Đoàn kiểm tra các dự án điện, do ông Thái Phụng Nê, phái viên Thủ tướng Chính phủ, đứng đầu, sau chuyến khảo sát thực tế 33 dự án điện mới đây đã chính thức đề nghị Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện nếu chưa khởi công thì từ nay phải đảm bảo có thiết kế kỹ thuật, tổng tiến độ và tổng dự toán được duyệt để thực hiện đấu thầu, hoặc chỉ định thầu theo quy định hiện hành trước khi ký hợp đồng xây lắp.
Đánh giá chung được đoàn kiểm tra đưa ra sau khi kiểm tra thực tế tại các dự án điện này là “phần lớn đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch từ 2 đến 6 tháng”. Dĩ nhiên, sự chậm trễ này là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do năng lực các nhà thầu thi công yếu, thiếu vật liệu thi công (do thiếu vốn); bản vẽ thi công chậm được cung cấp; tổng dự toán chưa được duyệt, nên thanh toán với nhà thầu chỉ là tạm thời, khiến nhiều nhà thầu tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn, khó đẩy nhanh được tiến độ.
Hầu hết các dự án điện đều chậm tiến độ. Ảnh minh họa.
Điều đáng nói là, trong 33 dự án nói trên, có gần như đủ mặt các dự án thủy điện được nêu tại văn bản 797/2003/CP-CN và văn bản 400/2004/CP-CN. Theo quy định tại hai văn bản này, các dự án thủy điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư đã được hưởng một số cơ chế đặc biệt, với hy vọng rút ngắn được thời gian triển khai các dự án điện trong bối cảnh thiếu điện và tầm quan trọng của điện đối với phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Tuy vậy, gần 4 năm đã qua kể từ khi văn bản 797/2003/CP-CN được ban hành, vẫn chưa có dự án nào thực hiện theo cơ chế này đi vào hoạt động. Với tổng công suất của hai tổ máy là 64 MW, Nhà máy Thủy điện Quảng Trị, khởi công đầu tháng 8 năm 2003, được xem là dự án có quy mô nhỏ nhất, có thời gian khởi công sớm nhất trong số các dự án được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng cũng sẽ chậm phát điện khoảng 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, Dự án Thủy điện Srok Phu Miêng, 51 MW, không thuộc diện “797”, tuy được khởi công chậm hơn 3 tháng, nhưng đã phát điện từ quý IV năm ngoái.
Nguyên nhân chính, theo đánh giá của đoàn kiểm tra ở Dự án Thủy điện Quảng Trị là công tác xây lắp bị chậm. Hiện tại, nhà máy đang tập trung lắp ráp, hiệu chỉnh tuốc bin, máy phát và các hệ thống thiết bị phụ trợ, phấn đấu phát điện tổ máy số 1 trong tháng 5 này.
Cũng với lý do tương tự, Dự án Thủy điện A Vương, công suất 210 MW, không kịp xong trước mùa lũ cuối tháng 9 năm 2006, nên phải đặt mốc mới về phát điện, chậm hơn kế hoạch ban đầu 10 tháng. Còn Dự án Thủy điện sông Ba Hạ, 220 MW, dù một số hạng mục, như đâïp tràn xả lũ, đường hầm dẫn nước, hay cung cấp thiết bị công nghệ cơ bản đáp ứng tiến độ, nhưng vấn đề nổi cộm cũng vẫn là lực lượng thi công của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.
Hậu quả là, tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12 năm nay đang bị đe dọa phá vỡ. Dự án Thủy điện Buôn Kuốp cũng được đoàn kiểm tra đánh giá là chậm tiến độ, bởi một trong những nguyên nhân cơ bản là lực lượng thi công của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, tổ máy số 1 phải lùi thời điểm phát điện 2-3 tháng.
“Ở hầu hết các dự án, nhân lực, đặc biệt là công nhân lành nghề chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Thiết bị xe máy chủ yếu của các nhà thầu thi công còn thiếu, thiếu vật liệu do nhà thầu thiếu vốn. Nếu không khắc phục kịp thời, sẽ tiếp tục chậm trễ”, báo cáo viết.
Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên, cảnh báo về tiến độ thi công các dự án được đưa ra. Tháng 4 năm 2006, tình trạng nhân lực mỏng và yếu của nhà thầu cũng được đoàn kiểm tra khuyến cáo. Trong khi đó, chỉ 7 tháng sau khi văn bản 797/2003/CP-CN được ban hành, EVN đã đề xuất thêm 11 dự án khác được hưởng cơ chế đặc biệt này, đồng thời khẳng định “do được chỉ định sớm, nên chủ động bố trí vật tư, thiết bị, con người, không bị lúng túng, thiết bị và lực lượng thi công được huy động sớm, không phải chờ đợi”.
Bên cạnh đó, cũng cần nói tới thực tế thi công ở các dự án đang trong điều kiện thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 chưa được duyệt, các bản vẽ thi công bị cung cấp chậm. Vì vậy, chuyện “vừa làm, vừa chờ”, hay “đào nhầm”... cũng không phải là hiếm. Cho tới nay, vẫn còn nhiều dự án chưa hoàn thành lập và phê duyệt tổng dự toán, nên chưa ký hợp đồng tổng thầu, khiến việc thanh toán chậm, nhà thầu lại đang thiếu vốn nên cũng chẳng huy động lực lượng mạnh cho thực hiện dự án.
Thực tế này khiến các chuyên gia e ngại về khả năng tiết kiệm được 5% giá dự toán gói thầu đã được phê duyệt khi mục tiêu quan trọng nhất là thời gian phát điện đã không đạt. Rất có thể, đó cũng là lý do chính khiến đoàn kiểm tra phải đưa ra đề xuất như đã nói ở phần đầu.
-
Theo Đầu tư