221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
687684
Chỉ quản lý nước tương trên văn bản!
1
Article
null
Chỉ quản lý nước tương trên văn bản!
,

(VietNamNet) -  Đi sâu vào “sự cố Chin-su”, chúng tôi phát hiện ra một điều: Cơ quan quản lý và chuyên môn của Nhà nước chỉ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chế biến trên thông tin của doanh nghiệp đưa lên. Không có cơ quan có thẩm quyền lấy mẫu ngẫu nhiên. Và không có lực lượng nào cưỡng bức huỷ lô hàng không bảo đảm tiêu chuẩn, kể cả khi trong mẫu nước mắm thử phát hiện có phân đạm urê!

Cả 17 mẫu - phiếu kiểm định đều do Chin-su nộp lên Bộ Y tế!

Một dây chuyền công nghệ sản xuất nước tương hiện đại. Ảnh: Đỗ Việt Hà.

Ngày 26/7, ông Chu Quốc Lập, Cục phó Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế, cho biết: Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có kết quả những lần xét nghiệm ngẫu nhiên hàm lượng chất 3-MCPD trong sản phẩm nước tương Chin-su. Kết quả thể hiện trong tất cả những mẫu này cho thấy, nước tương Chin-su đạt tiêu chuẩn cho phép.

Chiều 28/7, phóng viên VietNamNet từ TP.HCM đã nối máy gọi vào điện thoại cầm tay của ông Lập. Ông Cục phó cho biết, Cục có trong tay tất cả 17 mẫu kiểm định chất lượng của Chin-su. Các mẫu này được kiểm định 3 nơi là Cơ quan kiểm định SGS của Thụy sĩ (Société Générale de Surveillance), Trung tâm Phân tích thí nghiệm (ASE), Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3). Các mẫu kiểm định có thời gian từ 3/6/2004 đến 8/7/2005. Và đúng là tất cả những văn bản này đều kết luận: mẫu thử nước tương Chin-su đạt tiêu chuẩn an toàn.

Tuy nhiên, ông Lập cho biết, đây là những mẫu kiểm định thường xuyên của công ty VITECFOOD, và do công ty này nộp lên. “Những phiếu kiểm định có dấu đàng hoàng, rất hợp pháp. Họ làm nơi nào, ngày nào, kết quả ra sao, phiếu kiểm định có dấu đỏ đầy đủ. Họ nộp lên cho Thanh tra Bộ y tế, chứ không phải chúng tôi thu thập” - ông Lập cho biết. Nhưng như thế thì không thể gọi đó là mẫu ngẫu nhiên.

Biết được điều này, có lẽ nhiều người sẽ giật mình vì công tác quản lý chất lượng thực phẩm chế biến: Các nhà quản lý của ta quản lý trên văn bản báo cáo! Văn bản lại do chính đơn vị được kiểm tra tự đi kiểm định rồi gửi lên. Có lẽ không cần lý luận dài dòng, người dân bình thường cũng có thể khẳng định được ngay, là còn trật vào đâu được?

“Tất nhiên rồi, một doanh nghiệp sản xuất, khi đưa đi kiểm tra, chắc chắn họ sẽ đưa sản phẩm tốt của họ đi kiểm” - Bà Phạm Kim Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (ASE), nơi kiểm định các mẫu nước tương của Chin-su và các sản phẩm chế biến thực phẩm cho các doanh nghiệp, nói.

Thậm chí, việc có được các văn bản này, cơ quan quản lý cũng phụ thuộc vào… doanh nghiệp. Bởi theo ông Trần Quang Trung Thanh - tra Bộ Y tế, VITECFOOD mới nộp các băn bản lên theo yêu cầu của thanh tra. Nghĩa là từ trước đến nay, doanh nghiệp đã tự sản xuất, tự kiểm định, và tự… đưa hàng đi bán! Còn công việc quản lý của cơ quan chức năng là ngồi chờ doanh nghiệp nộp văn bản lên để kiểm tra!

Toàn bộ nước tương do doanh nghiệp tự sản xuất và cũng tự kiểm định! Ảnh: Hương Cát

Lấy mẫu ngẫu nhiên: chưa ai có thẩm quyền!

Trong công tác kiểm tra chất lượng, hiệu quả nhất chắc chắn là phương pháp chọn mẫu theo cách ngẫu nhiên. Với thực phẩm chế biến công nghiệp như nước tương, các lô hàng khác nhau có thể có chất lượng khác nhau, tương ứng với chất lượng xử lý của từng mẻ sản phẩm.

Nếu việc kiểm tra trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cũng được thực hiện theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên như trên một cách thường xuyên, chắc chắn sẽ hạn chế việc đối phó của doanh nghiệp, nhờ đó sẽ phản ánh trung thực hơn tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Thế nhưng bà Phương cho biết từ trước đến nay nay chưa bao giờ các cơ quan quản lý làm động tác này.

Bà Trương Lan Anh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nước chấm TP.HCM kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Thuận Phát, nhận định, hơn 90% các cơ sở sản xuất nước tương theo công nghệ thủy phân nên chắc chắn độc tố 3-MCPD sẽ có trong nước tương, vấn đề là nhiều hay ít. Còn bà Phượng cũng cho biết: không chỉ riêng Chin-su, Trung tâm đã kiểm định mẫu của nhiều cơ sở nước tương, nước mắm và các loại sản phẩm chế biến khác. Khi phân tích có mẫu đạt tiêu chuẩn, có mẫu không đạt yêu cầu.

Đành rằng, doanh nghiệp luôn luôn cố gắng để làm ra sản phẩm tốt nhất. “Vì nếu ở đây không kiểm định được, thì nước ngoài cũng sẽ kiểm tra và trả hàng về” - bà Phương nói.

Thế nhưng, không ai biết khi không đạt yêu cầu, doanh nghiệp có hủy lô hàng hàng ngàn lít với số tiền hàng trăm triệu đồng? Nếu người sản xuất tiếc công xót của cứ đem bán ra thị trường, thì với công tác quản lý trên văn bản, các nhà quản lý làm sao phát hiện được những trường hợp này?

Bà Giám đốc Trung tâm dịch vụ Phân tích thí nghiệm cho rằng, cơ quan quản lý nên lập một bộ phận độc lập để thực hiện việc lấy mẫu một cách khách quan. Thế nhưng cũng bà Giám đốc, việc này cũng không phải dễ thực hiện! Bởi lẽ, đến giờ cũng chưa có quy định ai có quyền này! Theo bà Phương, kể cả Sở Khoa học và Công nghệ cũng không có chức năng này. Mà quyền làm điều này sẽ là Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, và Thanh tra Bộ.

Phải chăng vì vậy mà công tác quản lý trên văn bản cứ tồn tại lâu nay, dù rất tắc trách?

Phát hiện có phân urê trong nước mắm!

Còn đây là công cụ sản xuất bằng hũ sành và chai lọ! Ảnh: Đỗ Việt Hà. 

Trong buổi làm việc với Trung tâm dịch vụ phân tích kiểm định, tình cờ chúng tôi chứng kiến cuộc điện thoại của nhân viên phòng xét nghiệm gọi đến Giám đốc. Nội dung cuộc điện thoại báo rằng có phát hiện đạm phân urê trong mẫu kiểm định nước mắm! Bà Phương cho biết, một doanh nghiệp sản xuất đã gửi đến Trung tâm 9 mẫu sản phẩm để xét nghiệm.

Trong 5 mẫu xét nghiệm đầu tiên đều phát hiện có đến gần 10% độ đạm urê trong các sản phẩm này. Ban đầu doanh nghiệp phản ứng không chấp nhận kết quả, nhưng trưc chứng cứ của máy móc đưa ra, doanh nghiệp này thú nhận rằng đã thu gom sản phẩm của các doanh nghiệp khác đến xét nghiệm.

Bà Phương cho biết, sở dĩ người ta cho đạm urê vào nước mắm, là để tăng độ đạm lên. Hàm lượng Ni-tơ trong phân đạm urê sẽ đánh lừa được máy móc phân tích và cả khẩu vị người tiêu dùng. Máy móc sẽ cho kết quả lượng đạm đạt yêu cầu, còn người ăn thấy cũng đầy đủ… vị ngọt. Được biết, cách đây không lâu, nước mắm do một doanh nghiệp xuất khẩu đã bị nước ngoài trả về.

Thêm một lần nữa, các cơ quan phải tính lại phương pháp  giám sát của mình. Sức khỏe cộng đồng hiện đang đặt vào trong tay các nhà quản lý.

  • Đặng Vỹ - Hương Cát

>>  Sau Chinsu, sẽ kiểm nghiệm các sản phẩm nước tương khác
>> Vitecfood khẳng định nước tương Chin-su an toàn
>> "Các mẫu xét nghiệm sản phẩm Chin-su đều đạt chuẩn"
>> Nước tương chúng ta đang ăn không được đảm bảo
>> Nhà sản xuất Chin-su phủ nhận kết quả kiểm định của Bỉ
>> Bỉ khuyến cáo không nên dùng nước tương Chin-su từ VN
 

Ý kiến của bạn về cách thức quản lý thực phẩm chế biến tại VN?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,