221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
654156
Trái cây Việt "thua trên sân nhà"
1
Article
null
Trái cây Việt 'thua trên sân nhà'
,
Cả một khối lượng trái cây khổng lồ ùn ùn kéo về các thành phố lớn. Để rồi... bị trái cây ngoại ép, giá rớt thê thảm! Thêm một lần nữa nhà vườn lại lao đao!

Miền Đông Nam Bộ và khu vực ĐBSCL với gần 400.000 ha cây ăn quả đang vào mùa thu hoạch rộ với sản lượng hàng trăm ngàn tấn. Ngồi trên xe đi về các tỉnh miền Tây, trái cây ê hề bày bán dọc 2 bên đường.

Trái cây nội thua trên sân nhà.

Thế nhưng về Tp.HCM, tìm đến các siêu thị trái cây ở 450 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) và siêu thị trái cây 141 An Dương Vương (Quận 5) một nghịch cảnh đập vào mắt khách hàng: trái cây ngoại nhập tràn ngập, được bày bán trên những kệ hàng đẹp và sang trọng, trong khi đó trái cây nội bị ép, lép vế ở một góc khiêm nhường (chiếm khoảng 30% thị phần).

Ngay tại Cần Thơ, thành phố trung tâm của ĐBSCL, vựa trái cây của cả nước, các tiểu thương cũng thừa nhận: trái cây ngoại có giá khá cao, như quýt đường ấn Độ giá hơn 18.000 đồng/kg, táo Mỹ 28.500 đồng/kg, chôm chôm Thái Lan gần 10.000 đồng/kg... Tuy vậy, vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tại các cửa hàng chuyên bán lẻ trái cây ở đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thị Minh Khai, Thủ Khoa Huân..., lượng trái cây ngoại cũng không hề ít. Một chủ hàng cho biết: 1 ngày anh bán ra khoảng 100-120 kg sầu riêng, trong đó hàng Thái Lan chiếm 80 - 90kg, giá 15.000 - 17.000 đồng/kg. Chị Hà Tân (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) vừa mua hàng, vừa nói: "Tôi thích mua sầu riêng cũng như xoài Thái Lan, vì chất lượng ngon, quả đồng đều, bảo quản được lâu...".

Theo TS Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam thì hiện nay phần lớn trái cây nhập khẩu vào Việt Nam là trái cây Trung Quốc, vì dễ nhập, dễ bán, giá cả phù hợp với túi tiền người tiêu dùng.

Đồng quan điểm với bà Võ Mai, bà Nguyễn Thanh Hà - PGĐ Công ty kinh doanh và quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (nơi cung cấp hơn 50% trái cây cho thị trường Tp.HCM hiện nay) cũng cho biết: trong khoảng 500 tấn trái cây nhập về chợ hàng ngày hiện nay, trái cây nhập khẩu chiếm đến 300 tấn và trong đó có đến 90% là hàng Trung Quốc. Lượng trái cây Trung Quốc về chợ Mai Xuân Thưởng (Quận 6) cũng chiếm đa số với trên 200 tấn/ngày.

Theo đánh giá của một cán bộ Ban Quản lý thị trường Tp.HCM, trái cây Trung Quốc vẫn đang áp đảo thị trường với thị phần từ 25-50% (tuỳ khu vực).Theo các chủ vựa trái cây ở chợ Cái Bè (Tiền Giang) thì năm nay nhà vườn ĐBSCL có 3 cái mất: mất mùa vì hạn hán, xâm mặn khoảng 30% sản lượng. Mất vì giá cả vật tư tăng quanh năm, đến mùa trái cây rớt giá thê thảm.

Cái mất thứ ba lớn nhất, là mất thị trường. Trước đây cứ mùa thu hoạch đến thương lái lùng sục vào tận vườn mua gom trái cây về đóng thùng xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ ngày Trung Quốc gia nhập WTO, việc xuất khẩu trái cây vào thị trường rộng lớn này ngày càng khó khăn, do chính sách ưu đãi biên mậu không còn, trái cây nhập khẩu phải đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hai Nhỏ là một doanh nghiệp tư nhân ở cù lao Bình Hoa Phước (Long Hồ, Vĩnh Long) có kho chứa hàng dưới chân cầu Mỹ Thuận, trước đây, bằng đường tiểu ngạch, mỗi năm xuất khẩu 200-300 tấn nhãn sang Trung Quốc, nhưng theo ông: "Năm nay oải lắm, xuất không được, tui nghỉ khoẻ".

Mất thị trường trong nước và xuất khẩu là nguyên nhân chính làm cho trái cây ĐBSCL ứ đọng, giá rớt. Nhiều nhà vườn trồng nhãn ở Long Hồ; trồng chôm chôm ở Chợ Lách (Bến Tre) cây đến mùa thu hoạch không hái vì giá quá rẻ, gọi chẳng ai mua. Năm 2001 Việt Nam xuất khẩu trái cây vào thị trường Trung Quốc đạt 140 triệu USD; năm 2004 chỉ còn 80 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2005 ước chỉ đạt 20 triệu USD.

Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định: trái cây Việt Nam đang đánh mất thị trường Trung Quốc cận kề và rộng lớn, nhường sân cho trái cây Thái Lan. Không những vậy, trái cây Trung Quốc đang "lội ngược dòng" áp đảo trái cây Việt Nam ngay trên sân nhà. Bị trái cây ngoại "ép", trái cây nội rớt giá thê thảm. So với tháng trước giá giảm từ 30-50% (tuỳ loại).

Theo ông Nguyễn Văn Thực, Phó chủ nhiệm HTX Hoà Lộc, hiện giá mua xoài cát Hoà Lộc chỉ từ 18-19.000 đồng/kg, trong khi cuối năm ngoái là 35.000 đồng/kg.Để không thua trên sân nhà và đủ sức vươn ra thị trường thế giới đã đến lúc nhà vườn Việt Nam phải biết hội nhập. Nhà nông không thể đứng một mình, sản xuất nhỏ, lẻ. Sau cải tạo vườn tạp phải là xây dựng vùng chuyên canh có sản phẩm hàng hoá lớn, chất lượng cao, giá thành hạ...

Hiệp hội "Liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây sông Tiền", gọi tắt là GAP sông Tiền, gồm 6 tỉnh, thành ở ĐBSCL và Tp.HCM vừa được thành lập cách đây chưa lâu, hy vọng sẽ là điểm khởi đầu đưa trái cây ĐBSCL từng bước thoát khỏi vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá.

(Theo Thời báo Kinh tế VN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,