(VietNamNet) - Các doanh nghiệp Bangladesh thuyết phục doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư trực tiếp tại Bangladesh, thay vì xuất nhập khẩu theo từng hợp đồng nhỏ lẻ.
Sáng nay (18/5), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi toạ đàm, nhằm tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam - Bangladesh, trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức của Thủ tướng Khaleda Zia sang Việt Nam từ ngày 17-19/05/2005.
Tháp tùng Thủ tướng Bangladesh có 19 doanh nghiệp hàng đầu hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: ngân hàng, dược phẩm, dệt may, da giầy, gốm sứ, phần mềm máy tính, nông sản thực phẩm, gạo… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh, có khả năng hợp tác cao và luôn quan tâm tới các hướng phát triển thị trường mới, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường Mỹ và EU đang có nhiều cản trở.
Thực trạng thương mại hai nước
Là hai nước có tiềm năng, song quan hệ kinh tế trong thời gian qua, theo ông Phạm Gia Túc - Tổng thư ký VCCI - là "chưa tương xứng".
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước năm 2004 mới chỉ đạt 38,967 triệu USD (chiếm gần 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh). Xuất khẩu của Việt Nam sang Bangladesh đạt 17,811 triệu USD, nhập khẩu đạt 21,156 triệu USD.
Các mặt hàng mà Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang Bangladesh là vải (8,8 triệu USD), đồ nhựa (1,2 triệu USD), sợi (1 triệu USD) và một số mặt hàng khác như dây và cáp điện, sứ vệ sinh và vật liệu xây dựng...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập từ Bangladesh nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da (13,5 triệu USD), phân bón (2,8 triệu USD), gỗ và nguyên phụ liệu gỗ (1,2 triệu USD)...
Như vậy, có thể thấy, lượng trao đổi thương mại giữa hai nước còn quá thấp so với tiềm năng, bởi như lời ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á và Nam Á thuộc Bộ Thương mại - phát biểu tại diễn đàn, "Việt Nam có khả năng xuất khẩu nhiều mặt hàng mà Bangladesh có nhu cầu và nhập khẩu nhiều mặt hàng Bangladesh có khả năng cung cấp".
Doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư dễ dàng tại Bangladesh
Điểm nhấn của buổi toạ đàm là việc các doanh nghiệp nước này thuyết phục doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư trực tiếp tại Bangladesh, thay vì xuất nhập khẩu theo từng hợp đồng nhỏ lẻ.
"Từ Chile cho tới Trung Quốc, chúng ta đều thấy rằng, ai thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài nhất chính là những người phát triển nhanh nhất", ông M.A.Awal - Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy dệt may Bangladesh - cho biết, "Việt Nam có kinh nghiệm hơn trong việc này và bây giờ chúng tôi mời các bạn đầu tư trực tiếp vào Bangladesh".
Ông cho biết, Bangladesh hiện có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trực tiếp như miễn thuế trong thời hạn tới 10 năm sau khi thành lập, chính sách đầu tư thông thoáng và hoàn thiện bậc nhất trong khu vực Nam Á. Đặc biệt, Chính phủ nước này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tự đứng tên làm thủ tục thuê đất dựng nhà máy. Do đó, họ có thể tự quyết định đầu tư dưới mọi hình thức, có thể liên kết với phía Bangladesh hoặc tự liên hệ và sản xuất kinh doanh độc lập.
"Nhiều ưu đãi về thuế, nhân công rẻ và có kỷ luật, các doanh nghiệp luôn thân thiện và mong muốn hợp tác. Đó là những gì mà doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi ngay lập tức khi sang đầu tư tại đất nước chúng tôi", ông Sayeeful Islam vui vẻ nói.
Tại diễn đàn, doanh nghiệp hai bên đã trực tiếp hỏi đáp về chính sách và một số biện pháp hiện thực hoá các triển vọng nêu trên.
Một doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Hà Nội đang muốn xuất khẩu sang Bangladesh phàn nàn: "Chúng tôi có đủ năng lực và muốn xuất khẩu gốm sứ và đồ vệ sinh sang Bangladesh, song gặp nhiều trở ngại về thủ tục. Thủ tục kiểm định hàng hoá rất phức tạp, thời gian kéo dài quá lâu. Nhiều khi ký hợp đồng xong, chúng tôi phải làm thủ tục cả tháng trời mới đủ để bên mua ở Bangladesh mở L/C".
Đại diện của Hiệp hội đay Việt Nam cũng đồng quan điểm. Họ cho rằng thủ tục là khâu khiến các doanh nghiệp Việt Nam e ngại nhất khi làm ăn với phía Bangladesh. Theo đó, các nhà sản xuất đay Việt Nam phải nhập mỗi năm từ 10.000 - 15.000 tấn đay nguyên liệu, chủ yếu từ Bangladesh. Song họ vẫn phải nhập từ các trung gian nước ngoài, thường là Ấn Độ, thay vì trao đổi trực tiếp với đối tác xuất khẩu Bangladesh.
Trả lời các thắc mắc trên, ông Sayeeful Islam Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka cho rằng "còn nhiều việc phải làm, bởi đây vẫn mới là bước khởi đầu". Ông hứa sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam liên lạc trực tiếp với đối tác Bangladesh và ngược lại, mà hình thức được ông đề nghị là tổ chức các đoàn thăm, làm việc song song với các hoạt động hội chợ, triển lãm của hai bên.
-
Nhật Vy