Dịch vụ ngân hàng được dự báo sẽ là lĩnh vực cạnh tranh rất khốc liệt khi "vòng" bảo hộ cho ngân hàng thương mại trong nước không còn. Vậy điều gì đang chờ đón các ngân hàng thương mại Việt Nam? Các ngân hàng này sẽ phải chuẩn bị gì để không bị đẩy ra ngoài cuộc chơi?
Dưới đây là một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia ngân hàng về vấn đề đang được xem là rất "nóng" này.
Các ngân hàng VN cần phải cải cách ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho việc hội nhập hoàn toàn vào năm 2010. Ảnh: Nguyên Vũ |
Các giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Viện trưởng Viện khoa học tài chính
"Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trong thời gian qua, theo tôi còn có những hạn chế. Trước hết, các chủ thể cung cấp dịch vụ ngân hàng phát triển khá, nhưng năng lực tài chính còn yếu (vốn tự có nhỏ, khả năng sinh lời thấp, nợ xấu cao) nên hạn chế khả năng huy động vốn, cho vay và phát triển sản phẩm mới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong kinh doanh.
Từng dịch vụ của ngân hàng thương mại chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, qui mô của từng dịch vụ còn nhỏ, chất lượng dịch vụ thấp, sức cạnh tranh yếu, đặc biệt tính tiện ích của một số dịch vụ đối với khách hàng chưa cao, trong khi đó hoạt động marketing ngân hàng còn hạn chế, nên tỷ lệ khách hàng là cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng còn ít.
Nền kinh tế vẫn nặng về thanh toán bằng tiền mặt. Đối tượng sử dụng thẻ thanh toán chủ yếu vẫn là người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, du lịch...
Để khắc phục những hạn chế này, theo tôi, cần phải thực hiện hàng loạt các giải pháp phát triển các dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam bao gồm:
- Nâng cao khả năng tài chính đối với các ngân hàng thương mại; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cung cấp trên thị trường theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống và phát triển các dịch vụ mới;
- Điều chỉnh mức lãi suất và phí phù hợp với thị trường dịch vụ ngân hàng Việt Nam; hoàn thiện môi trường pháp luật theo hướng minh bạch, thông thoáng, ổn định, đảm bảo bình đẳng và an toàn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường hoạt động có hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực;
- Cuối cùng là xây dựng chiến lược phát triển công nghệ ngân hàng phục vụ cho công tác điều hành kinh doanh, quản lý nguồn vốn, quản lý rủi ro, hệ thống thanh toán liên ngân hàng, hệ thống giao dịch điện tử...
Cụ thể, để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mở rộng qui mô hoạt động và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ thì phải giải quyết 3 vấn đề: tăng vốn tự có; tăng khả năng sinh lời và tháo gỡ những khó khăn để xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, làm sạch bảng cân đối tài sản.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các định chế quản lý tài sản nợ, tài sản có, quản lý vốn, quản lý rủi ro, hệ thống thông tin quản lý (MIS)... theo đúng thông lệ quốc tế. Nâng cao quyền tự chủ kinh doanh, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Nâng cao khả năng dự báo thị trường để có thể vừa mở rộng khả năng kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Về lãi suất, cần phải được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với cung và cầu vốn cũng như phù hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, cần tăng cường vai trò của Hiệp hội ngân hàng cũng như nâng cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát, điều tiết lãi suất thị trường thông qua lãi suất định hướng của mình".
Cải cách ngay trước khi quá muộn
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
"Trong lĩnh vực ngân hàng, việc đối xử tối huệ quốc (MFN) có nghĩa là nếu Việt Nam đã dành cho một nước những đối xử ưu đãi thì Việt Nam cũng phải dành cho bất kỳ thành viên khác của WTO những ưu đãi tương tự. Ví dụ như nếu Việt Nam đã dành cho Mỹ những đối xử ưu đãi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì Việt Nam cũng phải dành những ưu đãi tương tự cho tất cả các thành viên khác của WTO.
Về tính minh bạch, Việt Nam cũng sẽ phải công khai hóa các quy định và biện pháp điều chỉnh trong hoạt động ngân hàng về bảo đảm an toàn, quy trình cấp giấy phép. Việt Nam cũng phải dần loại bỏ các biện pháp hạn chế số lượng nhà cung cấp dịch vụ và loại dịch vụ, tổng giá trị giao dịch.
Về đối xử quốc gia, Việt Nam có nghĩa vụ đối xử như nhau đối với các ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng nước ngoài. Theo đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể mở các điểm giao dịch và đặt máy ATM ngoài trụ sở ngân hàng.
Qua đánh giá sơ bộ có thể thấy rằng, với năng lực cạnh tranh hạn chế (tạm thời chỉ hơn 4/10 điểm), rõ ràng các ngân hàng Việt Nam đang dần phải đối mặt với những thách thức đáng lo ngại từ phía các ngân hàng nước ngoài.
Tôi xin đưa ra một số đề xuất và kiến nghị. Về thể chế, cần tích cực hoàn thiện môi trường pháp lý theo các nguyên tắc thị trường, sớm ban hành và áp dụng các quy định về hoạt động ngân hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế đồng thời phù hợp với tập quán và thông lệ kinh doanh của Việt Nam.
Cần nhanh chóng thiết lập một thị trường tài chính hoàn chỉnh và hiệu quả. Cần thiết phải có biện pháp bảo vệ và bảo hộ hoặc một lộ trình thực hiện cam kết hội nhập phù hợp để giúp hệ thống các định chế tài chính trong nước có thêm thời gian chuyển đổi và thích nghi.
Mặt khác, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống và nâng cao quyền tự chủ kinh doanh của ngân hàng.
Theo tôi, thật khó có thể đánh giá hết những lợi ích cũng như những tác động và hệ quả lâu dài của hội nhập quốc tế nói chung và việc gia nhập WTO nói riêng thậm chí trong một phạm vi hẹp là đối với khu vực tài chính ngân hàng Việt Nam.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nỗ lực tiến hành các biện pháp chuẩn bị và cải cách cần thiết đồng thời ở mức vĩ mô và vi mô trên cơ sở những kỳ vọng cũng như những quan ngại hợp lý để có thể đạt được những lợi ích thực sự của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và việc gia nhập WTO mang lại".
Mở cửa dịch vụ ngân hàng vào năm 2010
TS. Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ chiến lược phát triển ngân hàng
"Định hướng phát triển một số dịch vụ ngân hàng chủ yếu sẽ bao gồm: định hướng phát triển dịch vụ huy động vốn, phát triển dịch vụ tín dụng và đầu tư, phát triển dịch vụ thanh toán, phát triển dịch vụ ngoại hối và nghiệp vụ đầu tư của các tổ chức tín dụng trên thị trường tài chính, phát triển thị trường ngân hàng và xác định đối tượng phục vụ của hệ thống ngân hàng và cuối cùng là phát triển các dịch vụ khác.
Cần từng bước mở rộng hoạt động ngân hàng quốc tế của các tổ chức tín dụng Việt Nam ra thị trường tài chính quốc tế thông qua các hình thức hiện diện thương mại và cung cấp qua biên giới. Cho phép các tổ chức tín dụng Việt Nam tiến hành không hạn chế các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và kinh doanh tiền tệ mới, đặc biệt là các nghiệp vụ phát sinh tiền tệ, lãi suất, tỷ giá trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế theo thông lệ quốc tế trên thị trường tài chính quốc tế nhằm tối đa hoá cơ hội đầu tư và giảm thiểu rủi ro.
Đến năm 2010, thực hiện mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ ngân hàng; loại bỏ căn bản các hạn chế tiếp cận thị trường dịch vụ ngân hàng trong nước, các giới hạn hoạt động ngân hàng (qui mô, tổng số dịch vụ ngân hàng được phép...) đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài, thực hiện đối xử công bằng giữa tổ chức tín dụng trong nước và tổ chức tín dụng nước ngoài; giữa các tổ chức tín dụng nước ngoài với nhau theo các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia và các nguyên tắc khác trong Thoả thuận GATS/WTO và các thoả thuận quốc tế khác không mâu thuẫn với thoả thuận GATS/WTO".
Không thể không nâng cao chất lượng dịch vụ
TS. Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam
"Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng thương mại Việt Nam và chủ động hội nhập quốc tế có hiệu quả, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp mà trước hết là tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý cho sự phát triển của thị trường dịch vụ ngân hàng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng là vấn đề sống còn trong cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính. Để nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính các doanh nghiệp cần chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ, kĩ năng khai thác dịch vụ, thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình; hoàn thiện các qui trình nghiệp vụ; đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và quản lý rủi ro; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Vấn đề tiếp theo là cần phải nâng cao tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh của các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, cần thực hiện các biện pháp để lành mạnh hoá tình hình tài chính của các tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng, phát triển các chủ thể cung cấp dịch vụ ngân hàng trong các lĩnh vực dịch vụ mới dưới hình thức công ty cổ phần, công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện... Giải pháp cuối cùng là chủ động hội nhập thị trường ngân hàng khu vực và thế giới".
Chiến lược vừa hợp tác, vừa cạnh tranh
Ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB)
"Lâu nay chúng ta vẫn thường quan tâm tới điều gì sẽ xảy ra với các doanh nghiệp và đặc biệt là với các ngân hàng thương mại khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. Việc mở rộng hoạt động của các ngân hàng nước ngoài khi Việt Nam hội nhập và sức ép cạnh tranh đối với các ngân hàng trong nước sẽ là như thế nào?
Các hoạt động của ngân hàng nước ngoài nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các ngân hàng (bank to bank), hoạt động bán buôn vốn và các sản phẩm tài chính cho ngân hàng... theo tôi, sẽ không phải là hoạt động cạnh tranh đối với các ngân hàng Việt Nam mà ngược lại, sẽ là bổ trợ tích cực cho các ngân hàng Việt Nam.
Dịch vụ ngân hàng phục vụ công ty là khu vực cạnh tranh với các ngân hàng nội địa, tuy nhiên cạnh tranh mạnh chủ yếu trong cung cấp dịch vụ cho các công ty lớn trong nước. Sau đợt điều chỉnh lại chiến lược đầu những năm 2000, một số ngân hàng đã hoàn toàn rút khỏi hoạt động này tại thị trường Việt Nam. Số còn lại sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này ở mức chưa cao trong thời gian trước mắt, song sẽ tích cực hơn trong tương lai trung hạn.
Trong dài hạn, khu vực doanh nghiệp nội địa loại vừa có thể là đối tượng khách hàng tiềm năng mà một số ngân hàng nước ngoài sẽ cạnh tranh để giành lấy. Về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ ngân hàng dành cho cá nhân, hiện đã có 2 ngân hàng hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở thị trường Việt Nam là ANZ và HSBC. Và như vậy đã bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài ở khu vực này.
Trong tương lai, theo tôi, Citibank chắc chắn sẽ triển khai hoạt động này ở Việt Nam. Ngoài ra, có thể có một số ngân hàng khác nữa. Khu vực này sẽ là khu vực cạnh tranh khốc liệt nhất trong trung hạn và dài hạn.
Việc tham gia thị trường của các định chế nước ngoài, một mặt làm tăng mức độ cạnh tranh, mặt khác tạo điều kiện và động lực để các ngân hàng nội địa phải học hỏi, tự đổi mới. Việc tham gia thị trường của các định chế nước ngoài cũng tạo ra một số cơ hội và khả năng để các ngân hàng nội địa hợp tác cùng phát triển. Công nghệ mới tạo cơ hội cho các ngân hàng non trẻ bắt kịp và vượt lên trên các ngân hàng lâu đời về mặt công nghệ.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là các ngân hàng Việt Nam hiện còn trẻ và còn non yếu. Về giải pháp, theo tôi, cần khẩn trương giải quyết các tồn tại, yếu kém của một thời ảnh hưởng của kinh tế bao cấp và giai đoạn đầu chuyển đổi. Xác định được chiến lược đúng đắn vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các định chế nước ngoài trên thị trường nội địa, theo tôi, là nhân tố quyết định thành công của mỗi ngân hàng".
Theo Thời báo Kinh tế VN