(VietNamNet) - Sáng ngày 5/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo “Nhận diện các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp khắc phục”.
Biểu tượng của Hiệp hội Luật thương mại thế giới WTLA |
Hội nhập đem lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng sẽ mang đến nhiều rủi ro, nhất là các rủi ro từ khía cạnh pháp lý. Do đó, vấn đề luật pháp, đặc biệt là luật thương mại quốc tế, đã và đang được quan tâm phân tích dưới nhiều góc cạnh khác nhau.
Tham dự hội thảo là các diễn giả đến từ các Trường, Viện nghiên cứu, Cục quản lý cạnh tranh, Ban Pháp chế của VCCI, các văn phòng luật sư lớn, đại diện các doah nghiệp lớn như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, đại diện các hiệp hội ngành nghề như da dày, may mặc và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Các đại diện của khối doanh nghiệp như ông Doãn Minh Đăng (Hiệp hội Dệt may Việt Nam), ông Nguyễn Văn Du (Tổng công ty Hàng không Việt Nam)... đã mở đầu buổi hội thảo với những tham luận về rủi ro mà họ đã đúc kết từ thực tế, chỉ ra các nguyên nhân và bài học.
Trong khi đó, các tham luận của luật sư Đỗ Trọng Hải, Phó TGĐ Investcouslt Group, luật sư Trần Tuấn Phong của VILAF Hồng Đức, luật sư Bạch Thanh Bình của văn phòng luật Phạm và liên danh, luật sư Phạm Liêm Chính... lại phân tích sâu vào nguyên nhân và giải pháp khắc phục rủi ro. Họ đều là những người đã có kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài.
Tham luận cuối cùng của bà Đinh Mỹ Loan, Cục trưởng Cục cạnh tranh, đưa ra nhiều thông tin bổ ích về các rủi ro pháp lý liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh, chống bán phá giá… cũng như thông tin về lựa chọn luật sư trong các vụ kiện chống bán phá giá.
Tuy hội thảo đề cập nhiều rủi ro pháp lý, theo lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là hai nhóm chính: (i) Rủi ro từ chủ quan của doanh nghiệp; (ii) Rủi ro từ khách quan như sự cố, thiên tai, thay đổi thể chế, hay yếu tố thị trường (giá cả, lao động…)
Các nguyên nhân chủ quan được phân tích bao gồm: yếu tố văn hoá, cách hành xử, thói quen coi nhẹ pháp lý trong kinh doanh, xem nhẹ vai trò của luật sư, thiếu kinh nghiệm đàm phán, chọn nhầm đối tác, “bệnh” sính ngoại… đồng thời theo đó là hàng loạt các giải pháp khắc phục.
Mặc dù buổi hội thảo mới “xới” vấn đề nên, đây rõ ràng là vấn đề rất được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, nhất là trong thời gian tới đây.
-
Lâm Hằng