(VietNamNet) - Chín công ty công nghệ thông tin như Khai Trí, Huế Tronics, Thủy Linh… và một số doanh nhân Việt Nam, Việt kiều vừa kết hợp lại với nhau để ra mắt Công ty CP Công nghệ Liên Việt Thành nhằm sản xuất, kinh doanh các dòng máy tính xách tay (laptop) mang thương hiệu V-Open.
Liệu "lính mới" V-Open có chinh phục được thị trường như các thương hiệu máy tính để bàn của doanh nghiệp VN? Ảnh: Nguyễn Sa |
Ông Phạm Thiện Nghệ, Trưởng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử VN khu vực phía Nam cho hay, VN gia nhập WTO mở ra cơ hội cùng thách thức cho thị trường máy tính để bàn và máy tính xách tay. Hiện máy tính để bàn được lắp ráp từ các công ty trong nước chiếm 90% thị phần, trong khi đó sản phẩm laptop thì ngược lại, chỉ chiếm chưa tới 10% thị phần.
Theo ông Nghệ, trong bối cảnh này đòi hỏi doanh nghiệp VN phải tìm cho mình một lối đi riêng. Sở dĩ sản phẩm máy tính để bàn VN có thể thành công là nhờ có sự đồng lòng của các công ty tin học VN. Như Mekong Green, loại máy tính để bàn chiếm thị phần khá cao tại VN là sản phẩm của doanh nghiệp được thành lập từ 12 vị giám đốc các công ty tin học phía Nam.
Thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường GFK cũng cho hay, nhu cầu sử dụng laptop của người VN ngày càng cao và tăng trưởng ổn định. Tuy vậy, hiện hơn 90% thị phần laptop là do các thương hiệu ngoại như Dell, Acer, Toshiba, HP… thống trị. Thực tế cũng đã có vài thương hiệu laptop Việt cố vươn lên như CMS, Wiscom, Vibird… nhưng chưa có thương hiệu nào bứt phá được. Do vậy, các sáng lập viên của Công ty Liên Việt Thành - những người đang kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho hay mục tiêu của sự liên kết này là nhằm tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần laptop VN.
Theo đại diện Công ty Liên Việt Thành, vấn đề của laptop VN là bài toán thương hiệu vì công nghệ lắp ráp đã là công nghệ toàn cầu. Riêng máy tính thì không có một công ty máy tính nào sản xuất 100%. Trên thế giới hiện chỉ có 4-5 công ty chuyên sản xuất phần xương sống (60% các bộ phận) của máy tính. Do vậy các thương hiệu laptop lớn trên thế giới cũng đều phải mua các bộ phận rời về lắp ráp rồi gắn thương hiệu của mình vào.
Để tìm lời giải cho bài toán thương hiệu, trước mắt Công ty Liên Việt Thành cho biết sẽ tăng dịch vụ hậu mãi gấp 3 lần so với các hãng máy tính ngoại (bảo hành các linh kiện chính 3 năm), đồng nhất các bộ phận thay thế cũng như lắp ráp nhằm linh hoạt trong việc sữa chữa, nâng cấp máy… Công ty này dự kiến năm 2007 sẽ đưa ra thị trường khoảng 1.000 máy/tháng, trong đó laptop dành cho sinh viên, học sinh chiếm hơn 60% và có mức giá khoảng 9 triệu đồng/máy.
- Nguyễn Sa