(VietNamNet) – Việc Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu thay thế cơ chế điều hành 187 thực sự là một bước đi mạnh mẽ trên lộ trình xoá bỏ bao cấp về giá. Tuy nhiên, điều này không hề gây sốc cho các đối tượng liên quan mà được đón nhận với hy vọng đây là “cú huých” quan trọng đưa giá xăng dầu đi đúng quy luật của thị trường.
2 năm lại đây, người ta nhắc nhiều đến “một mặt bằng giá mới đang được hình thành trên thế giới” khi giá cả các mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng đều tăng giá. Trong đó, xăng dầu luôn là một ví dụ điển hình cho xu hướng tăng giá trên toàn cầu. Là đất nước nhập khẩu 100% xăng dầu nên không một mặt hàng nào mà những biến động trên thị trường thế giới lại tác động nhanh chóng và sâu sắc tới thị trường trong nước như xăng dầu. Và việc điều hành giá xăng dầu trong giai đoạn này luôn là câu chuyện nóng bỏng và đầy tính nhạy cảm.
Điều hành giá xăng dầu luôn chậm hơn thị trường. (Ảnh: Petrolimex)
Có những thời điểm, trong khoảng 1 tháng, liên bộ Tài chính - Thương mại đã liên tiếp có các quyết định điều hành giá xăng dầu như tăng - giảm giá, điều chỉnh thuế. Mặc dù đã được đánh giá là cách điều hành ngày càng linh hoạt hơn nhưng gần như quyết định điều hành nào của liên bộ cũng đều “trễ” so với thị trường. Các quyết định thường được đưa ra sau 1 thời gian quan sát biến động của thị trường dầu lửa thế giới nên quyết định tăng giá được đưa ra khi giá dầu thô giảm và ngược lại giảm giá khi giá dầu thô tăng.
Việc liên tục điều chỉnh chính sách giá và thuế xăng dầu không theo kịp diễn biến thị trường đã tạo ra nhiều lúng túng cho các DN trực tiếp tham gia kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó việc thay đổi giá cả liên tục cũng ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN trong nhiều lĩnh vực và tác động đến tâm lý người tiêu dùng gây ra những xáo trộn trên thị trường. Trong khi đó, Nhà nước vẫn liên tục phải bù lỗ cho DN kinh doanh xăng dầu và chịu thất thu ngân sách với con số hàng chục ngàn tỷ mỗi năm.
Điều này sẽ dần được chấm dứt khi Nhà nước thực hiện việc không bù lỗ cho xăng, đưa giá cả theo sát thị trường và quyết định mới đây nhất đã hoàn thành lộ trình thị trường hoá giá xăng kho giao cho DN tự quyết giá xăng. Và một lộ trình tương tự cũng bắt đầu được thực hiện đối với mặt hàng dầu.
DN đã sẵn sàng
Vào thời điểm liên tục có những quyết định thay đổi giá, thuế xăng dầu, đại điện Petrolimex - một trong những đầu mối nhập khẩu kinh doanh mặt hàng tỏ ra hết sức mệt mỏi và bày tỏ mong muốn sớm được giao quyền tự chủ giá xăng.
DN đã sẵn sàng kinh doanh theo cơ chế thị trường. (Ảnh: LAD)
Theo phân tích của DN, nếu được trao quyền DN sẽ chủ động trong kinh doanh, tính toán cụ thể lời lỗ không còn phải bị động về giá cả, rồi cuối năm chờ được bù lỗ từ Nhà nước. Hơn nữa, nếu để DN tự định giá, cơ quan nhà nước cũng không còn phải đau đầu cân bằng lợi ích nhà nước, DN, người tiêu dùng nữa mà có thể ấn định một mức thuế cụ thể cố định cho DN nên ngân sách không lo thất thu mỗi khi giá tăng buộc phải giảm thuế. Còn quyền lợi người tiêu dùng sẽ vẫn được đảm bảo khi Nhà nước tập trung vào công tác chất lượng, điều kiện kinh doanh. DN cũng không thể tự ý nâng giá vì trong tay các bộ vẫn còn nhiều công cụ để quản lý cạnh tranh, kiểm soát giá cả… đủ sức điều hành thị trường.
Vì vậy, ngay sau khi có quyết định mới, đại điện DN này khẳng định đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vẫn phải chờ những hướng dẫn cụ thể từ Bộ Thương mại để có thể xem bao giờ mới chính thức được quyết và quyết tới mức nào.
Bao giờ DN thực sự tự quyết |
Quyền tự quyết đã được giao nhưng DN thực sự được quyết về giá thì còn phải chờ Thông tư hướng dẫn của liên bộ Thương mại - Tài chính. Một trong những yêu cầu để DN tự quyết là Nhà nước phải có một mức thuế nhập khẩu xăng dầu ổn định. Điều này đã được nhiều quan chức Bộ Tài chính thừa nhận là sẽ có một mức thuế cố định trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi Nghị định đã trao quyền cho DN nhưng từ phía Bộ Tài Chính vẫn chưa quyết mức thuế cuối cùng. Vì thế, tiếng là DN đã được quyết định giá xăng. Tuy nhiên, không một DN nào dám quyết giá bán lẻ khi chưa có yếu tố quan trọng nhất là thuế dự đoán phải từ 10 - 20%. Bên cạnh thuế, DN còn phải chờ Bộ Thương mại ban hành quy chế kiểm soát giá để các doanh nghiệp không bắt tay nhau làm giá thao túng thị trường. Vì xăng dầu là mặt hàng quan trọng, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Trong Nghị định mới, Chính phủ cũng đề ra lộ trình phải đến hết năm 2007 sang đầu năm 2008 mới thả nổi giá bán lẻ xăng. Như vậy, quyền đã có nhưng bao giờ có thể thực thi quyền thì lại phải chờ hướng dẫn từ cơ quan quản lý. |
Hệ thống các đại lý xăng dầu cũng là những người đón nhận tin này rất hồ hởi. Chủ một Tổng đại lý ở Hà Nam cho biết, mỗi lần tăng giá là các đại lý khổ sở vì rất khó lấy được hàng từ các kho do các cơ quan lo sợ đầu cơ nên khống chế bán ra. Đã thế, hoa hồng trích cho đại lý cũng biến đổi, tăng giảm tuỳ theo từng thời điểm nên các đại lý rất khổ mỗi khi có biến động giá cả. Nay DN được chủ động, với tình hình có nhiều đầu mối nhập khẩu thì việc cạnh tranh bán lẻ sẽ khiến hệ thống đại lý được coi trọng hơn chắc chắn sẽ ổn định hơn về nguồn hàng và chính sách kinh doanh.
Điều này đồng nghĩa với việc một thị trường luôn cân bằng, ổn định và khách hàng là người được lợi với một nguồn hàng chất lượng được đảm bảo và giá cả luôn được giữ mức cạnh tranh nhất.
Tạo sự ổn định lâu dài
Trong lần tăng giá gần đây nhất lên thêm 900 đồng/lít, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, nếu tăng đúng mặt bằng giá thế giới thì giá phải lên thêm 1.500 đồng. Như vậy, sau khi Nhà nước chịu thất thu vì giảm thuế còn phải tính chuyện bù lỗ. Phần bao cấp này sẽ không còn trong cơ chế DN tự chủ về giá và chính điều này là nguyên nhân gây lo ngại cho nhiều người nhất là DN sử dụng nhiều xăng dầu về nguy cơ sẽ có sự tăng giá đột biến, gây khó khăn cho sản xuất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người đã nhiều lần đặt vấn đề mặt bằng giá mới và điều hành giá cả theo thị trường trên tại các cuộc họp chính phủ trong những lần tiếp xúc với báo chí đều cho rằng: Những lo ngại như trên đây nếu có xảy ra chỉ trong một thời gian ngắn ban đầu còn về tổng thể và lâu dài điều này sẽ có lợi. Khi thị trường đã quen với cơ chế mới thì điều này sẽ thực sự phát huy tác dụng, việc điều hành giá cả theo quy luật thị trường sẽ tạo ra một sự ổn định bền vững, DN sẽ phải chủ động hơn trong tính toán sử dụng nhiên liệu một cách hiệu quả.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tăng giá đột biến, liên kết giữa các DN để đẩy giá lên cao sau khi giao quyền tự quyết cho DN chưa hẳn đã là điều đáng ngại. Đơn giản, thị trường xăng dầu hiện có trên 10 đầu mối nhập khẩu và với xu thế Nhà nước quản lý bằng các điều kiện kỹ thuật, điều hành vĩ mô thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều DN tham gia vào sự thị trường này. Sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn buộc các DN kinh doanh xăng dầu tính toán lại đầu vào của mình để tăng hiệu quả như chọn nguồn hàng giá rẻ, ngăn chặn thất thoát, tăng cường công nghệ để giảm chi phí nhân công… Ví dụ, trước đây, DN ít quan tâm đến việc giao dịch kỳ hạn thì nay buộc phải quan tâm hơn nhằm có được nguồn hàng ổn định về giá cả và số lượng.
Như vậy, giá cả sẽ được cân bằng trong thế cạnh tranh và xu hướng chung là giảm giá để thu hút khách hàng. Không những thế, với sự cạnh tranh này buộc các DN kinh doanh bên cạnh yếu tố giá phải quan tâm hơn đến chất lượng và chăm sóc khách hàng và dĩ nhiên khách hàng luôn là người được lợi. Trước đây khi chúng ta thả nổi giá gas theo thị trường đã có những lo ngại như trên. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại; mộtt thị trường cạnh tranh đã khiến giá gas ổn định hơn.
Trong khi đó, đối với các DN tiêu thụ, họ phải chấp nhận điều kiện mới trong kinh doanh và buộc phải tính lại cơ cấu nhiên liệu, điều chỉnh công nghệ, nâng cao hiệu suất để đạt được hiệu suất cao nhất. Vì thế không thể nói cứ thả nổi và tăng giá, là DN mất nhiều tiền hơn. Mà trái lại, sức ép giá cả buộc các DN điều chỉnh sẽ mang lại nhưng cái lợi tiết kiệm nhiên liệu, môi trường, sức ép đổi mới công nghệ… những cái này nếu tính đúng và đủ thì đều là tiền cả.
Trong khi đó, các quan chức hai bộ liên quan trực tiếp đến điều hành giá xăng dầu tỏ ra khá tự tin về khả năng quản lý thị trường trong điều kiện mới bởi vì trong tay họ vẫn có đầy đủ những công cụ về cụ thể điều kiện kinh doanh xăng dầu, điều hòa cung cầu, mua vào bán ra hàng dự trữ quốc gia, thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá khi có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá hoặc đầu cơ nâng giá… Thực tế đã cho thấy, các mặt hàng như sắt thép, xi măng, than... đã thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn ổn định vì Nhà nước có thể điều tiết bằng các chế tài. Thị trường không ổn định và DN luôn tính chuyện hạ giá và nâng cao chất lượng để thu hút khách hàng.
-
Phước HàÝ kiến của bạn: