(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cơn bão số 6 (Xangsane) tràn qua các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại nặng nề cho các DN thủy sản, đặc biệt là tại 2 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng.
Những cửa sắt như thế này đều bị bão số 6 làm đổ. |
Cơn cuồng phong Xangsane đã làm tốc mái nhiều văn phòng làm việc, nhà ăn, nhà kho... của các DN chế biến thủy sản ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, trong đó có bốn trường hợp là Công ty QUANGNAMCO, PROCIMEX, THUANPHUOC CORP, SEA THOQUANG bị thiệt hại nặng nề.
Sau cơn bão, tất cả các văn phòng làm việc, phân xưởng sản xuất hầu như đều bị ướt ngập và không hoạt động được. Công nhân viên không đến cơ quan vì phải ở nhà để lo hậu quả của cơn bão số 6. Thiệt hại về vật chất do cơn bão số 6 gây ra đối với các DN thủy sản miền Trung là rất lớn chưa thể thống kê hết được. Thống kê sơ bộ ban đầu, các DN đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Mất trắng cơ nghiệp
Tại Công ty XNK Thủy sản Miền Trung (SEAPRODEX DANANG), các đơn vị bị thiệt hại nặng nhất là Công ty Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Thọ Quang, Công ty Phát triển nguồn lợi thủy sản và Công ty TNHH Đông Hải. Ước tính, tổng thiệt hại của công ty này khoảng 5 tỷ đồng.
Gió bão đã gây tốc mái, sạt tường văn phòng và các cơ sở sản xuất của các công ty này, đặc biệt Công ty TNHH Đông Hải bị thiệt hại 100% về cơ sở vật chất. Ước tính, khối tài sản 4 tỷ đồng đã bị gió bão thổi bay, trong đó 2 tỷ đồng là sản phẩm và 2 tỷ đồng là thiết bị nhà xưởng. Cụ thể, gồm 20 tấn cá các loại; 1 tấn tôm hùm; 50 bè lưới nuôi cá; 2 nhà hàng nổi và 600m2 nhà xưởng bị sập đổ hoàn toàn.
Ngoài ra, một công ty thủy sản khác tại Đà Nẵng là SEA THOQUANG cũng bị cơn bão giày xéo. Điện cúp, nước mất hoàn toàn nên mặc dù phân xưởng sản xuất của công ty không bị ảnh hưởng nhưng không thể hoạt động được. Công ty buộc phải bán 15 tấn nguyên liệu trong kho cho các nậu vựa và đại lý, thậm chí phải mang ra các khu chợ bán lẻ.
Mặc dù mái ngói đã được cột sắt, chằng thép nhưng cũng không chịu nổi sức tàn phá của cơn cuồng phong và đã bị thổi bật tung. Cổng ra vào của nhà máy bị những trận gió hung hãn đánh tung vào chân tường. 1/2 tường rào bao quanh công ty cũng bị đổ sập hoàn toàn.
Ông Trần Tâm, Giám đốc công ty cho biết, hiện nay vấn đề an ninh, bảo vệ công ty là rất cần thiết vì khu tường rào đã bị sập. Tất cả cửa kính tại phòng làm việc đều bị gió đập bể, nước mưa tràn vào ngập hết các phòng làm việc. Nhà ăn, nhà tập thể của công nhân viên đều bị tốc mái. Biết trước cơn bão sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng nên công ty đã chuẩn bị phòng chống ngay từ ban đầu, vậy mà gió vẫn hất tung tất cả.
Hiện công ty vẫn không thể hoạt động được vì điện nước bị cúp hoàn toàn, công nhân không đến làm việc. Ông Tâm dự tính nếu một hai ngày tới có điện thì công ty cũng không thể hoạt động vì sẽ không có nguyên liệu sản xuất. Theo đúng hợp đồng, công ty sẽ phải giao 4 container hàng cho khách hàng trong tháng này, nhưng sáng nay, ông Tâm đã phải chủ động điện thoại cáo lỗi với khách hàng.
Còn ông Nguyễn Công Lâm - Phó phòng Kinh doanh Công ty Kinh doanh Chế biến hàng XNK Đà Nẵng (PROCIMEX), cho biết, 3 nhà máy chế biến của công ty, gồm 2 nhà máy chế biến thủy sản và một chế biến gia súc gia cầm, đã bị bão số 6 đánh sập gần như hoàn toàn.
Nguyên liệu thành phế thải
Tại Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Giám đốc Trần Văn Lĩnh buồn rầu nói, bão đã làm tốc mái toàn bộ 2 nhà máy chế biến của công ty, đặc biệt trong đó có một nhà máy vừa xây dựng xong và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
"Trên 60 tấn nguyên liệu dự trữ để sản xuất khi cơn bão đi qua không có điện để bảo quản, rất có thể sẽ trở thành phế thải", ông Lĩnh lo lắng. Công ty tuy có máy phát điện nhưng đã bị ngập nước và bị hỏng.
Các DN thủy sản ở Quảng Nam cũng bị thiệt hại nặng nề không kém. Hầu hết mái nhà của các phân xưởng chế biến đều bị thổi tung, nước tuôn xối xả. Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Quảng Nam (QUANGNAMCO) cũng không thoát khỏi tình cảnh này.
“Khủng khiếp quá, chưa từng thấy cơn bão nào tàn phá mạnh như vậy!”, ông Phạm Nguyễn, Giám đốc công ty, kinh hãi.
Đến giờ, toàn bộ nhà xưởng, văn phòng làm việc, nhà kho, nhà ăn của công ty đều bị tốc mái, hư hại. Toàn bộ cửa kính đã bị gió đập nát. 8 chiếc máy vi tính không khởi động được vì bị “sặc” nước. Tại phân xưởng sản xuất 1 và 2 mái tôn bị tốc khoảng 70%. Hệ thống điện bị đứt hoàn toàn. Máy điều hòa trung tâm bị hỏng. Nguyên liệu chưa chế biến được vì dây chuyền bị hỏng.
Tại phân xưởng hàng khô, mái bị tốc làm hư hỏng 50% laphông trần, cửa kính nhôm hư hỏng nặng. Ông Lê Hùng Phong - Phó Giám đốc Công ty cho biết, tổng thiệt hại ước tính khoảng 400-500 triệu đồng.
Ở Thừa Thiên - Huế, Công ty Cổ phần Sông Hương (SOSEAFOOD) cũng bị bão làm sập tường khu nuôi tôm diện tích 45ha của Công ty Cổ phần Sông Hương (Soseafood), khiến toàn bộ tôm nguyên liệu và tôm giống của công ty bị tràn ra ngoài, gây thiệt hại lớn. Ngoài ra, gió lớn còn làm cho khu nhà máy chế biến của công ty bị lật mái. Tổng thiệt hại lên tới 300-400 triệu đồng.
Duy chỉ có DN các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận là không bị ảnh hưởng bởi bão số 6.
-
H.Yên - VASEP