Giải thưởng có ý nghĩa toàn cầu, khó đoán biết nhất, gây sự hồi hộp cao nhất - giải Nobel kinh tế - chuẩn bị được trao. Vinh dự ấy liệu có tiếp tục thuộc về một người người Mỹ như mấy năm vừa qua?
Mọi con đường đều dẫn tới nước Mỹ
Kể từ năm 1999, giải thưởng danh giá nhất cho những nhà kinh tế chỉ mới một lần nằm trong tay một người không có quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, người đàn ông Na Uy có tên Robert Mundell ấy cũng dành đa số thời gian làm việc ở Mỹ. Do vậy, giải thưởng này được coi là lãnh địa riêng của những nhà kinh tế sống tại trung tâm kinh tế thế giới này.
Năm ngoái, có một người Israel nhận được giải thưởng danh giá này, nhưng ông phải chia sẻ cùng với một người đồng nghiệp Mỹ là Thomas C. Schelling.
Trước lễ công bố và trao giải ngày 9/10, những nhà quan sát giải Nobel, các chuyên gia, những học giả kinh tế và tất cả những ai quan tâm đều hy vọng một nhà kinh tế nước mình sẽ được vinh danh, song không ai ngạc nhiên nếu cái tên ấy lại thuộc về nước Mỹ.
Các giải Nobel kinh tế từ 2000 tới nay |
2005 Robert J. Aumann và Thomas C. Schelling |
Đúng là không đáng ngạc nhiên, bởi ngay cả Viện hàn lâm hoàng gia Thuỵ Điển - quê hương Alfred Nobel - cũng phải thừa nhận rằng, không những tiền của và công sức của các nhà khoa học ở Mỹ đổ ra nhiều nhất, theo một cách chuyên nghiệp và thường xuyên nhất, mà hầu hết các ý tưởng có tính thực tiễn cao nhất để áp dụng vào các nền kinh tế đều xuất phát từ nước Mỹ.
Thế nhưng, không phải khoanh vùng được như thế là có thể đoán trước dễ dàng giải thưởng có ý nghĩa toàn cầu này. Ngược lại, đây là giải thưởng khó đoán biết nhất, gây sự hồi hộp cao nhất và thường mang lại nhiều ý kiến trái chiều nhất sau đó.
Các gương mặt sáng giá nhất
Các học giả và những nhà kinh tế hàng đầu thế giới đã có những ý kiến dự đoán về gương mặt có thể giành giải Nobel kinh tế năm 2006.
Gương mặt đầu tiên đang được nhắc tới nhiều là nhà kinh tế Gene Grossman từ đại học Princeton và Elhanan Helpman từ đại học Harvard, đều của Mỹ. Những nghiên cứu về thương mại toàn cầu của họ được đánh giá cao.
Trong một năm mà có quá nhiều tin xấu cho tự do hoá thương mại, nhất là sự đổ vỡ của vòng Doha thì những nghiên cứu về thương mại toàn cầu của Paul Krugman và Avinash Dixit từ đại học Princeton cũng được đưa vào tầm ngắm trao giải.
Nằm trong danh sách sáng chói này còn phải kể đến cái tên Jagdish Bhagwati, người đi đầu trong các học thuyết cổ suý tự do hoá thương mại và kiên quyết phản bác mọi ý kiến có ý đồ chống lại toàn cầu hoá. Nhà kinh tế người Mỹ gốc Ấn đang đảm nhiệm chức vị Giáo sư kinh tế thuộc trường đại học Columbia này do vậy được bổ nhiệm chức vụ cố vấn cho Tổ chức Thương mại thế giới và đồng thời là một cố vấn đặc biệt về toàn cầu hoá cho Liên Hợp Quốc.
|
Jagdish Bhagwati, người đi đầu trong các học thuyết cổ suý tự do hoá thương mại. Ảnh Columbia University. |
Dale Jorgensen từ đại học Harvard với nghiên cứu về tác động của công nghệ thông tin đối với tăng trưởng kinh tế cũng là một cái tên được nhắc tới nhiều trước ngày trao giải.
Tất nhiên, vẫn chưa ai kịp quên những cái tên "suýt" được vinh danh năm ngoái như Paul Romer từ trường đại học Stanford, người từng giật giải kinh tế mang tên Horst Claus Recktenwald năm 2002, đã được nhắc đến như một ứng viên sáng giá cho giải năm nay. "Học thuyết mới về tăng trưởng kinh tế" của ông được cho là sẽ tạo ra nền tảng cho doanh nhân và Chính phủ các nước trong nỗ lực tạo ra của cải và làm giàu cho xã hội.
Học thuyết này được phát triển từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay với ý tưởng ban đầu là tạo ra một hình mẫu mới để phản bác lại mô hình phát triển kinh tế của các nhà kinh tế thuộc trường phái bảo thủ mới (những người theo chủ nghĩa dân tộc, có tư tưởng kinh tế thiên về bảo hộ mậu dịch).
Một cái tên khác là Thomas J. Sargent đến từ Đại học New York, trưởng nhóm nghiên cứu về học thuyết dự báo xu hướng kinh tế dựa trên các tỷ lệ hiện có. Học thuyết này được đánh giá là mang tính quyết định đối với các hoạt động kinh tế trong tương lai.
Nobel kinh tế - vẫn chưa có chỗ cho phụ nữ
Chưa có một nhà khoa học kinh tế nữ nào từng đoạt giải và điều này dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất cho tới buổi trao giải của năm nay, bất chấp việc có không ít các nhà kinh tế nữ đã xông pha vào các lĩnh vực nghiên cứu kinh tế học, từ vấn đề đói nghèo toàn cầu cho tới việc kinh doanh của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ các học thuyết về thất nghiệp cho tới các nghiên cứu về hệ quả của thiên tai đối với tăng trưởng kinh tế...
Điều đặc biệt của Giải Nobel Kinh tế - còn có tên là Giải thưởng về Kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng niệm Alfred Nobel - là nó không được xem như là một trong những giải Nobel nguyên thủy do Nobel di chúc lại. Tuy nhiên giải thưởng trị giá 1,3 triệu USD này cũng được trao trong cùng một buổi lễ với những giải về y học, vật lý, hoá học, văn học và hoà bình.
Nếu như các giải này được trao từ 1901 tới nay thì giải Nobel kinh tế mới chỉ trình làng từ năm 1968.
-
Nhật Vy (Theo Reuters, Washington Post, New York Times)