221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
934714
Sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng: cao hay thấp?
1
Article
null
Sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng: cao hay thấp?
,

(VietNamNet) - Cùng với cơn sốt chứng khoán, câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng đang nóng lên đỉnh điểm.

Có lẽ cũng nên điểm lại quá trình thay đổi sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, để có những bước đi thích hợp trong thời gian tới, khi Việt Nam đã hội nhập một cách đầy đủ vào nền kinh tế thế giới.

Hệ thống ngân hàng hai cấp bắt đầu hình thành từ năm 1988
Hệ thống ngân hàng hai cấp bắt đầu hình thành từ năm 1988.
Trong tài liệu “Thất bại của chính phủ trong khu vực tài chính” Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng, việc nhà nước sở hữu hay khống chế quá nhiều hệ thống ngân hàng (thương mại) ở các nước đang phát triển sẽ làm cho hệ thống tài chính kém phát triển và không thực hiện tốt chức năng của mình, từ đó làm giảm tăng trưởng.

Tuy nhiên, kinh nghiệm một số nước cũng cho thấy việc tư nhân hóa một cách ồ ạt các các ngân hàng, trong khi các thể chế cần thiết còn yếu kém, có thể làm gia tăng gánh nặng ngân sách và nguy cơ khủng hoảng. Giữa hai quan điểm trên, vấn đề là xác định được sự cân bằng trong mỗi giai đoạn phát triển.

Những quan điểm ủng hộ sở hữu nhà nước

Những người ủng hộ sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng đưa ra lập luận: do sự yếu kém của các tổ chức và thông tin bất cân xứng nghiêm trọng, sẽ xảy ra “thất bại thị trường”. Do vậy, chính phủ có thể phân bổ vốn hiệu quả hơn tư nhân, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Lý do thứ hai, nếu tư nhân sở hữu ngân hàng thì có thể dẫn đến độc quyền, hạn chế khả năng tiếp cận vốn cho các hoạt động trong nền kinh tế.

Lý do thứ ba, tư nhân hóa ồ ạt các ngân hàng có thể xảy ra ngoại tác tiêu cực: do tổ chức tư nhân có nguy cơ bị sụp đổ cao hơn, dễ dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Và những quan điểm không ủng hộ

Những người mang quan điểm ngược lại cũng có lập luận của mình: các ngân hàng do nhà nước sở hữu dễ bị chi phối bởi các yếu tố chính trị và áp lực của các nhóm lợi ích, dẫn đến kết quả chệch hướng khỏi mục tiêu đề ra.

Hơn thế, khu vực nhà nước không có động cơ mạnh mẽ để phân phối vốn hiệu quả, những người nắm giữ trọng trách thường bị thúc đẩy bởi việc “giữ ghế” chính trị và ban thưởng cho những người ủng hộ mình, động cơ đó mâu thuẫn với mục tiêu phân bổ nguồn lực của ngân hàng.

Mâu thuẫn giữa chức năng sở hữu – kinh doanh tiền tệ và quản lý tiền tệ có thể xảy ra. Do một bộ phận của chính phủ thực hiện chức năng kinh doanh, nhưng lại có bộ phận chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, làm cho hoạt động giám sát của nhà nước trở nên yếu đi.

Bên cạnh đó, sở hữu nhà nước dễ nảy sinh lạm dụng quyền lực, nguồn gốc của nạn tham nhũng, quan liêu, làm phát sinh nhiều thủ tục rườm rà, tăng chi phí giao dịch.

Lập luận của cả hai bên đều có lý, vậy câu chuyện thực tế ở Việt Nam thì như thế nào?

Bài học tự do hóa không kiểm soát

Trước năm 1986, Việt Nam theo mô hình kinh tế kế hoạch tập trung, mọi giao dịch tài chính (chính thức) đều do nhà nước thực hiện thông qua ngân hàng nhà nước. Hệ thống ngân hàng nhà nước là hệ thống một cấp (ngân hàng trung ương đảm nhiệm luôn chức năng của các ngân hàng thương mại), thuộc sở hữu nhà nước 100% và do nhà nước trực tiếp quản lý, kiểm soát.  

Đến năm 1988, chức năng kinh doanh ngân hàng được tách khỏi Ngân hàng nhà nước để giao cho các ngân hàng chuyên doanh. Hệ thống ngân hàng hai cấp được hình thành, tạo nên các chuyển biến về tự do tài chính, là điều kiện cho các hình thức sở hữu khác trong hệ thống tài chính phát triển.

Cùng năm, Nhà nước ban hành tạm thời các thể lệ tín dụng, cho phép tất cả các tổ chức kinh tế được vay tiền và huy động vốn từ công chúng (quyết định số 18/NH/QĐ và 19/NH/QĐ ngày 27/4/1988). Thị trường tài chính trong nước được tự do hóa gần như hoàn toàn.

Với quy định mới, các tổ chức tín dụng mọc lên như nấm. Năm 1989 cả nước có đến 7.180 quỹ tín dụng và hợp tác xã tín dụng. Tuy nhiên, cuối năm 1989 hàng loạt các tổ chức tín dụng đã đổ bể và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân đổ bể là tự do hoá tài chính đã đi quá xa khỏi năng lực quản lý. Tất cả các tổ chức kinh tế đều có thể kinh doanh tiền tệ, kể cả những hình thức kinh doanh tiền tệ dưới vỏ bọc huy động vốn (như vụ nước hoa Thanh Hương), trong khi hệ thống kiểm soát và điều tiết chưa kịp hình thành.  

Từ bài học đắt giá đó, Việt Nam đã có tiến trình tự do hóa tài chính thận trọng và hợp lý hơn.

Tỉ lệ sở hữu nhà nước giảm dần

Sau cú vấp đó, hai pháp lệnh về ngân hàng được đưa ra trong năm 1990, góp phần củng cố hệ thống ngân hàng hai cấp, bắt đầu hình thành các công cụ quản lý và điều hành tiền tệ.  

Tỉ lệ tài sản của các ngân hàng thương mại nhà nước trong tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam:

  • Năm 1994:  89%

  • Năm 1998:  82%

  • Năm 2003:  74,6%

  • Năm 2005:  71,5%

  • Năm 2006:  62,5%

Hai pháp lệnh trên đã cho phép thành lập các ngân hàng cổ phần, ngân hàng nước ngoài được tham gia thành lập ngân hàng liên doanh... Tỉ trọng tài sản của các ngân hàng thương mại nhà nước trong tổng tài sản của hệ thống ngân hàng cũng giảm dần.

Tỉ lệ này năm 1994 là 89%, đến năm 1998 giảm xuống còn 82%, còn 74,6% vào năm 2003, 71,5% năm 2005 và 62,5% vào năm 2006.

Từ năm 2007, hệ thống tài chính cũng mở cửa rộng hơn theo thỏa thuận gia nhập WTO. Các nhà đầu tư nước ngoài được phép mở ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam từ ngày 1/4/2007. Vì vậy, dự báo tỉ lệ sở hữu nhà nước trong hệ thống ngân hàng sẽ còn tiếp tục giảm.

Việc đa dạng hoá các thành phần kinh tế, đặc biệt sự tham gia của ngân hàng nước ngoài đã góp phần cải thiện mạnh mẽ hệ thống tài chính: áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh… Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho các ngân hàng mà cho cả nền kinh tế.

Sở hữu nhà nước sẽ giảm đến bao nhiêu?

Việc tham gia của các thành phần kinh tế vào hệ thống tài chính đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước trong hệ thống tài chính cũng phải xét đến bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, các thể chế đang trong quá trình xây dựng và hội nhập, có nhiều thông tin bất cân xứng, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng rất lớn… do vậy trong một số lĩnh vực chính phủ phân bổ vốn sẽ hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm của các nước Đông Âu, khi tự do hóa hệ thống tài chính quá nhanh, sở hữu nhà nước trong hệ thống tài chính đã giảm rất nhanh xuống dưới 25%, thậm chí còn 3% như ở Cộng hoà Séc, từ đó những tác động tiêu cực đã nảy sinh.

Việc giảm sở hữu nhà nước trong hệ thống tài chính là tất yếu, nhưng cần được thực hiện theo một tiến trình hợp lý. Trong mỗi giai đoạn, cơ cấu sở hữu không thể áp đặt theo cảm tính mà cần phải được xác định trên cơ sở khoa học. 

  • Ngân Lưu
    Ý kiến của bạn đọc về vấn đề chuyển đổi cơ cấu sở hữu trong ngân hàng 
    và tự do hóa hệ thống tài chính:
     

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,