Giá cà phê Robusta đã lên đến 20.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất, kể từ 5 năm trở lại đây. Nhiều DN lao đao vì lỡ ký hợp đồng xuất khẩu khi cà phê đang rẻ.
Bây giờ giá cao thu gom không đủ hàng để giao. Còn nông dân hầu hết tiếc rẻ vì phải vội bán sớm
Kẻ khóc, người cười
Sáng 9/6/2005, trao đổi với Tiền Phong, ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), đồng thời là Giám đốc Công ty Đầu tư XNK Cà phê Đăk Lăk (Inexim) cho biết:
Vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Hữu Ka ở xã Đông Thanh - Lâm Hà |
Giá cà phê Robusta tại thị trường Luân Đôn đang lên rất nhanh do các nhà đầu tư ra sức thu mua. Vì họ biết chắc sản lượng cà phê tồn trữ ở các nước xuất khẩu lớn như Brazil, Việt Nam, Colombia không còn nhiều như dự kiến.
Nhiều khách hàng đã ký trước hợp đồng với giá 1.245 USD/tấn cà phê nhân (đến tháng 7/2005 mới giao hàng).
Tuy nhiên, trong khi giá cà phê tăng cao thì nhiều nông dân ở Tây Nguyên lại không được hưởng lợi, vì không còn cà phê để bán.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, thường đầu tháng 12 hàng năm cà phê thu hái xong, được chủ vườn phơi khô, làm sạch và chở đến gửi vào kho của các đại lý thu mua luôn. Bao giờ cần tiền thì chủ vườn ra thỏa thuận giá bán và lấy tiền luôn.
Đại lý dùng cà phê gửi làm vốn quay vòng, nếu đại lý bán sớm trước khi giá hạ sẽ lãi to, còn giá ngày càng tăng dễ dẫn đến tình trạng nhiều đại lý không trả nổi tiền cho các chủ vườn đã gửi cà phê.
Còn nhớ, năm 1999, việc giá tăng đột biến đã làm hàng loạt chủ đại lý phá sản. Riêng xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk đã có chủ đại lý Liên Hương nợ dân nông trường Ea Tung đến mấy trăm triệu không trả được đã phải “ lặn” sang Chư Sê- Gia Lai làm rẫy. Còn chủ đại lý Ngọc Tân phải cầm cố toàn bộ nhà cửa xe cộ và 5 hecta trang trại để trả bớt nợ nần.
Nhiều chủ đại lý ở 2 huyện Krông Buk- Ea H’leo do vướng vào vụ vỡ nợ của Cty Xuất nhập khẩu Cà phê Gia Lai mà đổ bể dây chuyền, dắt nhau ra toà hàng loạt. Năm nay tại xã này, ít nhất 90% nông dân rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Gia đình ông Hai Long vừa hái xong đã bán đổ bán tháo hơn nửa số cà phê để trả nợ với giá 7 triệu/ tấn. Đến đầu năm nay, bán nốt số còn lại với giá 8,5 –9 triệu/ tấn để lấy tiền mua phân bón và dầu chạy máy bơm.
Nay giá cà phê đã tăng gần 3 lần thì không còn hạt nào để bán.
Thực tế cho thấy giá cà phê lên, nông dân mừng nhưng ít nhất là 70% người trồng cà phê không còn hàng để bán. Phần lớn nông dân đã bán hết cà phê ngay sau khi thu hoạch với giá 8.500đ-9000đ/ ký vì áp lực phải trả nợ ngân hàng vào dịp cuối năm và vì sợ bị hái trộm cà phê non…
Đã có nhiều ý kiến từ VICOFA và giới chuyên gia kinh tế đề nghị các Ngân hàng nên dời hạn thu nợ cho nông dân trồng cà phê sang quý I năm sau, thì họ mới tránh được tình trạng phải bán ào ạt lúc giá thấp. Như thế mới có cơ may bán được giá cao.
Giá sẽ còn vượt ngưỡng 20.000 đồng/kg
Các chuyên gia dự báo, nhiều khả năng trước vụ thu hoạch tới, sàn giá Luân Đôn vượt qua mức 1300USD/ tấn. Và giá cà phê trong nước sẽ vượt ngưỡng 20 triệu đồng/ tấn.
Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 30% người trồng cà phê ở Tây Nguyên là có mức sống khá giả, có khả năng trữ được cà phê đến nay.
Nhận định về lý do cà phê tăng giá, các chuyên gia cho rằng, hiện hơn phân nửa sản lượng cà phê Robusta cung cấp cho thị trường thế giới là của Việt Nam (nước xuất khẩu Robusta chỉ đứng sau Brazil).
Mỗi khi sản lượng cà phê của Việt Nam có biến động đều làm cho cán cân giá cả cà phê thế giới thay đổi.
Năm rồi Brazil mất mùa, Việt Nam lại bị hạn hán kéo dài trên địa bàn cả nước. Tỉnh trồng cà phê nhiều nhất nước là Đăk Lăk có 163.000 ha thì gần 30.000 ha mất trắng, gần 100.000 ha bị ảnh hưởng kém năng suất, dẫn đến sản lượng hụt 100.000 tấn / 330.000 tấn, và tác hại của vụ hạn này kéo dài khiến cây cà phê không chết thì cũng “kiệt sức”.
Nếu chủ vườn tích cực chăm bón phải đến 2-3 năm sau mới có thể phục hồi. Sự mất mùa lan rộng đã chấm dứt tình trạng cà phê cung vượt cầu kéo dài mấy năm qua trên thế giới.
Vụ 2004-2005, cung cầu thế giới về cà phê Robusta vừa đủ. Dự kiến vụ 2005-2006 cầu sẽ vượt cao so với cung.
Mùa thu hoạch cà phê Brazil bắt đầu từ tháng 6, Việt Nam đến tháng 11 mới thu, tính chung thị trường năm 2005 ước sẽ thiếu khoảng 8 triệu bao (tương đương 480.000 tấn).
Tuy nhiên, giá cà phê không chỉ tuỳ thuộc vào yếu tố sản lượng, thời tiết, mà quan trọng hơn nữa là sự tính toán quyết định các nhà đầu cơ. Vì vậy VICOFA khuyến cáo các doanh nghiệp nên thận trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu, không nên quyết giá trong thời hạn quá dài.
Những năm tới, Việt Nam cũng chỉ nên giữ ổn định sản lượng ở mức 800.000 tấn, chú trọng tăng năng suất và chất lượng chứ không nên tăng diện tích.
Giá cà phê lên nhanh cũng thử thách bản lĩnh, sự nhạy bén của các nhà kinh doanh cà phê. Một số doanh nghiệp XNK cà phê hàng đầu ở Đăk Lăk như Inexim, Simexco, Cty XNK Cà Phê Tây Nguyên nhờ dự báo tốt nên kinh doanh càng thuận lợi.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp lao đao vì lỡ ký hợp đồng xuất khẩu khi cà phê đang rẻ, bây giờ giá cao thu gom không đủ hàng để giao, có đơn vị thiếu đến 1 vạn tấn. Còn nông dân hầu hết tiếc rẻ vì phải vội bán sớm, tuy cũng đã có lãi so với mấy năm trước.
Mức giá 19 –20 triệu đồng/ tấn cà phê nhân là giá cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bình quân giá thành sản phẩm khoảng 7 triệu đồng/ tấn, nếu giữ được đến giờ mới bán thì người trồng đã lãi gần gấp ba.
(Theo Tiền Phong)