(VietNamNet) - Đề án thành lập Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đây là công ty đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này và được đánh giá sẽ tạo ra một bước phát triển mới cho ngành hàng không Việt Nam.
VALC ra đời trên cơ sở góp vốn của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV), Vietnam Airlines, Petro Vietnam, Vinashin, Tổng Công ty Phong Phú. Các DN nhà nước lớn sẽ chiếm cổ phần chi phối trong VALC với tỷ lệ 79%. Phần còn lại sẽ có sự tham gia của các pháp nhân thuộc mọi thành phần kinh tế khác.
Khách hàng mục tiêu của VALC chính là VietNam Airrlines. (Ảnh: VNA)
Số vốn dự kiến của VALC trong giai đoạn 1 (2007 - 2014) tối thiểu là 200 triệu USD và đến giai đoạn 2015 - 1025 dự kiến sẽ đạt mức tối thiểu là 1 tỷ USD. Hiện tại, tỷ lệ nắm giữ vốn cụ thể của từng cổ đông chưa được công bố nhưng dự kiến các cổ đông lớn là: BIDV, Vietnam Airlines, Petro Vietnam, Vinashin nắm giữ tối thiểu trên 10%. Trong đó, BIDV có thể nắm giữ đến 20%; còn Tổng Công ty Phong Phú dự kiến là 8%...
Lĩnh vực kinh doanh chính của VALC là mua và cho thuê; thuê và cho thuê lại máy bay; đầu tư kinh doanh vận tải hàng không; kinh doanh khai thác sân bay; cung cấp các dịch vụ cho ngành hàng không như quản lý, bảo dưỡng và bảo hiểm máy bay; cho thuê kho phụ tùng máy bay và đầu tư tài chính.
Đại diện các cổ đông sáng lập, ông Trần Bắc Hà - Tổng Giám đốc BIDV cho biết, ý tưởng thành lập một công ty cho thuê máy bay được BIDV báo cáo lên Chính phủ từ tháng 4/2007 và nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và xem đây là một trong những dự án trọng điểm cần được tập trung triển khai. Chỉ sau chưa đầy 6 tháng triển khai, BIDV và Vietnam Airlines cùng các cổ đông khác đã hoàn thành công tác chuẩn bị và được Chính phủ chấp thuận thành lập vào đầu tháng 9/2007.
Việc thành lập 1 công ty cho thuê máy bay xét về mặt kinh tế là rất có lợi cho Việt Nam. Ví dụ, trước đây, Việt Nam đã từng thuê 10 chiếc máy bay của nước ngoài trong vòng 10 năm. Tính ra, tổng số tiền thuế đó đã có thể mua được 15 chiếc máy bay cùng loại. Với sự ra đời của VALC, các máy bay sẽ được Việt Nam mua và cho thuê lại với giá hợp lý hơn và sau khi hết thời hạn thuê, máy báy vẫn còn giá trị và trở thành tài sản của Nhà nước.
Trước mắt, hoạt động kinh doanh của VALC sẽ chủ yếu phục vụ Vietnam Airlines. VALC sẽ đàm phán với Airbus và Boeing và các hãng hàng không khác để ký hợp đồng mua và cho thuê máy bay cho Vietnam Airlines theo kế hoạch phát triển đội bay đến 2015. Trong đó tập trung cho máy bay tầm trung và một số máy bay tầm xa. Tuy nhiên, trước mắt, do còn thiếu nhân lực và kinh nghiệm, việc đàm phán mua máy bay vẫn do cổ đông chính là Vietnam Airlines đảm nhận cho đến khi VALC có đủ năng lực tiếp nhận.
Tuy nhiên, việc đàm phán và mua máy bay nếu thành công thì phải đến 2014 mới mang lại hiệu quả. Vì vậy, để duy trì hoạt động kinh doanh ngay sau khi ra đời, VALC đã có kế hoạch xin đầu tư nâng cấp sân bay Cam Ranh và Phú Quốc để tăng năng lực tiếp nhận và có thể bay đêm; tham gia đầu tư tổ hợp hậu cần và dịch vụ sân bay Long Thành. Mở công ty Taxi hàng không bay tầm ngắn và trực thăng với các tuyến chính là từ TP. Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Nha Trang và Đà Lạt. Ngoài ra, VALC sẽ hoạt động đầu tư tài chính.
-
Phước Hà