(VietNamNet) - Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được ban hành cuối tháng 8-2007, về thực hiện chi trả lương các đối tượng được hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước qua tài khoản từ đầu năm 2008, đem lại nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.
Kiểm soát nguồn thu, hạn chế tham nhũng, tiết kiệm chi phí...
Thực ra lợi ích của việc chi trả lương qua tài khoản không chỉ dừng lại ở việc góp phần hạn chế và ngăn chặn được tình trạng tham nhũng vì kiểm soát được nguồn thu của cán bộ, công nhân viên chức qua tài khoản, mà ý nghĩa của nghiệp vụ này còn rộng lớn hơn. Đó là tiết kiệm nhân lực và tiết kiệm hàng loạt chi phí cho các đơn vị chi trả lương, tiết kiệm chi phí cho hệ thống Kho bạc Nhà nước và tiết kiệm thời gian cho người hưởng lương…
Trả lương qua tài khoản vừa hạn chế được tham nhũng vừa tiết kiệm chi phí cho các hoạt động chi trả lương. Ảnh minh họa
Hiệu quả chung mà cả nền kinh tế tiết kiệm được thật sự là rất lớn. Cũng chính nhận thấy hiệu quả của dịch vụ này mà các đơn vị tiên phong chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp có đông công nhân, đã chủ động phối hợp với các NHTM thực hiện từ nhiều năm qua. Bởi vì tiết kiệm các chi phí trong chi trả lương cũng đồng nghĩa với việc nâng cao sức mạnh cạnh tranh, vì có thể giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.
Đối với các NHTM cung ứng dịch vụ trả lương qua tài khoản, thì lợi ích mà họ thu được không phải là phí. Bởi vì hiện tại và chắc chắn trong nhiều năm tới các NHTM cũng chưa thu phí. Song lợi ích lớn nhất mà các NHTM thu được chính là số dư tiền gửi trên tài khoản khi người hưởng lương chưa sử dụng đến.
Số dư tiền gửi này NHTM chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn. Song NHTM có thể sử dụng số dư tiền gửi đó để cho vay và đầu tư. Tất nhiên tỷ lệ sử dụng để cho vay và đầu tư thì không lớn trong tổng số dư tiền gửi bình quân của các tài khoản chi trả lương. Song chắc chắn số dư bình quân rất lớn, ước tính trên cả nước có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó khi khách hàng làm quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng thì NHTM thu phí thanh toán. Tuy nhiên thách thức này đặt ra đối với các NHTM đang thật sự lớn và cấp bách.
Ngân hàng: Giờ giao dịch tréo ngoe!
Nếu không có máy ATM và không rút được tiền qua máy ATM thì việc trả lương qua tài khoản tại ngân hàng lại gây rắc rối thêm cho người hưởng lương. Để rút được tiền lương tại tài khoản, thì người hưởng lương phải mang chứng minh thư ra ngân hàng đúng vào giờ làm việc hành chính.
Hiện tại hầu hết các NHTM chỉ giao dịch với khách hàng 5 ngày trong tuần, hàng ngày từ 8 giờ sáng, nghỉ trưa như các cơ quan khác, buổi chiều nghỉ giao dịch lúc 16 giờ. Như vậy để rút được lương chỉ còn cách bỏ việc cơ quan đi lĩnh lương ngoài ngân hàng.
Các ngân hàng chỉ giao dịch trong giờ hành chính và không làm việc ngày nghỉ là hạn chế nhu cầu của khách hàng. Ảnh minh họa của Phạm Hải.
Nếu vào kỳ rút lương đông người thì còn phải chờ đợi không biết bao nhiêu. Đối với các vùng nông thôn, thì phải ra tận thị trấn, thị tứ nơi có chi nhánh Ngân hàng hay Phòng giao dịch của ngân hàng. Hiện nay bình quân 3-4 xã mới có một điểm giao dịch của ngân hàng.
Tại vùng trung du, miền núi thì mật độ ngân hàng còn thưa hơn, cả một huyện chỉ có 1 – 2 điểm giao dịch của ngân hàng. Do đó người hưởng lương từ nguồn ngân sách đang làm việc và sinh sống tại các xã, như: giáo viên, cán bộ hưu trí, cán bộ xã… phải đi lại khá mất thời gian để lĩnh lương tại ngân hàng. Dịch vụ chi trả lương qua tài khoản tại các ngân hàng thương mại phải dựa trên cơ sở dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại và mạng lưới rộng khắp, đó là dịch vụ ngân hàng tự động ATM. Dịch vụ này phát triển mạnh ở nước ta trong vòng 3 – 4 năm gần đây. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có đông công nhân, đông đối tượng hưởng lương và đông đảo giới trẻ đã sớm chấp nhận dịch vụ này.
Thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống rút tiền tự động - ATM
Việc lĩnh lương tiện lợi nhất dựa trên dịch vụ ngân hàng hiện đại và công nghệ hiện đại đó là rút tiền tại máy rút tiền tự động - ATM. Để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ này, hiện nay hầu hết các NHTM phát hành thẻ ATM miễn phí, với chi phí bình quân mỗi thẻ là 100.000 đồng.
Song hiện nay cả nước mới chỉ có gần 4.000 máy ATM, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM, một số thành phố khác. Bình quân mỗi huyện chưa có 1 máy ATM. Để thuận tiện cho chi trả lương qua tài khoản và rút tại máy ATM, thì máy ATM phải được lắp đặt rộng khắp tại các trường học, trường đại học, bệnh viện, các cơ quan lớn, trụ sở huyện uỷ và UBND huyện, đơn vị quân đội lớn, cơ quan công an đông quân số…
Bình quân mỗi xã ít ra phải có 3 máy ATM. Tức là ngay từ đầu năm 2008, số lượng máy ATM cần có đưa vào hoạt động ít ra là gấp 10 lần số lượng máy hiện nay. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các NHTM khi mà từ nay đến đầu năm 2008 chỉ còn có 4 tháng nữa.
Hai là các máy ATM phải kết nối được với nhau, tức là máy ATM của NHTM này phải kết nối được với máy ATM của NHTM khác. Theo đó thẻ ATM của người hưởng lương có tài khoản tại NHTM này có thể rút tiền tại tất cả máy ATM của bất kỳ NHTM nào trong toàn quốc.
Hiện cả nước mới chỉ có gần 4.000 máy ATM, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Ảnh minh họa
Tuy nhiên hiện nay cả nước có tới 4 mạng liên kết ATM hoạt động độc lập với nhau. Mạng liên kết ATM do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng đầu có quy mô máy ATM lớn nhất, chiếm khoảng trên 60% số lượng máy ATM của cả nước, với 17 NHTM tham gia. Tuy nhiên máy ATM của các NHTM này chỉ lắp đặt ở các thành phố và thị xã lớn, chưa có ở các tỉnh miền núi, vùng xa, vùng sâu.
Hiện nay chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), là có mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp nhất tới các thị trấn, thị tứ thì lại đang trong tình trạng thiếu máy ATM. Nhiều huyện chờ đợi khá lâu nhưng cả năm nay không được trang bị máy ATM. Nhiều tỉnh cả hệ thống Ngân hàng Agribank trên địa bàn mới chỉ được trang bị 4-5 máy ATM, tập trung chủ yếu ở thị xã, tỉnh lỵ.
Đồng thời mạng ATM của Agribank mới chỉ kết nối được với Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Đầu tư – phát triển Việt Nam. Mạng liên kết này có quy mô máy ATM còn hết sức khiêm tốn và cũng chỉ có máy ATM đặt ở các thành phố và thị xã.
Ba là sự hoạt động ổn định của máy ATM. Điều đó có nghĩa là, người hưởng lương sử dụng thẻ ATM có thể rút tiền được bất kỳ tại máy ATM đặt ở đâu vào bất kỳ thời gian nào. Máy ATM không bị trục trặc kỹ thuật, bị nghẽn đường truyền và tình trạng tạm ngừng phục vụ do hết tiền.
Thực tế trong thời gian qua, Vietcombank là NHTM có kinh nghiệm nhất về dịch vụ thẻ, song hệ thống máy ATM của ngân hàng này gây không ít phiền toái cho khách hàng về tình trạng máy bị lỗi đường truyền, bị hỏng, hết tiền. Tình trạng vào các ngày cao điểm, như nghỉ lễ, nghỉ tết, thứ bảy hay Chủ nhật… khách hàng phải xếp hàng chờ đợi rút tiền tại máy ATM không phải là hiếm gặp.
Tính đến hết tháng 8-2007 trong cả nước có khoảng 6,5 triệu tài khoản thẻ các loại do 20 NHTM phát hành và thanh toán, được sử dụng tại trên 4.000 máy rút tiền tự động đã lắp đặt trong cả nước. Trong số đó thì thẻ thanh toán nội địa chiếm 92,5%, do 17 NHTM phát hành và thanh toán. Số lượng thẻ nội địa nói trên tăng gấp 1,5 lần so với con số gần 4,3 triệu thẻ cuối năm 2006. Còn lại là 7,5% thẻ tín dụng quốc tế, tương đương với khoảng 500.000 tài khoản thẻ, tăng gấp gần 2 lần con số cuối năm 2006. Trong số các loại thẻ tín dụng quốc tế thì chủ yếu là Master Card, VISA, Amex, JCB, Diners Club do một số NHTM Việt Nam đủ điều kiện được làm đại lý phát hành và thanh toán. Trong số đó có tới 300.000 thẻ tín dụng quốc tế VISA, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2006.
Tuy nhiên như đã nói, dịch vụ trên mới chỉ phát triển ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp lớn. Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, tức là từ đầu năm 2008 phải thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ song xem ra các NHTM, đặc biệt là hệ thống Ngân hàng Agribank chưa sẵn sàng.
Để chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chi trả lương qua tài khoản thực sự đi vào cuộc sống, thực sự có hiệu quả thì câu trả lời, phải chờ đợi từ phía ngành ngân hàng.
-
Nguyễn HàÝ kiến độc giả: