(VietNamNet) - Sau cuộc họp chiều ngày 8/9, hai Bộ Tài Chính và Thương mại cho biết, tạm thời chưa giảm giá xăng dầu. Trong khi đó, phương án tiếp tục tăng thuế đã được tính đến.
Xăng đã có lãi
Theo phân tích của một số chuyên gia, hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm xuống dưới mức 68 USD/thùng. Với mức giá này, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng A92 đã có lãi.
Cụ thể, tại thị trường Singapore, ngày 7/9, xăng A92 có giá 67,42 USD/thùng. Mức giá này, khi nhập về Việt Nam cộng thêm thuế nhập khẩu 5%, thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì mỗi thùng xăng có giá lên đến 1,37 triệu đồng. Tính trung bình, mỗi lít xăng tương đương với khoảng 8.600 đồng/lít.
Khi đưa vào lưu thông xăng còn chịu phí giao thông 5%, các chi phí kinh doanh như vận chuyển, lưu trữ... Cộng tất cả giá tối đa là 10 ngàn đồng/lít.
Như vậy, các công ty xăng dầu hiện đã có lãi ít nhất là 2 ngàn đồng/lít. Thực tế, từ sau khi nâng giá đến nay, giá dầu thế giới liên tục hạ và các DN đã có lãi gần 1 tháng.
Việc DN có lãi cũng được chính các chuyên viên từ Bộ Tài chính khẳng định. Bởi vì nếu giá xăng trong nước là 12 ngàn đồng, thì giá xăng A92 nhập khẩu từ Singapore ở mức 83 USD/thùng thì DN đã có lãi. Xăng trên thế giới đã giảm rất mạnh, khoảng 16 USD thì chắc chắn DN đã thu lãi khá nhiều.
Cả tăng thuế lẫn giảm giá: phương án có lợi nhất
Trong hoàn cảnh hiện nay, quyết định không giảm giá xăng dầu đang gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tài chính thì việc giảm giá cần phải được theo dõi thêm vì giá cả biến động thất thường. Nhà nước đã nhiều lần bị "hố" sau khí tăng giá thì dầu thế giới giảm và ngược lại giảm giá thì dầu thế giới lại tăng.
Trong khi quyết định chưa tăng giá thì Bộ Tài chính đang muốn tiếp tục nâng thuế lên 10% để bù cho ngân sách bị thiệt hại do giảm thuế thời gian qua. Điều này cho thấy, Bộ Tài chính đang đi đúng kịch bản nâng thuế rồi mới giảm giá quen thuộc.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung mới đây cũng bày tỏ quan điểm: thông thường khi giá dầu thế giới tăng thì giảm thuế, rồi mới đến tăng giá và ngược lại khi giá dầu thế giới giảm thì tăng thuế rồi mới tính đến giảm giá. Trong khi đó, tại cuộc họp tăng giá xăng dầu đầu tháng 8, đại diện Bộ Thương mại cũng cho biết, nếu giá giảm, Nhà nước sẽ tăng thuế và duy trì mức giá cao một thời gian để DN bù lỗ, sau đó sẽ tính đến chuyện giảm giá.
Tuy nhiên, đứng về quan điểm vì quyền lợi người tiêu dùng, xét về thời gian, 1 tháng giảm giá mạnh trên thị trường thế giới cũng là thời gian để DN đủ bù lỗ cho việc gánh chịu trước đây. Nhà nước đã bắt đầu có nguồn thu thuế với quyết định nâng thuế lên 5% từ 5/9 và có thể là 10% trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận Việt Nam là nước có lợi đáng kể từ dầu mỏ trong thời gian vừa qua. Chỉ nhờ việc tăng giá trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô đã lãi thêm 1,2 tỷ USD và đây là nguồn thu mà người dân có thể được hưởng nếu được điều tiết bù đắp cho việc giảm thu ngân sách do giảm thuế.
Vì vậy, đến thời điểm này đã có thể nghĩ đến phương án tăng thuế và giảm giá để đảm bảo lợi ích cho cả Nhà nước và người tiêu dùng. Đây cũng là một ý kiến được Bộ trưởng Trương Đình Tuyển bày tỏ với báo chí gần đây trước diễn biến giảm giá trên thị trường thế giới.
-
Phước Hà