(VietNamNet) - Ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã có những giải đáp quanh lo ngại về mô hình công ty cổ phần mua bán điện.
>> Khởi động thị trường điện cạnh tranh
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đã gửi thư tới Bộ Công nghiệp VN bày tỏ lo ngại về đề xuất lập công ty mua bán điện duy nhất của EVN. Trong bức thư, ông Martin Rama - Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho biết có một số quan ngại đối với đề xuất gần đây của EVN về việc phối hợp với một số doanh nghiệp nhà nước khác thành lập đơn vị mua buôn duy nhất cho ngành điện theo mô hình công ty cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
Theo ông Martin Rama, việc lập một đơn vị mua buôn duy nhất hoạt động vì lợi nhuận do các công ty có sở hữu hoặc điều hành các nhà máy phát điện là điều không nên. Việc lập đơn vị mua buôn duy nhất sẽ tạo một sự xung đột lớn về quyền lợi. Các công ty này sẽ có quyền lợi qua việc bán điện do sở hữu nguồn điện và cả khi mua điện do việc sở hữu đơn vị mua buôn duy nhất.
Thứ nhất, sự xung đột về quyền lợi làm nản lòng những ai muốn đầu tư mới cho nguồn điện ở Việt Nam, vì các nhà đầu tư cho rằng đơn vị mua buôn duy nhất sẽ có những ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà máy điện của chính các công ty sở hữu đơn vị này.
Thứ hai, một nhà máy phát điện hiện hành không do đơn vị mua buôn duy nhất sở hữu có nguy cơ chịu rủi ro phân biệt đối xử với những ưu đãi đặc biệt có thể được dành cho các nhà máy điện do đơn vị này sở hữu.
Thứ ba, chủ sở hữu các đơn vị mua buôn duy nhất có thể thông đồng trong việc đấu thầu cung cấp nguồn điện mới, đặc biệt trong trường hợp các nhà đầu tư tiềm năng khác không tham gia đấu thầu.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và hiểu biết của chúng tôi về tình hình của Việt Nam, chúng tôi kiến nghị nhập đơn vị mua duy nhất với công ty truyền tải và đơn vị điều hành hệ thống và thị trường. Một đơn vị như vậy cần phải tách rời và không có quan hệ về mặt sở hữu với các nhà máy phát điện.
Theo WB, đây là một giải pháp thực tiễn để có thể tránh được những nguy cơ trên và đáp ứng được những yêu cầu của lộ trình.
Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng. (Ảnh minh hoạ - nguồn lilama.com.vn) |
Trả lời báo chí về những quan ngại này, ông Đào Văn Hưng cho biết, việc mua điện (điện của EVN sản xuất và mua ngoài) rồi bán lại cho các công ty phân phối điện do EVN thực hiện từ 1995 đến nay.
Việc làm này đã không giải quyết được các va chạm với xã hội, nhất là các nhà đầu tư nguồn điện. Nhiều nhà đầu tư cho rằng chỉ có một mình EVN là người mua, không bán cho EVN thì bán cho ai? vì vậy mà luôn bị ép giá. Việc mua điện phải thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công nghiệp, trong đó có quy định giá trần cho thuỷ điện riêng, nhiệt điện riêng... nhiều nhà đầu tư không đồng tình với cách làm này.
Bên cạnh đó xu hướng phải hình thành thị trường điện lực đang thúc ép và việc thành lập công ty cổ phần mua bán điện là cần thiết.
Công ty cổ phần mua bán điện sẽ hoạt động dựa trên 6 nguyên tắc là: mua điện theo đăng ký nhu cầu của các công ty phân phối điện; mua từ giá chào thấp nhất đến cao (nếu nhà máy nào chào giá bán cao quá mà nhu cầu về điện không cao sẽ không mua); khi đàm phán mua điện của những nhà máy thuộc những cổ đông tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần thì những cổ đông này không được tham gia; có giá trần, không cho phép chào cao quá; lãi định mức của công ty cổ phần này sẽ tính toán để ở mức từ 5%-10%; khi đàm phán có Ban kiểm soát tham gia gồm các đại diện như Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công nghiệp), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Hội Người tiêu dùng... giá chào bán sẽ được đưa lên mạng và thông báo rộng rãi để mọi người quan tâm cùng biết.
Theo ông Hưng hiện nay chỉ mình EVN mua điện nhưng đã mua điện của 32 nhà máy, bên cạnh đó có 83 nhà máy (ngoài EVN) đang xây dựng, đã ký hợp đồng nguyên tắc bán điện cho EVN từ nay đến 2010. Như vậy các nhà đầu tư đâu có nản lòng, họ đâu có nhìn vào việc đầu tư cho khâu mua bán điện như thế nào mà nhìn vào thị trường điện với tốc độ đang tăng trưởng mạnh của nó để quyết định. Khi công ty này ra đời tất nhiên sẽ có nhà máy bán được nhiều điện và nhà máy bán được ít điện vì nguyên tắc mua là bắt đầu từ giá thấp đến giá cao, nhà máy nào chào giá cao sẽ bán được ít điện hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay giá điện bán ra cho khách hàng bao nhiêu là do Nhà nước quyết định, công ty mua bán điện không thể quyết định được điều này, vì vậy quyền lợi của người tiêu dùng không bị ảnh hưởng. Điều này cũng hạn chế lợi nhuận của công ty mua bán điện. Giá điện Nhà nước quyết định, chi phí truyền tải Nhà nước duyệt, chỉ còn đàm phán về giá mua của các nhà đầu tư nguồn và bán lại cho các công ty bán lẻ (và các công ty bán lẻ vẫn phải có lợi nhuận) vì vậy lợi nhuận của công ty bị chặn trên và nó chỉ ở mức hợp lý. Lợi nhuận được tính toán sẽ từ 5-10% tính trên vốn điều lệ của công ty là 1.000 tỷ đồng thì sẽ khoảng 50 tỷ đến 100 tỷ đồng/năm là không nhiều.
Cho đến khi giá điện thực hiện theo giá thị trường thì khi đó công ty này sẽ trở thành công ty mua buôn điện và bên cạnh nó sẽ có thêm những công ty mua buôn điện khác cùng hoạt động cạnh tranh nhau. Ông Hưng cho biết, EVN cũng rất muốn sẽ thành lập không phải chỉ có 1 công ty mua bán điện mà phải hơn 1, nhưng trong thời điểm hiện nay không thể thực hiện được bởi điện là sản phẩm đặc biệt, hoạt động mua bán điện khá phức tạp và nó đòi hỏi phải có những nhân lực có trình độ điều hành quản lý cũng như hệ thống pháp lý và kỹ thuật đồng bộ mới tiến hành được vì vậy phải thực hiện có lộ trình.
Theo ông Hưng, mô hình mà WB đề xuất là nhập đơn vị mua duy nhất với công ty truyền tải và đơn vị điều hành hệ thống rất khó thực hiện bởi 1 đơn vị sẽ khó đảm nhận được 3 nhiệm vụ này do quy mô hoạt động quá lớn và rất phức tạp. Chỉ nói riêng việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống truyền tải điện, mỗi năm cũng phải chi phí 4.000 tỷ đồng. Theo tổng sơ đồ điện VI trình Chính phủ thì từ nay đến 2025 chi phí cho những hoạt động phát triển, vận hành sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống truyền tải mỗi năm cũng lên tới 1,5 tỷ USD, một số vốn lớn như vậy khó có cơ quan nào đảm đương được.
Việc thông đồng trong đấu thầu cung cấp thiết bị mới như suy luận của WB, ông Hưng cho rằng không nên đặt vấn đề này ra bởi bởi sẽ ảnh hưởng đến uy tín các cổ đông là các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước lớn. Sẽ không chỉ vì lợi thêm vài tỷ đồng mà làm trái các quy định pháp luật, cũng như nếu mô hình này mà có thông đồng thì với các mô hình khác liệu có không cũng là câu hỏi cần xem xét - ông Hưng nói.
Hiện nay trên thế giới có 120 nước đang thực hiện thị trường điện cạnh tranh và không mô hình nào giống với mô hình nào. Việc sao chép y nguyên mô hình của nước này đưa vào nước khác là thực tế, đưa ra mô hình phải phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh kinh tế xã hội của từng nước. Với mô hình công ty cổ phần mua bán điện qua xem xét thì vẫn phù hợp nhất trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. Hiện chỉ có 3 loại hình doanh nghiệp là công ty hạch toán phụ thuộc, công ty TNHH một thành viên và công ty cổ phần, thì trong 3 mô hình này thì các ý kiến đều cho rằng công ty cổ phần mua bán điện là hình thức hợp lý nhất.
-
Trần Thuỷ