(VietNamNet) - Nhiều ý kiến đã cho rằng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang phát triển trong vòng luẩn quẩn.
Tại Hội thảo về phương tiện giao thông và công nghiệp phụ trợ diễn ra ngày 22/8/2007 tại Hà Nội, ông Trịnh Minh Tuấn đại diện cho tập đoàn MAN ferrostaal AG tại Việt Nam cho biết, "Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô giai đoạn 2010 tầm nhìn đến 2020" ghi rất rõ công nghiệp ôtô rất quan trọng cần được ưu tiên phát triển để phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và an ninh quốc phòng... Đề ra để thực hiện, nhưng hình như chúng ta vẫn chưa biết đi như thế nào. Thường thường khi xây dựng chiến lược người ta phải dựa vào những điều kiện thực tế, nếu không thì xây dựng chiến lược để làm gì?
Để ngành công nghiệp ôtô phát triển cần có 3 yếu tố là kỹ thuật, con người và thị trường. Việt Nam có 2 tố là con người và thị trường, nhưng thực tế chúng ta đã không có kế hoạch thực hiện. Cụ thể là thị trường rất tiềm năng nhưng hiện tại thì quá nhỏ hẹp. Giá xe quá cao không phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người tiêu dùng. Hệ thống hạ tầng thì yếu kém không đáp ứng cho thị trường ôtô phát triển. Con người thì thiếu và không được đào tạo bài bản.
Công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chỉ là lắp ráp giản đơn. (Ảnh: Trần Thuỷ) |
Bên cạnh đó chính sách thuế đang xây dựng bởi những người không am hiểu về ôtô. Ông Đinh Văn Đính - Trưởng ban cơ khí Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết chúng ta luôn muốn phát triển công nghiệp ôtô, muốn có một ngành công nghiệp ôtô mạnh. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải có thị trường quy mô lớn. Nhưng ngược lại, ta lại dùng thuế tiêu thụ đặc biệt tới 50% để hạn chế tiêu dùng ôtô.
Vậy câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần phát triển công nghiệp ôtô hay không, khi mà chính sách lại đang mâu thuẫn nhau?
Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó vụ trưởng vụ Cơ khí luyện kim và hoá chất (Bộ Công thương), để phát triển công nghiệp ôtô, điều mấu chốt ở đây là vấn đề nội địa hoá. Nhưng hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển kém. Chúng ta mới có 40 DN đầu tư nước ngoài và 30 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất linh kiện ôtô và chủ yếu sản xuất các phụ tùng đơn giản như: săm, lốp, ghế, ắc quy, dây điện... Công nghiệp phụ trợ muốn phát triển thì phải dựa vào sản lượng xe bán ra. Quy mô thị trường dưới 100.000 xe/năm thì còn lâu mới phát triển được, ai cũng hiểu điều đó.
Ông Nguyễn Đăng Tuất - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết hiện nay cả nước mới có khoảng 130.000 ôtô cá nhân trên tổng số 84 triệu dân. Con số này chỉ nói lên một điều là Việt Nam chưa có thị trường ôtô. Với lượng xe tiêu thụ khoảng 60.000 xe/năm, rất khó để ngành công nghiệp ôtô phát triển.
Không phải là không có tiềm năng, nhưng hiện nay chính sách của chúng ta về phát triển công nghiệp ôtô đang thiếu nhất quán. Theo ông Tuất, hiện có 5 cơ quan tham gia xây dựng chính sách cho ôtô. Bộ Công Nghiệp (trước đây) chỉ được giao xây dựng quy hoạch, còn thuế do Bộ Tài chính đảm nhiệm, tiêu chuẩn kỹ thuật thì do Bộ Khoa học và Công nghệ, tiêu chuẩn an toàn do Bộ Giao thông vận tải, khí thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường... Các cơ quan nhiều khi xây dựng chính sách còn chẳng tham khảo lẫn nhau vì vậy mà thiếu sự ăn ý.
Trong khi nhìn sang Nhật Bản mới thấy: Để phát triển công nghiệp ôtô, từ năm 1960 họ đã có cả một tổ chức thống nhất làm việc rất ăn ý và chặt chẽ.
Ý chí thì rất mạnh mẽ nhưng thực tế phát triển kém, chính sách thiếu nhất quán đang đẩy ngành công nghiệp ôtô vào vòng luẩn quẩn không thoát ra được.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không nhìn nhận xem xét lại rất khó để Việt Nam có được ngành công nghiệp ôtô thực sự.
-
Trần Thuỷ
Ý kiến độc giả: