Một tồn tại nhức nhối nhiều năm chưa được giải quyết là nông dân và doanh nghiệp luôn bất đồng nhau. Nếu giá cá giảm thì doanh nghiệp sẵn sàng hạ nông dân “đo ván” và ngược lại. Giữa 2 bên chưa thiết lập được cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi ro trên nguyên tắc đồng thuận, điều tiết giữa sản xuất và tiêu thụ cùng có lợi. Từ đó, luôn dẫn đến mất ổn định về cung cấp và lợi nhuận.
Hàng chục ngàn hộ nuôi cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL đang đối mặt với thực trạng hết sức bi đát: giá sụt thê thảm, lượng cá quá lứa thu hoạch ngày càng tăng cao vì không bán được. Trong khi môi trường bị ô nhiễm và dịch bệnh gia tăng… Người nuôi đứng trước nguy cơ phá sản.
Nông dân càng khó khăn, doanh nghiệp càng “ẹo”!
Những ngày này, khắp các tỉnh ĐBSCL đâu đâu cũng thấy nông dân than cảnh cá ế không bán được! Một không khí ngày mùa tẻ nhạt bao trùm lên các làng bè. Trưa 5- 6, chúng tôi đến huyện Thốt Nốt (Cần Thơ)- nơi nghề nuôi cá tra, cá ba sa phát triển mạnh nhất hiện nay.
Cá rớt giá, làng bè hiu hắt không bóng người. |
Ông Bảy Sang, nông dân xã Thới Thuận than: “Tôi thả khoảng 70 ngàn con giống, hiện tại dưới hầm trên 60 tấn cá nguyên liệu, bình quân từ 1 – 1,5 kg/con nhưng kêu bán chẳng ai mua. Cá càng lớn chi phí thức ăn càng cao, lại thêm nhiễm bệnh làm chết liên tục, vụ này xem như lỗ trắng”.
Cạnh đó, hầm cá của ông Nguyễn Văn Ngày, trên 100 tấn, tất cả đều quá lứa thu hoạch gần một tháng nhưng vẫn… nằm chờ! Bi đát nhất là ông Năm Lễ đang “ôm” gần 500 tấn cá, mỗi ngày phải tiêu tốn gần 20 triệu đồng thức ăn. Bên cạnh đó, ông phải chạy toát mồ hôi để lo đóng lãi 10 triệu đồng/tháng cho ngân hàng và 40 triệu đồng/tháng (vay bạc 4 phân bên ngoài) đầu tư nuôi cá…
Hàng trăm hầm cá khác ở ấp Vĩnh Nhuận, Thới Bình A, Thới An, Thới Thạnh… cũng chung số phận. Bí thư Đảng ủy xã Thới Thuận- Nguyễn Văn Phong lo lắng: “Tình hình đang hết sức tồi tệ, những ngày qua chúng tôi liên lạc với nhiều nhà máy đề nghị mua cá giúp bà con, tuy nhiên không kết quả. Nếu kéo dài như thế, nông dân sẽ lỗ nặng và thiệt hại sẽ khó lường”.
Tại vùng Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò (Đồng Tháp), Châu Đốc, Châu Phú, thành phố Long Xuyên (An Giang); Vĩnh Long; Sóc Trăng… tình hình cũng không ngoại lệ. Số lượng cá quá lứa thu hoạch đang ở mức báo động với hàng trăm ngàn tấn. Hiện tại, giá cá tra ao hầm thịt trắng loại 1 chỉ còn từ 10.200 đồng đến 10.500 đồng/ kg, cá thịt vàng khoảng 8.000 đồng- 9.000 đồng/kg…
Dù vậy, các nhà máy cũng chỉ mua với mức rất hạn chế. Ông Lê Văn Liệp, một đại gia nuôi cá tra ở Mỹ Hòa Hưng (An Giang) quả quyết: “Năm nay tôi đầu tư gần 30 tỷ đồng nuôi cá tra, cá ba sa, nhưng gặp bất lợi là thức ăn, thuốc, các chi phí khác đều tăng cao. Giá thành không dưới 10.000 đồng- 10.500 đồng/kg, thậm chí đến 11.000 đồng/kg trở lên. Hiện tại, giá thị trường đã thấp hơn giá thành, như vậy người nuôi cầm chắc lỗ”.
Khi giá cá sụt giảm và không bán được thì nông dân càng điêu đứng vì các doanh nghiệp lại có cơ hội “ẹo”. Ông Trần Phước Đợi ở Thốt Nốt bức xúc: “Năm ngoái khi cá hút hàng 14.000 đ- 15.000 đ/kg, xấu tốt gì họ cũng mua một lèo. Bây giờ các nhà máy chê đủ điều: nào là cá kém chất lượng, bị kháng sinh, thịt vàng, mỡ nhiều… để rồi từ loại 1 họ thảy xuống loại 2, thậm chí không mua nếu như không “biết điều” với họ!”.
Chưa hết, các nhà máy chế biến thủy sản còn đưa ra biện pháp kiểm tra kháng sinh Malachite tất cả các mẫu cá. Mỗi lần kiểm tra như vậy, nông dân phải nộp tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/mẫu. Ông Ba Hơi, ở Thới Thuận bực dọc nói: “Bắt nông dân nộp cả triệu đồng, sau đó họ tự mang cá đi, tự kiểm tra, rồi bảo cá bị bệnh và không mua. Thế là chúng tôi mất luôn tiền. Điều này hết sức vô lý!”.
Đâu là nguyên nhân?
Chuyện cá tra, cá ba sa lâm vào khủng hoảng như hiện nay đã được dự báo trước. Trong 8 tháng đầu năm 2004, giá cá tra luôn đứng ở mức cao kỷ lục (14.500 đồng- 15.200 đồng/kg), nhiều hộ nuôi thắng đậm; từ đó kích thích phong trào nuôi cá tra, cá ba sa phát triển ào ạt như “nấm mọc sau mưa”.
Nông dân đang phải “vay nóng” để duy trì cho cá ăn. |
Bên cạnh đó, Bộ Thủy sản cũng nhận định: Tiềm năng phát triển cá tra, cá ba sa ở ĐBSCL rất lớn. Nếu như năm 2001, tổng sản lượng cá tra, cá ba sa chỉ có 130.000 tấn, thì đến năm 2004 tăng vọt lên 300.000 tấn; và có thể mở rộng sản lượng lên 1 triệu tấn. Tuy nhiên, điểm yếu cơ bản hiện nay là nuôi tự phát tràn lan, thiếu qui hoạch, thiếu tổ chức; không bắt buộc đăng ký và không có quota sản lượng.
Mặt khác, cũng không cơ quan nào đưa ra tiêu chuẩn chung và chu kỳ thu hoạch bất hợp lý; lúc thiếu – lúc thừa nguyên liệu. Song song đó, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu phi lê đông lạnh dạng nguyên liệu, sản phẩm chế biến chưa đa dạng, mức độ GTGT thấp và giá biến động thất thường.
Điều đáng lo ngại là xuất hiện một số doanh nghiệp giành lấy khách hàng bằng cách “giảm giá”, chưa xây dựng được hình ảnh sản phẩm và không có thương hiệu tập thể cũng như kênh phân phối chung. Mặc dù, hàng loạt khó khăn chưa được giải quyết nhưng nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn hô hào chọn cá tra, cá ba sa là thế mạnh kinh tế và không ngần ngại khuyến khích nông dân thả nuôi.
Diện tích liên tục mở rộng, nhất là khu vực ven sông Tiền, sông Hậu. Hàng loạt hộ phá vườn nhãn, hoa màu, ruộng lúa… một cách không thương tiếc để đào ao hầm nuôi cá. Thậm chí có hộ “vay nóng” hàng tỷ đồng nuôi cá nhưng không nắm vững qui trình kỹ thuật, không biết cách xử lý dịch bệnh, bảo vệ môi trường ra sao… Họ chỉ biết, thấy nhiều người nuôi lời nên làm theo! Tất cả chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá rớt giá.
Hiện tại “ cung vượt quá cầu” và thị trường xuất khẩu khó khăn, do đó dự báo những ngày tới tình hình sẽ còn bi thảm hơn. Giải quyết một lượng lớn cá tra, cá ba sa tồn đọng hiện nay thế nào và trách nhiệm thuộc về ai đang là vấn đề đặt ra.
Thạc sĩ Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp: |
(Theo SGGP)