(VietNamNet) - "Đụng đâu, sai đó" - lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định tại cuộc họp báo hôm 5/9 công bố kết quả kiểm toán năm 2006 về niên độ ngân sách năm 2005. Con số thu chi sai nguyên tắc, phải xử lý lên tới 7.622,5 tỷ đồng, trong đó 1.339,5 tỷ đồng đã được các bộ, ngành, địa phương "vung tay quá trán".
Đại diện Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và lãnh đạo KTNN tại buổi họp báo. (Ảnh: Ngọc Quyết)
Thất thu lớn
Báo cáo của KTNN cho thấy, thất thu ngân sách còn rất lớn ở một số địa bàn và lĩnh vực. 1.891,2 tỷ đồng đã được nộp lại ngân sách. Trong đó, riêng tại các DNNN đã phát hiện và tăng thu 1.280,2 tỷ đồng (thuế GTGT là 92 tỷ đồng, thuế thu nhập DN là 342,6 tỷ đồng). Một số dự án của các bộ, ngành, địa phương được bố trí kế hoạch vốn khi chưa có quyết định đầu tư, phân bổ vốn không đúng đối tượng, buộc cơ quan tài chính các cấp phải bổ sung tăng dự toán tới 3.463 tỷ đồng.
Về nợ đọng thuế, theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số nợ đọng đến 31/12/2005 là 3.583 tỷ đồng. Song, qua kiểm toán tại 32 tỉnh và 12 Cục Thuế, KTNN đã xác định tổng số nợ đọng thuế đến 31/12/2005 tăng so với báo cáo của cơ quan thuế là 1.076 tỷ đồng và nợ tiền sử dụng đất của một số địa phương là 737 tỷ đồng.
Cũng qua kiểm tra, KTNN đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp NSNN, giảm cấp phát 357,8 tỷ đồng, với 12 hình thức vi phạm, sai phạm, từ quy hoạch, lập và thẩm định dự án, quyết định đầu tư, khảo sát thiết kế, đền bù sai... cho đến điều hành dự án và quyết toán.
Trong đó, sai phạm nghiêm trọng nhất là trong các quyết định đầu tư. Tình trạng đầu tư sai mục đích, vượt thẩm quyền gây thất thoát lớn hơn cả. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã quyết định không đúng mục tiêu của dự án và vượt thẩm quyền tới 86,6 tỷ đồng.
Đầu tư vượt tiêu chuẩn, định mức (13 dự án xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan tỉnh Bạc Liêu đội thêm trên 34 tỷ đồng) hay Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Bạc Liêu gây lãng phí NSNN gần 29 tỷ đồng vì xây xong để... ngắm, hầu như không sử dụng mấy. Hạng mục "đường hầm" trong dự án cải tạo và mở rộng Viện Hải dương học Nha Trang, do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đầu tư hơn 7 tỷ đồng, hoàn thành năm 2002, nhưng nay cũng bỏ không.
Chỉ riêng việc lập, thẩm định dự án đầu tư cũng có nhiều thiếu sót, làm tăng thời gian và tổng mức đầu tư. Trong đó, phải kể đến Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Hà Nội giai đoạn I tăng 1.278 tỷ đồng; Dự án mới dây chuyền sản xuất giấy bao gói công nghiệp 25.000 tấn/năm tại Công ty Giấy Việt Trì tăng 171 tỷ đồng... Trong quá trình đấu thầu, sai phạm vẫn diễn ra phổ biến như đấu thầu bị lộ thông tin; thông thầu; dàn xếp nhà thầu, kéo dài thời gian xếp thầu....
Tới khi dự án đi vào hoạt động, lại xuất hiện sai sót mới. Ở Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đã có tình trạng chia nhỏ diện tích đất rừng để chuyển nhượng, chuyển hoá thành đất ở... Mất rừng diễn ra tràn lan, lên tới 11.081ha, nhiều nhất là Bình Thuận 3.220ha, Ninh Thuận 3.448ha, Sơn La 2.533ha... Không chỉ lãng phí về tiền của, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mất rừng cũng làm lãng phí lớn nguồn tài nguyên, gây hậu quả khó lường.
Chi tuỳ tiện, "vung tay quá trán"
Kết quả kiểm toán đã kiến nghị giảm chi, thu hồi cho NSNN số tiền gần 661,8 tỷ đồng do các khoản chi vượt dự toán, quá tuỳ tiện. Đáng lưu ý, năm 2005 riêng chi quản lý hành chính đã tới mức 18.762 tỷ đồng, vượt dự toán 42% (5.548 tỷ đồng).
22/32 tỉnh đã "hồn nhiên" sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng không đúng quy định đến 31/12/2005 để cuối cùng không hoặc chưa thu hồi được 1.518 tỷ đồng. 17/32 tỉnh sử dụng các khoản vượt thu sai mục đích 733 tỷ đồng. Riêng Bộ GTVT còn tới 190 tỷ đồng ứng cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nay "nai lưng" đi đòi.
Đó là chưa kể, kiểm toán các bộ, ngành, địa phương cho thấy một số đơn vị mua sắm tài sản có giá trị một cách dễ dàng, không cần đấu thầu, sử dụng không đúng mục đích, vượt định mức, điển hình là Văn phòng Bộ Y tế vượt 10 xe, BQL TƯ dự án thuỷ lợi thuộc Dự án phát triển thuỷ lợi ĐBSCL 5 xe, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng và Viện Quy hoạch đô thị nông thôn vượt 4 xe, ĐH Kiến trúc vượt 3 xe...
Ngoài ra, một khoản ngân sách khác được sử dụng rất lãng phí là sự nghiệp KHCN giai đoạn 2001-2005. Đã có 9,269 tỷ đồng lẽ ra là để phục vụ công tác nghiên cứu đã bị các đơn vị tự rút để chi vào việc khác. 53,575 tỷ đồng khác bị biến thành chi phí phục vụ quản lý Nhà nước. Đề tài hoàn thành sau khi đưa vào nghiệm thu cũng vẫn thất thoát, lãng phí.
KTNN phát hiện có 16/32 địa phương ban hành tới 42 văn bản bừa bãi, chủ yếu đưa ra những định mức chi phụ cấp, hỗ trợ, thưởng... trái quy định Nhà nước.
Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết, sau khi kiểm toán, nếu phát hiện sai sót, KTNN sẽ kiến nghị về trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm. Cơ quan này sẽ gửi công văn tới Chủ tịch UBND các tỉnh, các bộ trưởng yêu cầu tuân thủ pháp luật, còn trách nhiệm xử lý là thuộc các bộ. Ví như, nếu có dấu hiệu gian lận về thuế thì cơ quan thuế phải xử lý. Năm qua, KTNN đã gửi 3 hồ sơ sang cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra các trường hợp cụ thể.
-
H.Phương