Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây đã trình Bộ Bưu chính Viễn thông phương thức tính cước block 30+6 giây cho tất cả các cuộc gọi để áp dụng kể từ 1/7/2005.
Sẽ có cuộc đua mới về giá cước cuộc gọi? |
Ngoài ra, đối với dịch vụ trả sau, cước thuê bao tháng sẽ dao động từ 50.000 - 72.727 đồng/tháng, cước liên lạc từ 636 - 727 đồng/30 giây; đối với dịch vụ trả trước, cước liên lạc từ 1.000 - 1.182 đồng/30 giây; đối với dịch vụ thuê bao ngày, cước thuê bao ngày từ 1.364 - 1.818 đồng/ngày, cước liên lạc từ 682 - 818 đồng/30 giây.
Nếu thực hiện theo mức tính mới này thì cước di động của hai mạng di động MobiFone và Vinaphone có thể giảm tới 30%.
Cũng trong dịp tới, VNPT sẽ giảm cước SMS (nhắn tin) xuống 350 - 400 đồng/tin nội mạng và 400 - 450 đồng/tin ngoài mạng (đối với cước SMS, VNPT được phép điều chỉnh giá). Ngoài ra, VNPT cũng đề nghị giảm tối đa 15% cho các cuộc liên lạc nội mạng; giảm tối đa 20% cho khách hàng dùng nhiều (gói) từ 500.000 đồng trở lên.
Tuy đề xuất giảm cước này chưa được chấp thuận nhưng nó đang vấp phải phản ứng khá gay gắt từ các doanh nghiệp khác, bởi họ cho rằng nếu vậy VNPT sẽ tạo ra thế “cạnh tranh không lành mạnh”. Một quan chức của Viettel đã nói: “Mức cước mà VNPT đưa ra, nhìn từ khía cạnh nào cũng có thể thấy rõ mối nguy hại cho các doanh nghiệp mới”.
Theo ông, Viettel không có ý định chạy đua giảm giá, song với mức cước “bóp chết đối thủ” này, các mạng khác muốn tồn tại sẽ không còn lựa chọn nào khác là nhảy vào cuộc đua.
Mạng di động S-Fone sau hơn 2 năm chật vật mới phát triển xấp xỉ 300.000 thuê bao. Ông Kim Seong Bong, tân Giám đốc điều hành Tập đoàn SLD Telecom, đối tác của S-Fone, đã ví von: so sánh giữa các doanh nghiệp mới với VNPT chẳng khác nào bảo một đứa bé 2 tuổi lên võ đài để đấu với một võ sĩ 20 tuổi.
Theo ông, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam cần có lộ trình giảm cước rõ ràng với doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Nếu hôm nay doanh nghiệp này giảm cước, ngày mai đơn vị khác cũng đề nghị giảm thì những doanh nghiệp mới như S-Fone sẽ rất khó khăn.
Trong khi đó, ban lãnh đạo VNPT cho rằng tất cả các phương án giảm cước mà họ đưa ra đều nằm trong khung giá mà Bộ Bưu chính Viễn thông quy định, do vậy, không thể bị quy là “cạnh tranh không lành mạnh” được. Trong một trả lời báo chí, ông Trần Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc VNPT, đã nói: “Các doanh nghiệp khác lấy lý do giảm cước là đứng về phía quyền lợi của người tiêu dùng, VNPT chẳng có lý do gì lại không vì quyền lợi khách hàng của mình cả”.
Theo phân tích của giới chuyên môn, việc giảm cước của VNPT nếu được chấp thuận sẽ tác động mạnh đến thị trường, kích thích mạnh nhu cầu phát triển thuê bao di động và sẽ khởi động một cuộc chạy đua mới về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Vào cuối năm nay - đầu năm 2006, trên thị trường di động sẽ xuất hiện thêm 2 nhà cung cấp CDMA mới: Công ty Viễn thông Điện lực (096) và Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (092). Hy vọng với sự góp mặt của 2 nhà cung cấp mạng CDMA công nghệ 3G có chất lượng cao này, thị trường điện thoại di động Việt Nam sẽ bớt tính độc quyền và người tiêu dùng sẽ thực sự được hưởng lợi nhiều hơn.
(Theo Thời báo Kinh tế VN)