221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
950210
93% ngân hàng muốn nhận thế chấp bằng bất động sản
1
Article
null
93% ngân hàng muốn nhận thế chấp bằng bất động sản
,

(VietNamNet) - Khảo sát về thực tiễn hoạt động cho vay gần đây nhất của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy 93% các ngân hàng đều muốn nhận bất động sản làm tài sản thế chấp cho các khoản vay thương mại.

Thông tin trên được các cơ quan này đưa ra trong khuôn khổ hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàn thiện pháp luật về giao dịch đảm bảo nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tín dụng tại Việt Nam” do Chương trình Phát triển Kinh tế Tư nhân thuộc Công ty Tài chính Quốc tế (IFC-MPDF), Cục Đăng ký giao dịch đảm bảo thuộc Bộ Tư pháp (FIAS) đồng tổ chức hôm nay (27/6).

Các ngân hàng đều muốn nhận bất động sản làm tài sản thế chấp song do phần lớn tài sản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại dưới dạng các động sản như hàng tồn kho và các khoản phải thu mà có thể có trị giá tới hàng tỷ đô la nên việc tiếp cận tín dụng với nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn.

Khảo sát về thực tiễn cho thấy 93% các ngân hàng Việt Nam đều muốn nhận bất động sản làm tài sản thế chấp cho các khoản vay thương mại.

Phác thảo một công trình mới sắp được đại gia bất động sản Vincom xây dựng tại TP.HCM. Khảo sát về thực tiễn cho thấy 93% các ngân hàng Việt Nam đều muốn nhận bất động sản làm tài sản thế chấp cho các khoản vay thương mại. (Ảnh: Vincom)

Theo các doanh nghiệp cũng như nhiều chuyên gia tài chính, các tài sản này nếu được huy động sẽ có thể đảm bảo cho một lượng tín dụng lớn để phục vụ cho phát triển kinh tế.

“Tăng khả năng tiếp cận tín dụng là rất cần thiết để có thể đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang chiếm 60% tổng GDP của quốc gia”, Ông Sin Foong Wong, Giám đốc quốc gia của IFC nói.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa này hiện nay vẫn rất khó tiếp cận tín dụng vì họ không đáp ứng được các yêu cầu về tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Các ngân hàng của Việt Nam rất ít khi cho vay mà không có tài sản bảo đảm là bất động sản”, ông Wong cho biết thêm. 

Nhằm khắc phục vấn đề này, Bộ Tư pháp với sự trợ giúp kỹ thuật của IFC-MPDF và FIAS trong năm qua đã nỗ lực cải thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch bảo đảm và hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định số 163 về giao dịch đảm bảo là một biểu hiện cụ thể, giúp hoàn thiện khuôn khổ luật pháp về cho vay có bảo đảm.

Các thành viên tham dự hội thảo đều nhất trí là những đổi mới về luật pháp giao dịch đảm bảo trong thời gian qua sẽ có tác động mạnh mẽ hơn đến sự phát triển kinh tế nếu được kết hợp đồng bộ với việc hoàn thiện các thể chế pháp lý có liên quan cũng như được hỗ trợ trong việc thực thi.

Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng tiếp theo sẽ là tin học hóa hệ thống đăng ký giao dịch đảm bảo của Cục Đăng ký giao dịch đảm bảo thuộc Bộ Tư pháp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng cần phải nhận biết được tất cả các thay đổi và các lợi ích, các cơ hội kinh doanh cho vay có được từ các thay đổi đó.

“Ngoài việc đổi mới về pháp luật, Việt Nam cũng cần phải có một hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm hoạt động hiệu quả", Bà Nguyễn Thúy Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch đảm bảo, nói.

Theo bà Hiền, các tổ chức tài chính cần được tiếp cận với các thông tin chính xác một cách nhanh chóng để phục vụ quá trình ra quyết định cho vay của mình. Một hệ thống đăng ký thống nhất trực tuyến sẽ tăng cường mạnh mẽ hiệu quả luồng thông tin, và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên có liên quan. 

Trong thập kỷ vừa qua, một loạt các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Anbani, Bosnia, Trung Quốc, Romania, Slovakia đã tiến hành đổi mới luật pháp về giao dịch bảo đảm và đã tăng được đáng kể hoạt động cho vay. Việt Nam cũng là một trong những nước theo xu hướng này và kỳ vọng sẽ đạt những thành quả tương tự.

  • Nhật Vy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,