(VietNamNet) - Trước những thông tin dự báo sự tăng giá của hàng tiêu dùng - đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm - sẽ "ăn theo” giá xăng, VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - Ảnh: N.Nga
Không được tăng vượt quá mức tăng của xăng!
- PV VietNamNet: Nhiều ý kiến cho rằng, việc xăng tăng giá vừa qua, sẽ khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng thêm từ 5-7%, ông đánh giá thế nào về mức độ tăng giá hàng tiêu dùng lần này?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Sau khi điều chỉnh giá xăng, giá thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng mức độ tác động không lớn. Giá xăng lên 800 đồng như vậy là tăng vào khoảng 7%, chỉ số giá của nhóm xăng dầu tháng 5 là 0,2%. Tác động như vậy là bình thường!
Ảnh hưởng trực tiếp sau khi giá xăng tăng là những lĩnh vực sử dụng xăng như các phương tiện: vận tải taxi, xe máy, phương tiện vận tải Nhà nước. Trong đó, tiêu dùng của Nhà nước thì không ảnh hưởng gì đến giá rồi. Hiện một số Hiệp hội taxi cho biết, vẫn chưa phải điều chỉnh giá vì họ vẫn kiểm soát được. Còn vận tải hàng hoá, vận tải hành khách thì sử dụng dầu là chủ yếu.
Sở dĩ nói tác động như vậy là bình thường, bởi, nhiều đầu vào hàng hoá, dịch vụ quan trọng của nền kinh tế, nhiều mặt hàng Nhà nước quyết định giá như: điện, than, các loại dầu ma-zút, diezen, dầu hoả, các loại cước vận tải hàng không, đường sắt, xe bus… vẫn ổn định.
Bên cạnh đó cũng có loại giảm giá như cước viễn thông. Trên thị trường có những loại tăng, loại ổn định và loại giảm, nó tác động đan xen với nhau chứ không chỉ có một chiều tăng. Phải nhìn toàn diện thị trường chứ chỉ nhìn thấy giá tăng là không phải.
- Như vậy, giá xăng tăng không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất mà chủ yếu là khâu vận tải. Trong khi vận tải hàng hoá đa phần là các phương tiện chạy bằng dầu, vậy tại sao một số doanh nghiệp vẫn có chủ trương tăng giá, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Căn cứ vào đâu mà họ tăng giá sản phẩm? Phải kiểm tra họ chứ, nếu như xăng nó không vào đấy thì tại sao anh lại lợi dụng xăng tăng để anh tăng?. Cũng có thể có yếu tố nào đó chi phối đến giá sản phẩm của họ, mình phải kiểm chi phí thì mình mới nói được tăng là do đâu.
Còn trường hợp thực sự do xăng khiến giá thành của người ta tăng lên thì cũng phải xem xét ở mức nào, chứ không có cơ sơ để tăng vượt mức mà giá xăng tăng được.
Thực ra, thị trường còn các yếu tố cạnh tranh, nó kiềm chế không cho tăng được. Không phải muốn tăng bao nhiêu là tăng, có thể DN tính mức giá như vậy nhưng khi ra thị trường, họ không chấp nhận thì cũng không làm được.
- Ý kiến của ông ra sao về yếu tố tâm lý cũng như việc lợi dụng nâng giá của một số kênh phân phối?
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Không loại trừ những người lợi dụng việc tăng đó để đẩy giá. Nhưng bây giờ mức độ nó cũng ít lắm, nếu vài năm trước đây, các yếu tố trên chi phối mạnh đến giá cả thì nay mức độ đỡ hơn nhiều. Chi tiết mức độ ảnh hưởng của yếu tố tâm lý đối với việc tăng giá là bao nhiêu thì không ai đánh giá được.
Nếu phát hiện trường hợp không dùng xăng để vận chuyển mà cứ lấy cớ là do giá xăng thì cần phải báo với các cơ quan quản lý địa phương, các Sở Tài chính. Từ đó, qua kiểm tra các yếu tố hình thành giá, họ sẽ có biện pháp xử lý những loại tăng bất thường trên.
Người tiêu dùng phải biết cách tự bảo vệ mình!
- Nhiều mặt hàng nhập khẩu theo cam kết WTO, được giảm thuế suất trung bình 20% đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá. Nhất là hiện nay giá xăng tăng, các nhà phân phối, kinh doanh lại đổ do chi phí vận chuyển đội lên, theo ông, đó có phải là vấn đề chính?
Người tiêu dùng không nên đổ xô đia mua theo phong trào (ảnh minh họa: Ng. Sa)
Ông Nguyễn Tiến Thoả: Thực ra có những loại nhập về giảm thật nhưng nhìn chung, hàng về chưa nhiều. Việc giảm thuế tạo điều kiện cho hàng hoá được giảm giá tuy nhiên, muốn giảm nữa phải mở rộng và đẩy mạnh cạnh tranh hơn. Phải tạo điều kiện để các DN trong và ngoài nước cùng cạnh tranh với nhau; chứ để một DN kiểm soát phần lớn thị trường, dẫn đến độc quyền, giá lên là điều đương nhiên.
Cái thứ hai dẫn đến giá không giảm là do cung, cầu của thị trường. Chỉ ví dụ đơn giản như mùa hè nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng điện lạnh, chống nóng tăng, người dân đổ xô đi mua, tự nhiên tạo một lượng cầu rất lớn, làm sao tránh khỏi giá không lên. Rõ ràng DN trông thấy điều này, bán thử mức giá cao hơn, mọi người phải chấp nhận, thế là nó hình thành mức giá mới.
Cho nên, bị mua đắt cũng một phần do người tiêu dùng. Vậy, khuyến cáo rằng, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, đừng đi mua dồn mua dập, mua theo phong trào. Về phía nhà kinh doanh, hiện không thể bắt họ rằng, giảm thuế ngần này thì anh phải giảm giá ngần này mới được!
- Xin cảm ơn Cục trưởng về buổi trao đổi này!
Ý kiến của quý vị về việc tăng giá xăng và giá tiêu dùng tăng theo?
- Nguyễn Nga