Tình trạng cắt điện hàng loạt các tỉnh khu vực phía Bắc đã làm không ít doanh nghiệp lớn lâm vào cảnh khốn khó, làm nảy sinh khiếu kiện, mất uy tín doanh nghiệp.
Ngành thép, hóa chất: sản lượng giảm
DN dệt bị thiệt hại do cắt điện đột ngột. |
Mặc dù trong công điện mới đây, Thủ tướng yêu cầu việc cắt điện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) không được phép làm ảnh hưởng đến những ngành kinh tế lớn, thiết yếu nhưng hầu hết các ngành lớn như thép, than, hóa chất, xi măng… đang trực tiếp bị thiệt thòi do tình trạng cắt giảm điện gây ra.
Chiều qua, tại trụ sở của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nhiều cán bộ đã phải ngồi tán gẫu do bị cắt điện. Vào thời điểm này, đơn vị nào vi tính hóa, hiện đại hóa càng lớn thì càng thiệt do nguồn năng lượng bị cắt giảm. Không chỉ ảnh hưởng về hiệu suất làm việc, Tổng giám đốc Vinachem Đỗ Duy Phi cho biết, các đơn vị sản xuất phân bón, hóa chất cơ bản bị thiệt hại nặng nề hơn do lượng điện cung cấp cho nhà máy không đủ để sản xuất.
Chung tình cảnh ấy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường phàn nàn: 15 trong số 23 doanh nghiệp cán thép của Hiệp hội nằm ở phía Bắc nên dự kiến trong tháng 5, sản lượng thép sản xuất của nước ta sẽ giảm 77.000 tấn so với tháng 4, chủ yếu do thiếu điện.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thép đang tăng cao. Chính vì vậy, hiện nay Hiệp hội Thép đang nhận được nhiều lời phàn nàn của thành viên, đồng thời kiến nghị “làm gì đó” để ngành điện ưu tiên cấp nhiều điện hơn cho doanh nghiệp ngành thép. Thực tế là các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát đã ngừng luyện phôi, Gang thép Thái Nguyên đã giảm cả phôi và thép sản xuất do “nhu cầu 4, điện sản xuất cần 4 nhưng ngành điện chỉ cho 1”, ông Cường nói.
Ngành dệt may: nhiều khách hàng khiếu kiện
Giám đốc Công ty Dệt vải công nghiệp Hà Nội, ông Phạm Hòa Bình không giấu nỗi thất vọng: Cắt điện đã là quá lắm nhưng tệ nhất là ngành điện cắt điện tùy tiện, không theo lịch đã thông báo. Lúc 11 giờ hôm qua, công ty này lại một lần nữa bị đột ngột cắt điện. “Chỉ cần cắt điện tùy tiện trong nháy mắt như vậy, chúng tôi mất 400 USD do hàng trăm kg vải bị cháy”. Đây là lần thứ hai, Dệt vải công nghiệp Hà Nội bị cắt điện tùy tiện, kéo theo hàng loạt thiệt hại chi phí gián tiếp khác.
Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) có 29 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất ở phía Bắc. Đây là ngành có sản phẩm xuất khẩu lớn, sản xuất theo đơn đặt hàng nên việc cắt điện đã làm chậm tiến độ giao hàng tại rất nhiều hợp đồng. “Các thông báo lịch cắt điện không chính xác làm lộn tùng phèo hết cả lên. Khách hàng khiếu nại chúng tôi quá trời”, Phó Tổng giám đốc Vinatex Đới Thị Thu Thủy nói. Ngành dệt may không chỉ thiệt hại hàng tỷ đồng vì điện mà còn đang đứng trước nguy cơ mất uy tín do khiếu kiện của khách hàng.
Tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc, tình trạng cắt điện tùy tiện không phải hiếm. Phổ biến hơn là tình trạng cắt điện quá lâu so với lịch đã công bố. Những cơ quan báo chí như báo Tiền Phong, Văn phòng đại diện báo SGGP tại Hà Nội cũng trở thành “nạn nhân” của ngành điện. Đáng buồn là, theo một cán bộ thuộc Điện lực Hà Nội, lịch cắt điện chỉ là dự kiến nên có sai số?!
(Theo SGGP)