Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho phép thành lập Công ty cổ phần mua bán điện (EPTC), bất chấp những khuyến cáo từ nhiều phía.
>> WB khuyến nghị mô hình công ty mua bán điện của VN
Sự ra đời của Công ty cổ phần mua bán điện sẽ làm nản lòng những nhà đầu tư nguồn điện mới ở VN vì rất có thể khi là nhà mua buôn duy nhất, công ty sẽ dành ưu đãi đặc biệt cho các nhà máy sản xuất điện của chính các cổ đông sáng lập (EVN và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước).
Thêm nữa, rất có thể nhà máy điện không thuộc các tập đoàn, tổng công ty là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần mua bán điện sẽ chịu nguy cơ rủi ro bị phân biệt đối xử.
Ngoài ra, chủ sở hữu đơn vị mua buôn duy nhất có thể thông đồng trong việc đấu thầu cung cấp nguồn điện mới, đặc biệt trong trường hợp các nhà đầu tư tiềm năng khác không tham gia đấu thầu. Khi đó, giá điện cho người tiêu dùng sẽ cao hơn và làm thất bại công cuộc huy động nguồn vốn rất cần thiết cho ngành điện.
EVN khẳng định trong tờ trình của mình rằng các cổ đông sở hữu Công ty cổ phần mua bán điện không được tham gia quyết định giá mua và giá bán, khi công ty đàm phán giá mua với các nhà máy sản xuất điện hoặc đàm phán giá bán với các công ty phân phối. Quá trình mua bán điện của Công ty cổ phần mua bán điện sẽ có giám sát của các cơ quan chức năng.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, việc xuất hiện ra một công ty con mang quyền mua lẫn bán điện, thì EVN độc quyền trong lĩnh vực cung cấp điện vẫn chưa hết. Tất yếu, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh khi chỉ có duy nhất một đầu mối mua điện. Cũng theo bà Lan, rủi ro của đề án này là rất lớn và nó không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
(Theo Tuổi Trẻ, Người Lao Động)