(VietNamNet) - Thủ tướng Phan Văn Khải đã tới thăm tập đoàn Boeing ngay sau khi tới Mỹ và sẽ chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua 4 chiếc Boeing 787 của Vietnam Airlines.
Thủ tướng sẽ đi thăm nhà máy sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới này trước khi chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua bán máy bay Boeing 787 Dreamliner giữa Vietnam Airlines với Boeing tại Washington.
Nhân dịp này, xin điểm qua một số nét về hãng Boeing và quan hệ với hàng không Việt Nam.
Những cái nhất của Boeing
Boeing là hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, có diện tích nhà xưởng cũng lớn nhất hành tinh, đủ để chứa những toà nhà bay khổng lồ của bầu trời.
Sản phẩm của Boeing rất đa dạng, từ các loại máy bay dân dụng thương mại cho tới máy bay chiến đấu hạng nặng. Nhờ đó, Boeing đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ, dù khởi đầu cũng chỉ là một bãi đỗ nhỏ với chiếc máy bay 2 tầng cánh thô sơ.
Boeing đã sản xuất ra hàng chục ngàn máy bay thương mại toả đi khắp các phương trời, phổ biến nhất là các loại Boeing 737, 747, 757, 767 và sắp tới sẽ là loại siêu máy bay 787 Dreamliner. Ngoài ra, Boeing cũng là nhà chế tạo hàng đầu về máy bay chiến đấu, tham gia vào công việc chế tạo tàu vũ trụ Apollo và trạm không gian của Mỹ.
Nhưng ít ai biết được rằng, khi mời được William Boeing sáng lập vào năm 1910, gia tài cả hãng chỉ là chiếc máy bay nhỏ hai tầng cánh. Cũng khá lâu sau Boeing mới gây dựng được cơ sở như ngày nay.
Boeing hiện nay được chia thành 6 ban chính: Máy bay thương mại; Vũ trụ - Thông tin; Máy bay chiến đấu - Tên lửa; Quản lý hàng không; Các dịch vụ gia tăng; và Tập đoàn tài chính Boeing.
Nhà xưởng khổng lồ
Tầm cỡ toàn cầu của Boeing - Doanh thu năm 2004: 52,5 tỷ USD từ các khách hàng từ 145 nước.
Trụ sở chính của Boeing là tại thành phố Everett, quận Seattle, bang Washington với diện tích khổng lồ 39,8 hecta. Hiện nhà xưởng chính đang được chuyển dần về Chicago.
- Chiếm khoảng 30% lượng máy bay thương mại thế giới đang dùng.
- Hiện có hơn 159.000 nhân công ở 48 bang của Mỹ và 67 nước.
- Có khoảng 5.250 nhà cung cấp nguyên phụ liệu từ 100 nước.
- Có phòng nghiên cứu, thiết kế và phát triển công nghệ ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á.
- Có quan hệ đối tác với các công ty trên khắp thế giới.
Nhà máy này là địa điểm du lịch hút khách nổi tiếng của Mỹ. Với khoảng 34 USD theo giá hiện nay, một du khách có thể được tham quan quy trình sản xuất trong nhà máy rộng lớn này, với điều kiện không được mang theo máy quay phim và chụp ảnh.
Mỗi ngày có khoảng hàng ngàn container hàng hoá, phụ kiện được chuyển về nhá máy khổng lồ này để lắp đặt và sơn sửa.
Ngoài nhà máy chính, Boeing có hàng ngàn đối tác và vệ tinh ở các quốc gia khác nhau trên thế giới chuyên sản xuất và lắp ráp những bộ phận động cơ, linh kiện và phụ tùng cho hãng.
Những chiếc Boeing ở Việt Nam
Chiều 23/8/2003, sau 16 giờ bay từ San Francisco, chiếc Boeing 777 đầu tiên do Vietnam Airlines mua, số hiệu VN A143, do đội bay của Vietnam Airlines điều khiển đã có mặt tại sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là chiếc máy bay đầu tiên trong số 4 chiếc Boeing 777-26 KER mà Vietnam Airlines đã đặt mua của tập đoàn Boeing để đưa vào khai thác các đường bay tầm trung và xa.
Trước đó, Vietnam Airlines đã thuê 4 chiếc Boeing 777-200ER. Với 4 chiếc 787 Dreamliner sắp mua (Giá trị hợp đồng khoảng 500 triệu USD, dự kiến được trao cho phía VN vào năm 2010) như đã đề cập ở trên, hàng không VN sẽ có một đội bay đáng kể với hơn chục chiếc máy bay hạng lớn của Boeing.
Về khả năng hợp tác lâu dài với VN, Boeing từng cho biết sẽ không trực tiếp đầu tư vào VN. Thay vào đó hãng sẽ gián tiếp đầu tư và kêu gọi các đối tác xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Trong những đối tác của Boeing, nổi lên những nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản và Singapore. Hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội là những lựa chọn của nhà đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng máy bay.
Một vòng quanh nhà máy Boeing tại Seattle:
-
Nhật Vy