221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
640568
Dệt may Việt Nam có thể tăng xuất khẩu qua Bangladesh
1
Article
null
Dệt may Việt Nam có thể tăng xuất khẩu qua Bangladesh
,

(VietNamNet) - Đầu tư vào Bangladesh, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn nhân công rẻ, xuất được nhiều hàng hơn do ít rào cản...

Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội các nhà máy Dệt may Bangladesh đã ký kết Thoả thuận chung về hợp tác dệt may trong thời gian tới, qua đó mở đường cho các doanh nghiệp  ở hai nước bắt đầu triển khai làm ăn cùng nhau.

Mở nhà máy ở Bangladesh, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn nhân công rẻ, xuất được nhiều hàng hơn do ít rào cản...

"Thị trường ngày càng khó khăn hơn với các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may. Do đó, các nước xuất khẩu dệt may lớn phải biết hợp tác với nhau, ngồi lại với nhau để tìm ra thế mạnh từ trong hoàn cảnh tương đồng, để tạo thành sức mạnh chung", ông Lê Văn Đạo, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết.

Ông M.A.Awal - Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy dệt may Bangladesh và là người ký Thoả thuận cùng ông Lê Văn Đạo - phụ hoạ thêm: "Môi trường đầu tư nói chung và đầu tư về dệt may nói riêng của Bangladesh có thể nói là khá tốt. Môi trường ấy sẽ còn tốt hơn khi chính phủ điện tử, chính sách quản lý doanh nghiệp và các điều luật mới được hoàn thiện".

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và Bangladesh đều đóng vai trò lớn trong cơ cấu xuất khẩu nói riêng và GDP nói chung của mỗi nước. Nếu như Dệt may thường xuyên đứng thứ hai sau dầu thô trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua thì ở Bangladesh, dệt may luôn đứng đầu tỷ trọng xuất khẩu và hiện chiếm tới 5% GDP.

Nói về những thuận lợi khi hợp tác với doanh nghiệp dệt may Bangladesh, ông Đạo cho biết: "Nền kinh tế Bangladesh dựa nhiều vào dệt may. Ngoài yếu tố giá nhân công ở đây rẻ, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý rằng, Bangladesh được Liên hợp quốc xếp vào hàng các nước kém phát triển, do đó được nhiều ưu đãi về thuế và ít gặp rào cản thương mại khi xâm nhập thị trường các nước khác. Doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác để tận dụng những lợi thế này của phía bạn".

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Sayeeful Islam, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka cho biết: "Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể lập nhà máy ở ngoại ô Thủ đô Dhaka hoặc các thành phố cảng như Chittagon hay Mongla là thích hợp nhất, thuận tiện cho việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc cũng như xuất khẩu sản phẩm".

"Sau khi hoàn thành xây dựng và đi vào sản xuất, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế trong 10 năm," ông nói tiếp, "Doanh nghiệp được miễn thuế 100% khi nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Đặc biệt, tất cả nhân sự trong nhà máy không phải nộp thuế doanh nghiệp và tiền lãi được tự do chuyển về nước".

Dệt may là lĩnh vực sản xuất lớn nhất Bangladesh, cung cấp việc làm cho hơn 4 triệu nhân công, chiếm 40% giá trị công nghiệp toàn quốc và mang về 75% ngoại tệ cho nước này. Có thể nói, đây chính là cơ sở lý tưởng cho các nhà đầu tư dệt may đang muốn mở rộng năng lực sản xuất và thị trường xuất khẩu.

Chính vì vậy, ông S.M Fazlui Hoque, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh cho rằng: "Tôi thấy rằng, những gì các doanh nghiệp dệt may muốn có tại Việt Nam chính là những gì chúng tôi có thể đáp ứng. Các bạn có vốn và kinh nghiệm còn chúng tôi có nhân công rẻ, điều kiện thuế ưu đãi và đặc biệt là từ Bangladesh, các bạn sẽ xuất đi được nhiều sản phẩm dệt may hơn do ít bị hạn chế như Việt Nam hay Trung Quốc".

Các doanh nghiệp may Việt Nam rất chú ý tới điểm này, bởi vấn đề quota dệt may đang làm các nhà sản xuất trong ngành này đau đầu nhất. Và chừng nào Việt Nam còn chưa gia nhập WTO, các doanh nghiệp này sẽ vẫn còn phải tính đến các nước như Bangladesh, thành viên lâu năm của WTO, như một hướng giải quyết cho vấn đề hạn chế số lượng xuất khẩu.

Thậm chí, khi Việt Nam đã vào WTO, Bangladesh vẫn sẽ là điểm đến thích hợp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, bởi như đã đề cập, Bangladesh hiện vẫn bị liệt vào hàng chậm phát triển, do đó được hưởng nhiều ưu đãi khi tham gia vào trao đổi thương mại toàn cầu.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã thấy được các lợi ích đó, tuy vẫn còn một số e ngại. Ông Lê Điềm, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thương mại Thái Hải Hà nói: "Chưa thể nói là chúng tôi sẽ bỏ tiền đầu tư ngay vào Bangladesh được. Song tôi nghĩ, chúng tôi sẽ cùng nhau sang Bangladesh trong thời gian tới để xem xét cụ thể hơn và sẽ quyết định đầu tư, có thể ngay trong chuyến đi".

Đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh khi nói về phương án lâu dài của Dệt may Việt Nam, đã khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nên tham gia các liên kết chuỗi và xây dựng các quan hệ trong sản xuất, qua đó giúp tăng cường năng lực cạnh tranh. Việc hợp tác giữa các nhà sản xuất kinh doanh dệt may Việt Nam và Bangladesh hôm nay, có thể coi là bước phát triển mới của chiến lược tham gia liên kết chuỗi đó, ở quy mô rộng hơn và tầm phát triển cao hơn.

  • Nhật Vy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,