(VietNamNet) - Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã gửi công văn đến Bộ Công nghiệp báo cáo kế hoạch phát triển các nhà máy điện với tổng công suất lên tới gần 8.000 MW. Ngành điện thì đi làm viễn thông, còn đóng tàu đi làm điện mà toàn đầu tư sang lĩnh vực khác với số vốn lớn, không biết đó có phải là chuyện đáng mừng?
Theo đó, Vinashin là tập đoàn kinh tế mạnh đã nâng cấp, mở rộng và đầu tư chiều sâu các nhà máy hiện có, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở đóng tàu và sửa chữa tàu biển tại các địa điểm mới, thuận lợi cho việc hình thành các khu công nghiệp đóng tàu tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam như: Cái Lân (Quảng Ninh), Mỹ Trung (Nam Định), Dung Quất (Quảng Ngãi), Soài Rạp (Tiền Giang)...
Tại các khu công nghiệp đã và đang hình thành các nhà máy, xí nghiệp như: cán thép tấm, chế tạo động cơ diesel, đúc thân máy tàu thuỷ... Do đó nhu cầu về điện rất lớn và cấp thiết. Hơn nữa khả năng có thể cạnh tranh được của ngành đóng tàu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản xuất các nguyên vật liệu đầu vào như thép tấm, động cơ diesel... mà yêu cầu đầu tiên để phát triển công nghiệp thép là nguồn cung cấp điện ổn định với giá cả cạnh tranh. Vì vậy xây dựng các nhà máy điện là mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển của tập đoàn.
Liệu tới đây ngành thép có xin đầu tư vào điện để cung cấp cho cán thép? (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, Vinashin cũng đã đặt ra vấn đề tăng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm lên trên 60% vào năm 2010. Để đạt được chỉ tiêu này, Vinashin đã và đang sản xuất, chế tạo và lắp ráp các sản phẩm: thiết bị điện tàu thuỷ, nồi hơi, tuốc bin... Do vậy trong những năm vừa qua, ngành cơ khí chế tạo của Vinashin phát triển khá mạnh, khả năng chế tạo và lắp ráp nâng lên rất nhiều dẫn đến việc chế tạo hay nâng cấp nồi hơi, tuốc bin, tổ máy... trong các nhà máy điện là hoàn toàn có thể tự thực hiện được.
Một vấn đề nữa là các khu công nghiệp của Vinashin đều gần những khu vực khai thác than, khoáng sản, các con sông lớn nên việc cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy điện rất thuận lợi. Đó là tiền đề thôi thúc để Tập đoàn phát triển hệ thống nhà máy điện phục vụ cho các khu công nghiệp. Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động đồng thời tạo điều kiện cho một số ngành nghề khác phát triển theo.
Vinashin cũng giới thiệu một số nhà máy điện dự kiến sẽ xây dựng phục vụ cho ngành đóng tàu gồm:
Nhiệt điện chạy than: nhà máy điện Hậu Giang (3 x 1.200MW), nhà máy nhiệt điện Hải Hà (3 x 676 MW + 2 x 150 MW - dùng khí lò cao), nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (3 x 65MW), nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận (2 x 600MW 1 tổ máy dùng khí lò cao)
Nhiệt điện chạy động cơ: nhà máy điện Dung Quất - Đà Nẵng (8 x 12,5 MW), nhà máy nhiệt điện Soài Rạp (10 x 12,5 MW), nhà máy nhiệt điện Khánh Hoà - Nha Trang (220MW).
Thuỷ điện: Nhà máy thuỷ điện Trạm Tấu (Yên Bái, 22MW).
Phong điện: Trạm phát điện gió tại khu Công nghiệp TP. Quy Nhơn ( Bình Định, 40 x 600KW).
Cuối cùng, Vinashin kết luận và kiến nghị nhu cầu điện năng phục vụ cho các khu công nghiệp của ngành đóng tàu trong giai đoạn 2007-2015 khoảng 8.300MW, vì vậy mong Bộ Công nghiệp xem xét và bổ sung vào Dự thảo quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2006-2015 có xét triển vọng đến 2025 để tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ phát triển hơn nữa và hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra của Chính phủ.
Sau Than, ngành đóng tàu cũng đang muốn đầu tư vào điện. Ảnh minh họa
Một số ý kiến cho rằng việc đầu tư hàng loạt các nhà máy điện với tổng công suất lên đến gần 8.000 MW sẽ đòi hỏi một lượng vốn khổng lồ mới đáp ứng đủ. Hiện nay với các nhà máy nhiệt điện, tính bình quân chi phí cho 1 MW khoảng 1 triệu USD, với thuỷ điện còn lớn hơn. Như vậy, từ nay đến 2015, Vinashin phải lo được 8 tỷ USD để phát triển điện, số vốn này lớn hơn số vốn đầu tư cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính là đóng tàu, liệu có thực hiện được? Nên nhớ rằng trong suốt 10 năm qua (1996-2007), ngành điện chỉ tập trung làm điện mà cũng chỉ đạt được 8000 MW.
Cũng có nghi ngờ cho rằng, đó chỉ là chuyện đăng ký để được đưa vào quy hoạch điện, giống như "xí phần" rồi bán lại cho các đối tác khác bởi nhu cầu về điện đang tăng mạnh và đầu tư vào dự án các nhà máy điện đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm? Ngành điện thì đi làm viễn thông, còn đóng tàu đi làm điện mà toàn đầu tư sang lĩnh vực khác với số vốn lớn, không biết đó có phải là chuyện đáng mừng?
Ngay lập tức, Bộ Công nghiệp đã có công văn trả lời, yêu cầu Vinashin báo cáo Bộ Công nghiệp các thông tin chi tiết và điều kiện triển khai, thực hiện đầu tư các dự án nhà máy điện đã đề xuất, trong đó có báo cáo kiểm toán tình hình tài chính trong 3 năm qua và các phương án thu xếp vốn để thực hiện đề nghị nêu trên.
-
Trần ThuỷĐể rộng đường dư luận, VietNamNet xin đăng tải một vài ý kiến phản hồi đáng chú ý của bạn đọc:Bạn đọc: HTCuoc, email: htcuoc@ioit.ac.vn
Kể ra nền kinh tế thị trường không hạn chế mở nghành nghề kinh doanh. Tuy nhiên Vinashin là DN chuyên nghành sở hữu Nhà nước, huy động vốn trong nhân dân để sản xuất. Ngành đóng tàu rất có tương lai (như Hàn quốc đã làm), đất nước lại có biển rộng sông dài, nhu cầu đóng tàu cho quốc tế lại lớn, hãy chuyên môn hóa cao độ, sẽ không thiếu việc làm. Ông bà ta nói "trăm hay không bằng tay quen", "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" vẫn còn giá trị. Hãy để tiền của hiện đại hóa ngành đóng tàu, thu hút khách hàng quốc tế, thì chắc lợi hơn nhiều. Liên bang Nga đang phát triển nhà máy điện hạt nhân di động (trên biển) 300MW/tổ máy giá rất phải chăng, thu hút nhiều khách hàng, EVN có quan tâm tới nguồn này hay không? Nước ta lại có nhiều vịnh biển lại nằm ở các tỉnh miền trung nơi nguồn tài nguyên cho điện rất ít và không kinh tế. Giải pháp hạt nhân di động có lẽ hợp lí?Bạn đọc: nguyen chuong, Đà Nẵng, email: chuongatd3@gmail.com
Ngành đóng tàu, ngành dầu khí và các ngành khác đầu tư vào phát triển điện hay các ngành nghề khác với nghành nghề kinh doanh chính của mình là phù hợp với cơ chế thị trường và tốt cho chính bản thân các DN. Vì nó vừa chống độc quyền lại chống độc canh có nhiều rủi ro. Chuyện vốn đầu tư thì nhiều DN lo sẽ tốt hơn 1 DN lo. Cái đáng lo, đáng bàn hiện nay nhưng khó thực hiện nhất chính là quản lý Nhà nước sao cho chặt chẽ, hiệu quả.Bạn đọc: Trinhcong, email: cee@hcm.vnn.vn
Việc hình thành các Tổng công ty theo "mẹ-con" rồi Tập đoàn ở nước ta cũng cần phải được xem xét một cách khoa học, sao cho 1+1>2 chứ không chỉ là "dồn lại" cho "to" còn hiệu quả kém đã có ông Nhà nước chịu. Việc các "Tập đoàn" muốn làm đủ thứ, toàn những thứ đầu tư lớn chẳng liên quan đến "năng lực cốt lõi" với số vốn rất lớn (thực ra cũng vẫn là của Nhà nước) thì cần được Chính phủ xem xét một cách nghiêm túc. Việc này khác với một tập đoàn tư nhân thực sự, họ chỉ có thể đầu tư vào những dự án hiệu quả thực sự thôi.
Bạn đọc: Email: nngthong@hcm.vnn.vn
Chuyện này cũng rất tốt cho định hướng chống độc quyền ở nước ta nhưng các cơ quan chủ quản của nghành điện và ngành khác xem lại mình đã tận tâm trong việc đầu tư và định hướng phát triển cho ngành mình đúng mức chưa ?
Mời bạn đọc tiếp tục thảo luận: