221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
959126
Bùng nổ phôi thép
1
Article
null
Kỳ I:
Bùng nổ phôi thép
,

(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, song song với việc bùng nổ các dự án đầu tư vào sản xuất thép thì 6 tháng đầu năm 2007 cũng bùng nổ hàng loạt các dự án sản xuất phôi thép bằng công nghệ lò cao (sử dụng nguyên liệu là quặng sắt) với công suất lên đến hơn 2 triệu tấn/năm.

Tiêu thụ thép: Bình quân 85 kg thép/người!

Hiệp hội Thép Việt Nam (VN) cho biết, mức tiêu thụ thép cả nước năm 2006 đã đạt gần 7,2 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước là 4,7 triệu tấn, nhập khẩu thép thành phẩm là 3,8 triệu tấn. Nếu tính theo đầu người, mức tiêu thụ thép của VN năm 2006 đạt gần 85kg thép/người. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, mức tiêu thụ thép này đã gần điểm “cất cánh” của ngành công nghiệp ở các nước trên thế giới (100 kg/người).

Sản xuất thép tại Nhà máy thép Lưu Xá Công ty Gang thép Thái Nguyên (Ảnh minh họa)


Nhưng công nghiệp sản xuất thép của VN hiện mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Chúng ta mới chỉ có nhiều nhà máy cỡ nhỏ, cỡ trung sản xuất thép cán thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ và gia công sau cán. Sản xuất phôi thép năm 2006 mới chỉ ở mức 1,4 triệu tấn. Sản xuất thép dẹt (tấm, lá) hầu như chưa có, mãi tới tháng 5/2005 mới có nhà máy cán thép cuộn cán nóng đầu tiên (nhập thép cuộn cán nóng làm nguyên liệu) ở Phú Mỹ,  tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất 400.000 tấn/năm, dự kiến 2007 sản xuất 300.000 tấn. Còn lại thép tấm, lá cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim… đều phải nhập khẩu.

Các dự án sx phôi thép 

Nhà máy luyện kim công suất 300.000 tấn/năm Cửu Long - Vinashin, đã khởi công xây dựng tại Yên Bái trong quý I/2007; Nhà máy lò cao, lò điện ở Hải Phòng của Công ty Thép Vạn Lợi công suất dự kiến 500.000 tấn/năm; Nhà máy liên doanh giữa Công ty Thép Vạn Lợi với Công ty Thương mại và Khoáng sản Hà Tĩnh xây dựng 2 lò cao 220m3, lò thổi 40 tấn/mẻ, máy đúc liên tục để sản xuất phôi thép cũng đã chính thức khởi công tháng 6/2007 (dự kiến dùng 70% quặng sắt nhập và thu mua trong nước và 30% là quặng mỏ địa phương); Nhà máy Thép Vạn Lợi ở Bắc Cạn vừa khởi công xây dựng tháng 6/2007 với dây chuyền công nghệ 2 lò cao 220m3, lò thổi ôxy 40 tấn/mẻ, máy đúc liên tục, sản xuất 500.000tấn phôi/năm; Công ty Cổ phần Thép Đình Vũ - Hải Phòng dự định xây dựng 1 lò cao 230m3 để cung cấp gang lỏng cho lò điện 30 tấn/mẻ hiện đang sản xuất; Công ty Pomina, Hoà Phát cũng đang khảo sát thiết bị ở Trung Quốc để thời gian tới, thực hiện dự án liên hợp luyện gang lò cao - lò thép - đúc liên tục sản xuất phôi thép cho các nhà máy cán thép.

Giá trị thép thành phẩm nhập khẩu toàn năm 2006 là 2 tỷ USD. Nếu kể cả số ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu cho luyện kim thép (thép phế) và phôi thép thì số ngoại tệ năm 2006 chi cho thép của VN là 3 tỷ 158 triệu USD. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2007, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm thép đạt số lượng 4, 7 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,4 tỷ USD.

Với những con số nêu trên, mức độ tăng trưởng tiêu thụ thép của VN dự đoán năm 2007 sẽ không thấp hơn 20% và ngành thép VN trở thành môi trường hấp hẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Báo động khi quá... nhỏ

Trong 6 tháng đầu năm 2007 đã có hàng loạt các dự án đầu tư vào ngành thép được công bố. Việc đầu tư sản xuất phôi thép
ngày một tăng là điều rất cần thiết, tạo sự chủ động về đầu vào cho sản xuất thép và tránh cho việc phải lệ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới. Hiện nay khi giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng cao thì việc sản xuất phôi trong nước có lợi nhuận cao và đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhưng việc đầu tư nhiều vào các lò cao công suất nhỏ cũng rất đáng báo động. 

Theo Hiệp hội Thép, cho tới nay VN đã thăm dò tỷ mỷ đối với quặng sắt ở 2 mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh), Quý Xa (Lào Cai) và một số mỏ nhỏ ở Cao Bằng, còn lại hầu hết các mỏ là thăm dò tìm kiếm, thăm dò sơ bộ; con số trữ lượng hoàn toàn không đủ độ tin cậy. Nếu xây dựng lò cao với ý định sử dụng quặng ở địa phương cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nguồn nguyên liệu quặng ổn định để có thể cung cấp cho 20-30 năm, thậm chí tới 50 năm đủ tuổi thọ của 1 lò cao và của khu liên hợp.

Những năm gần đây trên thế giới, xu hướng mua lại các cơ sở luyện kim, sáp nhập, tổ chức lại các công ty luyện kim để trở thành các tập đoàn luyện kim lớn đang diễn ra ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… Đối chiếu với những dự án đầu tư thép ở VN những năm qua, chúng ta thấy hầu hết có công suất nhỏ bé, rất phân tán và manh mún. Tổng công suất các nhà máy cán thép xây dựng ở VN đã đạt trên 6 triệu tấn/năm gần gấp đôi nhu cầu. Công suất của các nhà máy sản xuất ống thép cũng đạt gần 1 triệu tấn/năm, cũng gần gấp 2 lần nhu cầu. Công suất các nhà máy tấm mạ kim loại, phủ màu trên 1 triệu tấn/năm cũng chỉ chạy 60% công suất vì cung vượt cầu.

Tuy tổng công suất lớn, nhưng công suất từng nhà máy lại nhỏ bé, các nhà máy cán có công suất phổ biến 200.000-300.000 tấn/năm, chỉ có 2 cơ sở sản xuất lò điện công suất 500.000 tấn/năm. 

Những dự án đầu tư lò cao mới như đã nói trong những tháng đầu năm 2007 cũng nằm trong quy mô nhỏ bé nêu trên. Các nhà đầu tư thép ở Việt Nam chưa có sự liên kết để có đủ tiềm lực xây dựng những cơ sở luyện kim có quy mô vừa và lớn, chưa có đủ vốn để đưa các thiết bị công nghệ hiện đại, có sức cạnh tranh cao vào các dự án đầu tư của mình. Vấn đề đầu tư cho bảo vệ môi trường trong điều kiện đầu tư nhỏ bé phân tán chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai.

Kỳ II: Quặng có đủ cho các lò luyện?

  • Trần Thủy
     
    Ý kiến của bạn về hiện tượng bùng nổ sản xuất phôi thép:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,