221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
641526
Vì sao cá ba sa giảm giá?
1
Article
null
Vì sao cá ba sa giảm giá?
,

Trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho rằng hiện tượng cá tra, cá ba sa rớt giá hiện nay là do một số doanh nghiệp chế biến thủy sản hạ giá xuất khẩu.

Giá cá basa đang giảm liên tục.

Theo bản kiến nghị, giá xuất khẩu cá tra, cá ba sa hiện nay đã giảm khoảng 10-15% so với mức giá vài tháng trước. Do giá xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp (DN) phải "đè" giá mua xuống, gây thiệt hại cho người nuôi cá. Ông Nguyễn Hữu Khánh - chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang - bức xúc cho rằng chỉ cần một vài DN giảm giá bán, các DN khác cũng buộc phải giảm giá theo và hậu quả là người nuôi cá bị thiệt hại.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng - tổng thư ký Vasep - lại cho rằng: "Đầu ra của con cá đang gặp khó khăn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá cá nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu đều giảm. Chất lượng con cá VN đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn không thể bắt kịp với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của một số thị trường cũng gây ảnh hưởng đến giá cả đầu ra...".

Ông Dũng cũng cho biết thêm ngoài VN, hiện nay một số nước như Thái Lan, Indonesia, Bangladesh... cũng bắt đầu nuôi cá tra, cá ba sa, do đó việc cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và giá cả sản phẩm sẽ rất quyết liệt. Trả lời thông tin về việc chào giá bán thấp hơn giá sàn tại hội chợ thủy sản tổ chức ở Bỉ mới đây, ông Dũng khẳng định chỉ có một DN chào giá bán 2,6 USD/kg, thấp hơn mức giá sàn đưa ra là 2,9 USD/kg.

Tuy nhiên, DN này giải thích rằng chào bán sản phẩm có chất lượng thấp trong khi giá sàn được áp dụng với sản phẩm có chất lượng cao. Ông Dũng thừa nhận một số xí nghiệp chế biến mới ra đời cũng sẵn sàng chào giá thấp hơn để giành khách hàng nhưng rất khó xử lý.

Ông Ngô Phước Hậu - tổng giám đốc Công ty Agifish - cho rằng con cá tra, cá ba sa hiện nay cũng chịu ảnh hưởng thuế chống bán phá giá và qui định đóng bond (bảo đảm thanh toán) khi xuất vào thị trường Mỹ như con tôm. Do đó, sản lượng cá tra, cá ba sa xuất khẩu vào thị trường này đã giảm mạnh, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu không chỉ vào thị trường Mỹ mà nhiều thị trường khác.

Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến giá cả con cá tra, cá ba sa, theo ông Hậu, là đến nay hoạt động nuôi cá và chế biến xuất khẩu vẫn chưa có một "nhạc trưởng" điều tiết hoạt động nuôi (chẳng hạn mở rộng diện tích, đảm bảo chất lượng...) đến hoạt động xuất khẩu (mặt bằng giá cả, chế tài...).

Theo nhiều DN, việc thành lập một ban điều hành chung cho khu vực ĐBSCL, với các chức năng điều phối hoạt động chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu... nhằm đảm bảo cho nghề nuôi cá tra, cá ba sa phát triển ổn định và bền vững là yêu cầu bức thiết hiện nay.

 "Nếu có sự điều hành chung, bàn bạc các biện pháp để đảm bảo sản lượng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm đáp ứng các đòi hỏi của nhà nhập khẩu..., giá cả con cá ba sa, cá tra sẽ không lên xuống bất thường, hoạt động nuôi cá và xuất khẩu mới có thể ổn định và bền vững được” - giám đốc một DN chế biến nói.

Ông Nguyễn Hữu Khánh  chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA): 

Đề nghị làm rõ doanh nghiệp nào bán phá giá!

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, AFA cũng đã nêu rõ những bức xúc của đông đảo bà con nuôi cá đối với hiện tượng bán phá giá của một số doanh nghiệp (DN) thành viên VASEP. Tôi cho rằng hành động đó không chỉ phá hoại sản xuất, gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của người nông dân. Trên cơ sở đó chúng tôi đề nghị phải tổ chức kiểm tra và làm rõ DN nào đã cố tình bán phá giá, làm rõ ai đã bao che và dung túng cho các DN này đi ngược lại quyền lợi của không chỉ người nông dân mà cả những DN khác trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Trong thực tế hiện tượng bán phá giá không chỉ diễn ra lần đầu mà lặp đi lặp lại nhiều lần từ nhiều năm nay nhưng đã không được xử lý đến nơi đến chốn, không có biện pháp chế tài thích hợp.

Theo tôi, về lâu dài Nhà nước cần có qui hoạch định hướng không chỉ đối với con cá mà cả với con tôm, trong đó xác định rõ cái nào cần khuyến khích và cái nào cần hạn chế. Khi đã có qui hoạch, chúng ta sẽ bàn đến những biện pháp đảm bảo cho sự phát triển nghề nuôi phù hợp với năng lực chế biến, nhu cầu thị trường và cả những yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngay từ cuối năm 2004, ngành thủy sản cũng đã bàn đến việc thành lập một ban điều hành lâm thời, bước đầu thực hiện vai trò phối hợp tổ chức nuôi, chế biến và khai thác thị trường như thế nào cho phù hợp... Tuy nhiên đến nay đề án này vẫn còn nằm trên giấy, chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ Bộ Thủy sản.

 (Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,