(VietNamNet) - Ngày 1/8, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 18/2007/CT-TTg một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Trong đó, hàng loạt biện pháp cụ thể đã được đề ra cho từng bộ ngành để kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân.
Ổn định chính sách tiền tệ
Trong chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát các chính sách điều hành tiền tệ để có biện pháp thích hợp kiểm soát được mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức huy động tín dụng; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết lượng tiền trong lưu thông ở mức hợp lý; giữ bình ổn tỷ giá hối đoái, các lãi suất chủ đạo của đồng tiền Việt Nam, không để xảy ra những đột biến trên thị trường tiền tệ.
Kiểm soát lượng tiền lưu thông một cách hợp lý. (Ảnh: CKVN.com.vn)
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phát hành ngay trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc và tín phiếu kho bạc với nhiều kỳ hạn nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông trên cơ sở giải ngân nhanh, có hiệu quả số tiền huy động từ trái phiếu. Thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán và điều hòa cung cầu chứng khoán, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững; chọn những công ty có uy tín để phát hành cổ phiếu thu hút tiền lưu thông cho sản xuất.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ là cơ quan chủ trì cùng các bộ ngành và địa phương làm tố công tác kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm giữ mức bội chi ngân sách trong khoảng 5% GDP;
Cân đối cung cầu hàng hoá
Một trong những giải pháp lớn để kiềm chế tốc độ tăng giá là Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các Bộ quản lý sản xuất thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chủ động trong điều hành để bảo đảm cân đối của nền kinh tế, trước hết là cân đối lớn về hàng hóa, tiền tệ, cán cân thanh toán, chi ngân sách.
Đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra thiếu hụt nguồn hàng gây tăng giá. (Ảnh: Phước Hà)
Trong đó, Bộ NN - PTNT cùng các địa phương tập trung dập dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh ở lợn; phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai. Đồng thời điều hành tiến độ xuất khẩu gạo hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực và giữ bình ổn giá lúa gạo trong nước
Bộ Thương mại sẽ cùng các Bộ, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần hạn chế nhập siêu. Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong, ngoài nước; tổ chức tốt công tác phân tích, dự báo cung cầu hàng hóa; rà soát lại cân đối cung cầu các loại hàng hóa, dịch vụ trọng yếu, các mặt hàng tăng giá để có biện pháp cụ thể bảo đảm cân đối cung cầu, trước hết là các mặt hàng thực phẩm; đề xuất với Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu đối với các loại hàng thực phẩm, thức ăn gia súc thiếu nguồn cung.
Bộ công nghiệp sẽ phải có biện pháp không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các ngành sản xuất thép, phân bón, than và các ngành sản xuất các sản phẩm quan trọng khác có các biện pháp cụ thể tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành.
Bộ Y tế phải với trách nhiệm bình ổn giá thuốc. Kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền, không để giá thuốc tăng cao bất hợp lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc quy định giá bán sách giáo khoa, dụng cụ học tập, không để xảy ra tình trạng đầu cơ đẩy giá tăng cao bất hợp lý. Các Hiệp hội ngành hàng được yêu cầu phối hợp với các doanh nghiệp để có các biện pháp tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, góp phần kiềm chế tăng giá sản phẩm đầu ra.
Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng, thức ăn cho chăn nuôi; giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với vật tư hàng hóa nhập khẩu là đầu vào của sản xuất. Thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với các loại thực phẩm và một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu.
Chống gian lận đầu cơ và thực hiện giá thị trường
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ ngành nhất là Bộ Thương mại tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại; kiểm tra chất lượng và giá cả hàng hoá. Trong khi đó, Bộ Tài chính sẽ thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng đang có giá tăng cao, như thép, gas; đồng thời tăng cường kiểm soát giá độc quyền; xử lý các hành vi định giá, liên kết định giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao. Bộ Y tế sẽ kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền, không để giá thuốc trên thị trường và ở các cơ sở khám chữa bệnh tăng cao bất hợp lý. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chấp hành các quy định về quản lý giá thuốc. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thuốc chữa bệnh, mặt hàng nhạy cảm sẽ được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh: Phước Hà) |
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn chủ trương tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển sang cơ chế giá trị thường đối với các loại dầu nhưng sẽ cân nhắc để quyết định thời điểm điều chỉnh thích hợp. Tương tự, việc điều chỉnh giá đối với than cho các hộ tiêu dùng lớn cần cân nhắc kỹ về thời điểm thực hiện để không tạo ra các yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng xã hội.
Trong quý III năm 2007, bàn với các Bộ quản lý sản xuất, các tập đoàn, các tổng công ty ngành hàng lớn về các giải pháp điều hành hợp lý đối với giá một số vật tư, hàng hóa quan trọng, như giá bán điện, giá bán than cho sản xuất xi măng, phân lân, giấy viết, điện, giá cước vận tải hành khách xe buýt, giá nước sạch sinh hoạt, giá dịch vụ bưu chính; thống nhất với Bộ Bưu chính, Viễn thông và các cơ quan liên quan để trong quý III năm 2007 thực hiện giảm giá đối với dịch vụ viễn thông và một số hàng hóa, dịch vụ khác.
Đồng thời, kiểm soát không để các chủ thể sản xuất, kinh doanh lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước và biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, làm phương hại lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
-
Phước Hà