(VietNamNet) - Trước khi giá xăng tăng thêm 800 đồng/lít hôm 7/5 vừa qua, giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng mạnh. Người tiêu dùng và các hộ kinh doanh (KD) nhỏ lẻ hoài nghi, việc giá thực phẩm “đi trước đón đầu” giá xăng như trên phải chăng là một “chiêu” của các nhà phân phối trong việc góp phần tạo nên một hiệu ứng tăng giá?
Nhiều mặt hàng "đi trước” giá xăng
Nhiều loại thực phẩm tăng giá cùng lúc.
Theo giới KD tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, trước và trong thời điểm thông tin tăng giá xăng được đưa ra, giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã leo thang…
Chị Phúc, chủ quầy tạp hóa số 4 chợ Hàng Da tỏ ra khá bức xúc: “Tất cả mọi thứ đều tăng “dã man”, nhất là các loại dầu ăn”. Được biết, chỉ trong 2 tuần gần đây giá các loại dầu ăn của Công ty Dầu thực vật Cái Lân đã tăng liên tục 3 lần. Với mỗi lần tăng thêm 1.000 đồng, hiện tại giá dầu ăn Neptune loại 1 lít đang ở mức 22.000 đồng.
“Dầu ăn dù đã lên vài đợt nhưng chưa dừng lại, hôm nay nhà phân phối vừa báo rằng giá chuẩn bị lên nữa. Nếu như vậy sắp tới loại Neptune 1 lít sẽ được bán ra ở mức 23-24.000 đồng”, chị Phúc nói.
Bên cạnh đó, chị Tâm chủ sạp số 27 chợ Hôm còn liệt kê: “từ bột nêm Knor, mì chính Mi-uon, nước chấm Chin-su cho đến các loại đồ hộp, đồ khô đều đã tăng giá từ 500–1.000 đồng/sản phẩm. Ngay như mì ăn liền Hảo Hảo, tuần trước có giá 36 nay đã lên 37.000 đồng/thùng, đây là lần tăng giá thứ hai từ sau Tết đến nay”.
Không chỉ mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá một số đồ uống như: bia, nước giải khát: Heneiken, Tiger, Coca-Cola, Pepsi… cũng đã tăng từ 7.000-17.000 đồng/két. Đồng thời, giới KD tại nhiều chợ cũng cho biết, thịt lợn đang là mặt hàng tăng giá mạnh. Hiện, các loại thịt lợn pha đã tăng lên 5 giá so với các tháng trước đây…
Nguyên nhân không hẳn do giá xăng!
Khan hàng do dịch bệnh, thịt lợn tăng giá.
Đa phần các hộ KD nhỏ lẻ và người tiêu dùng đều cho rằng, nguyên nhân khiến hàng thực phẩm tăng giá nêu trên là do tác động của thông tin xăng tăng giá bởi tâm lý “xăng tăng thì cái gì cũng tăng”. Ngay cả khi giá thực phẩm tăng trước giá xăng thì họ vẫn cho đây là “chiêu đi trước một bước” của nhiều nhà phân phối… Tuy nhiên, một số nhà sản xuất cũng như giới KD tại các siêu thị lớn lại khẳng định, nguyên nhân không hẳn là do giá xăng.
Anh Hồng Dương, phụ trách Marketing Công ty Dầu thực vật Cái Lân, đơn vị sản xuất dầu ăn với các nhãn hiệu: Cái Lân, Neptune, Simply, Meizan… cho hay, thông tin giá xăng tăng không ảnh hưởng đến việc tăng giá sản phẩm của công ty vừa qua. Mà chủ yếu là sự khan hàng khiến giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao (trong khi nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu 100%) nên từ sau Tết đến nay, công ty đã thực hiện tăng giá sản phẩm qua các đợt; theo đó, hiện giá các mặt hàng của Cái Lân đã tăng thêm 10%.
Dù vậy, anh Dương cũng dự báo, đây chưa phải là đợt tăng giá cuối cùng bởi giá nguyên liệu trên thế giới vẫn có xu hướng tăng cao trong khi mức giá các sản phẩm trên vẫn được nhà sản xuất giữ ở mức “chưa tới” so với tỷ lệ tăng giá nguyên liệu!
“Trước khi giá xăng tăng, một số mặt hàng tại siêu thị đã có mức tăng giá khác nhau. Đối với hàng nhập khẩu thì nhà phân phối “đổ” tại đồng nọ, đồng kia tăng giá. Còn hàng nội địa thì nhà sản xuất vin vào giá nguyên liệu tăng. Đến nay cũng chưa thấy nhà sản xuất, phân phối nào thừa nhận tăng là do giá xăng”, Phó GĐ Phụ trách KD, siêu thị Fivimart nói.
Còn một đại diện siêu thị Big C thì phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá một số hàng tiêu dùng nhanh tăng thời gian qua. Cụ thể, đối với nhóm hàng giải khát, giá tăng phần nào là do tâm lý, nhu cầu tiêu thụ các loại đồ uống tăng cao khi vào hè. Riêng mặt hàng thịt lợn, do dịch bệnh phát sinh vài tháng trước khiến nguồn hàng khan, giá tăng lên. Cùng với thông tin về giá xăng tăng vừa qua đã tạo nên một hiệu ứng tăng giá đối với nhóm lương thực, thực phẩm, mặt hàng mà vốn từ trước đến nay luôn được coi là rất “nhạy cảm” này.
-
Bài, ảnh: Nguyễn Nga