủ để hình thành một tập đoàn, xây dựng cơ chế thành lập và đăng ký hình thành tập đoàn.
Thừa nhận sự cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp lý và xây dựng các tiêu chí để xây dựng một tập đoàn nhưng ông Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest cho rằng, đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước do liên quan đến chế độ đãi ngộ và các thủ tục khác nên cần có tiêu chí rõ ràng. Còn đối với các thành phần kinh tế khác thì vấn đề quan trọng là thị trường nhìn nhận và đánh giá thế nào về họ. Không ai ngăn cấm họ gọi là tập đoàn hay công ty cả.
Như vậy, bên cạnh một hệ thống pháp lý, các tiêu chuẩn để quản lý mà DN hướng tới thì để thực sự được thừa nhận tập đoàn hay không, quan trọng nhất vẫn là DN phải tự khẳng định mình trên thương trường.
-
Phước Hà