221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
798850
Lúng túng quản lý ODA
1
Article
null
Lúng túng quản lý ODA
,

(VietNamNet) - Vốn ODA được xem là nguồn thu của ngân sách nhưng lại không phân bổ được. Nhiều văn bản trái nhau, mô hình quản lý không có, khiến  người quản lý vốn ODA cứ như gà mắc tóc. Mô hình nào cho các Ban quản lý, đến giờ Chính phủ, các Bộ vẫn chưa tìm ra.

Cuộc hội thảo hai ngày 18 và 19/5 tại TP.HCM do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức đã nêu ra nhiều tâm tư của người quản lý vốn ODA. Qua đó càng thấy rõ sự bất cập, những thiếu sót trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay này. Thế nhưng, cho đến lúc kết thúc, cuộc hội thảo cũng chưa thống nhất được làm thế nào để quản lý.

Có bao nhiêu PMU?

Tiến sĩ Dương Đức Ưng đang trao đổi về mô hình BQL ODA với Ngân hàng thế giới. Ảnh: Đặng Vỹ

Các Ban quản lý dự án (như PMU chẳng hạn) là hình thức tổ chức dự án phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển. Ở Việt Nam hình thức này là chủ yếu và có những tên gọi khác nhau như Ban quản lý dự án (PMU), Ban điều phối dự án (PCU), Ban thực hiện dự án (PIU), Ban dự án trung ương (CPO)… Cho dù tên gọi có khác nhau, song các cơ quan này đều có nhiệm vụ giống nhau là được cơ quan chủ quản giao tổ chức thực hiện các nội dung của dự án đã được phê duyệt.

Đến giờ này không ai biết được có bao nhiêu cơ quan loại này. Đó là điều vô cùng khó hiểu, bởi chính cơ quan chủ quản - nơi ra quyết định thành lập các PMU, cũng không biết được số lượng những đứa con do mình đẻ ra là bao nhiêu! Những tài liệu khảo sát của 3 đơn vị uy tín là Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) cũng cho ra số liệu chênh nhau đến lạ lùng: từ 400 đến 1000 BQL các dự án ODA. Theo tiến sĩ Hồ Quang Minh, bình quân mỗi năm giải ngân 1,5 tỷ USD thì phỏng đoán ít nhất cũng có đến vài trăm BQL.

ODA là nguồn vốn do các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cho Chính phủ. Ở Việt Nam, ODA gồm khoảng 80% vay ưu đãi và 20% viện trợ không hoàn lại. Trong nhiều dự án, VN phải có nguồn vốn đối ứng. Tiến sĩ Minh cảnh báo: “Như vậy vốn ODA thực chất là tiền thuế của người dân ở cả nước viện trợ và nước nhận viện trợ. Vì vậy hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này là vấn đề nhạy cảm trong dư luận của cả hai phía”.

 Vốn ODA thực chất là tiền nộp thuế của người dân nước viện trợ và nước nhận viện trợ. Vì vậy hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này là vấn đề nhạy cảm trong dư luận của cả hai phía 

Tiến sĩ Hồ Quang Minh

Ngoài việc không quản nổi các dự án, trong cơ chế cũng có những vấn đề khó cho việc quản lý vốn ODA. Các chương trình ODA phải chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp quy trong nước và của nhà tài trợ, song giữa các văn bản này có nhiều điểm khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau. Ông Minh cho biết, trong một tài liệu đối chiếu giữa Luật Xây dựng, Nghị định 16, các Nghị định về đấu thầu 88, 66, 14 công bố tháng 5/2005, năm ngân hàng phát triển đã chỉ ra ít nhất 9 sự khác biệt giữa các văn bản này.

Một khó khăn cho việc quản lý ODA là mặc dù xem đây là Ngân sách Nhà nước nhưng không thể đưa vào ngân sách. Trái với ý kiến của ông Tào Hữu Phùng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội) trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội đang diễn ra, Tiến sĩ Dương Đức Ưng, cố vấn chính sách chương trình “Nâng cao năng lực toàn diện quản lý ODA (CCBP) cho rằng không thể đưa ODA vào ngân sách để phân bổ cho địa phương. Bởi nguồn ODA gắn trực tiếp với các dự án  và việc giải ngân do nhà đầu tư nước ngoài quyết định tùy thuộc vào tiến độ dự án.

“Trong bối cảnh như vậy, làm sao người quản lý dự án không thể không bối rối và tiến thoái lưỡng nan” - tiến sĩ Hồ Quang Minh tổng kết!

“Chúng tôi thành tấm bia di động!”

Ông Lê Văn Tiền, một cán bộ PMU phía Nam đã chua xót thốt lên như vậy tại buổi thảo luận tìm kiếm mô hình quản lý dự án ODA.

Ông tỏ ra rất đau khổ, khi tất cả những người làm việc tại các PMU đi đâu cũng bị dòm ngó như kẻ cắp. Đến các cơ quan nhà nước làm việc cũng bị người ta tiếp dè dặt xét nét. Theo ông, trong PMU cũng có người tốt, có người xấu. Việc không quản lý được các PMU, để xảy ra những bất cập trong sử dụng vốn và tiêu cực của một số cá nhân là do cơ chế quản lý từ cấp trên, chứ những người làm việc tại các PMU không hề mong muốn, không hề tạo ra.

Ông Tiền còn cho biết, đa số các PMU chẳng có quyền hành gì, phải theo cơ chế xin cho. “Khi đến các Sở xin, chúng tôi phải hát đi hát lại mãi bài ca “ODA là thế này, ODA là thế kia…” vì những người có quyền giải quyết có khi chẳng biết ODA là gì”. Ông kết luận: “Cải thiện gì thì cải thiện, nhưng phải làm cách nào để cải thiện hình ảnh của chúng tôi”.

Chưa tìm ra giải pháp nào cho việc quản lý vốn và các dự án ODA. Ảnh: Đặng Vỹ

Trong cả 3 phương án nêu ra tại hội thảo, đến nay vẫn chưa ngã ngũ phương án nào sẽ được chọn.

Ở phương án thứ nhất, “Công ty hóa các BQL”, các đại biểu cho rằng là ý tưởng hay nhưng trong thực tế khó khả thi. ODA có nhiều loại dự án khác nhau, không thể tất cả các BQL đều có đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp, chẳng hạn vấn đề vốn pháp định, cán bộ nhân viên, trụ sở. Hiện có hàng trăm, cả ngàn BQL, khi chuyển đổi sẽ ra đời chừng đó doanh nghiệp Nhà nước, trái với xu hướng cổ phần hóa đang được đẩy mạnh hiện nay. Và khi dự án kết thúc, doanh nghiệp có giải thể hay không, nhân viên sẽ đi về đâu… là những câu hỏi mà trong hội thảo chưa có câu trả lời.

Phương án thứ hai là “Duy trì BQL như hiện nay, song hạn chế chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” đã không được các đại biểu chọn lựa, vì đây chỉ là thay đổi về hình thức, không gắn được trách nhiệm của BQLDA với trách nhiệm làm chủ nguồn vốn đầu tư là vấn đề đang được cố gắng thiết lập.

Phương án thứ ba “Gắn trách nhiệm của Ban QLDA với dự án” được chú ý nhiều nhất. Theo cách này, Ban QLDA sẽ là chủ đích thực của dự án, giám sát thực hiện dự án và và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện dự án.

Tuy nhiên, chính các thành viên PMU gần như chưa nhất trí với mô hình nào. Ông Tiền nói rằng, có những dự án đa ngành như đường, điện, nước, khu dân cư… nếu chỉ một BQL thì không thể thực hiện được.

Các đại biểu cho rằng, có thể không nhất thiết phải theo một mô hình nào, mà tùy theo từng loại dự án, có thể áp dụng phương pháp quản lý khác nhau.

Nhưng ông Nguyễn Văn Cường, Bộ KH-ĐT cho rằng, như thế cũng quá rắc rối. Theo ông, nên giao cho tư nhân làm.

“Công ty hóa cũng được, nhưng nên giao cho tư nhân làm. Kinh nghiệm lâu nay cho thấy, những gì Nhà nước không làm được thì tư nhân làm rất tốt”.

Ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), đề nghị khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ về phương án chọn lựa mô hình, cần phải tham khảo ý kiến của các BQL.

  • Đặng Vỹ

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,