221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
659358
Da giày tìm kiếm thị trường để giảm bớt khó khăn
1
Article
null
Da giày tìm kiếm thị trường để giảm bớt khó khăn
,

(VietNamNet) - Gặp khó khăn ở những thị trường truyền thống, da giày Việt Nam đang tích cực tìm kiếm những thị trường mới nhằm đặt mục tiêu xuất khẩu 3,4 tỷ USD trong năm 2005. Hai thị trường mà ngành đang tập trung xúc tiến và xuất khẩu là Nhật Bản và châu Phi.

Soạn: AM 434603 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xúc tiến thị trường mới sẽ giảm bớt khó khăn do sự sụt giảm ở thị trường EU.

Mới đây, Hiệp hội Da giày đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Theo một quan chức của Hiệp hội da giày thì khả năng tăng xuất khẩu vào thị trường này là rất cao. Trong những năm gần đây, giày dép xuất khẩu vào Nhật tăng lên và giày dép Việt Nam đã khẳng định được vị trí trên thị trường này.

Bộ Thương mại cho biết, hiện nay, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu giầy dép lớn nhất của Việt Nam trong khu vực châu Á. Trong những tháng đầu năm, mức tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này tăng khá cao, có thời điểm như hai tháng đầu năm tăng tới 75,8%. Xuất khẩu giày dép vào Nhật Bản đang tăng cả về thị phần và kim ngạch. Việt Nam đã vượt qua Indonesia vươn lên vị trí thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Italia. 

Bộ Thương mại cũng nhận định, Nhu cầu nhập khẩu giầy dép của nước này vẫn trong xu hướng tăng. Do đó, xuất khẩu của nước ta sang Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao trong năm nay.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, giầy dép Việt Nam có thể xuất vào Nhật với số lượng lớn là các loại giày, dép có đế ngoài và mũ giầy bằng cao su hoặc plastic, da thuộc, hoặc da tổng hợp và mũ bằng da thuộc; dép xốp, dép quai hậu ...

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản có những yêu cầu riêng về thiết kế, kích cỡ và phải phù hợp với thời tiết. Vì vậy, Hiệp hội da giày đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và thay đổi trong việc thiết kế giầy dép theo đúng thị hiếu của người dân Nhật Bản. Thậm chí, có thể nhập khuôn của Nhật về để sản xuất cho phù hợp với kích cỡ của người Nhật. Ngoài ra các nhà sản xuất cần quan tâm đến những xu hướng thời trang thay đổi theo mùa ở Nhật để sản xuất theo thị hiếu người tiêu dùng.

Tại thị trường châu Phi, mặt hàng giày dép hoàn toàn có thể cạnh tranh, thậm chí có sức cạnh tranh hơn hẳn cả về chủng loại và giá cả so với những  giày, dép có xuất xứ từ nhiều nước khác được bày bán trong các siêu thị. Từ năm năm 2004, giày dép Việt Nam đã bắt đầu khai thác thành công thị trường châu Phi, đặc biệt là thâm nhập và thị trường Nam Phi. Theo thống kê của Bộ Thương mại, xuất khẩu giày dép sang Nam Phi trong 4 tháng đầu năm 2005 tăng rất cao, khoảng 175% và đạt kim ngạch 5,81 triệu USD.

Thị trường châu Phi có nhu cầu khá đa dạng và rất nhiều chủng loại là thế mạnh sản xuất của Việt Nam như: giày thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày luyện tập, giày thể thao có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ bằng da thuộc hoặc bằng nguyên liệu dệt...

Tuy giày, dép Việt Nam đã bước đầu thành công trên thị trường Nam Phi, nhưng để thâm nhập sâu vào cả châu lục đầy tiềm năng này thì giày dép Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Theo Hiệp hội Da giày, bước đầu giày, dép Việt Nam đã thâm nhập sang một số thị trường tại châu Phi như: Mô Dăm Bích (Đông Phi), Xanh Hê len (Tây Phi nhưng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới còn ít và thất thường). 

Hiệp hội da giày cho rằng, vấn đề ở thị trường châu Phi là cần tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến, tìm kiếm các đối tác phân phối hàng hoá để xuất khẩu được nhiều hơn, thanh toán được thuận tiên hơn.

Với sự xúc tiến tích cực vào các thị trường mới, trong đó tập trung vào thị trường Nhật Bản và châu Phi, ngành da giày hy vọng sẽ san sẻ được những khó khăn do sụt giảm ở thị trường EU, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2005.

  • Nguyên Phong
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,