221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
639468
Người nuôi cá ba sa khổ trăm bề!
1
Article
null
Người nuôi cá ba sa khổ trăm bề!
,

Mãi tới nay ông Phan Xuân Tánh - ấp Khánh Bình, Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang - vẫn chưa bán được cá. Ông rầu rĩ: “Nhiều con đã 1,8 kg, chật ních muốn... vỡ cả ao!”.

Ông bắt đầu kêu bán cá cách đây gần hai tháng, lúc giá đang ở mức 10.500 đồng/kg. Thế rồi giá liên tục giảm, ông đăng ký bán cá hết công ty này tới công ty nọ, đợi thương lái này tới thương lái khác mà vẫn chẳng bán được. Ông thở dài: “Họ cũng đến xem cá, bảo chất lượng đạt nhưng cứ hẹn lần hẹn lữa..., đến nay giá chỉ còn 9.000 đồng/kg!”.

Thu mua cá tại Hòa An, Hòa Lạc, Phú Tân (An Giang).

Những ngày này chúng tôi đến các làng bè, vùng nuôi ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, nơi nào cũng nghe nông dân kêu than điệp khúc buồn “không bán cá được” và giá cá liên tục tụt giảm. Chị Lê Thị Tiền - Phú Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp - chỉ hai ao nuôi sau nhà, buồn bã: “Bán mãi không được mình cũng vẫn phải tiếp tục nuôi, vẫn phải chạy ăn từng ngày cho nó”.

Còn tại làng bè Vĩnh Nguơn, anh Phạm Thanh Điền - ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nghề nuôi & chế biến thủy sản An Giang - nuôi ba bè cá tại đây, trong đó có một bè sản lượng 35 tấn kêu tới bốn công ty mà nay vẫn chưa ra được cá. Anh lắc đầu: “Chuyện bán cá đang vô vàn khó khăn”.

Nhiều hộ nuôi than thở rằng thường khi đăng ký bán cá, với cá nuôi ao thì phía công ty bảo đang “ăn” cá bè, với nuôi bè thì lại bảo đang tập trung mua cá ao, rồi nay bảo ăn cá kích cỡ này, mai mua kích cỡ khác... Cứ thế, mãi hẹn lần hẹn lữa. Không thể chờ đợi mãi, nhiều hộ túng quá đành kêu bán cá cho cánh thương lái chạy hàng chợ. Anh Điền than: “ Bán đổ bán tháo kiểu này mỗi ngày chỉ được chừng 5 tấn, tỉ lệ thất thoát khá cao, xưa nay ít ai dám nhưng... đành phải chịu thôi”.

Phần đông người nuôi cá tra - ba sa ở ĐBSCL đều thiếu vốn cho một chu kỳ nuôi, họ phải vay vốn ngân hàng và vay thêm bên ngoài. Chưa bán được cá, họ vẫn phải nuôi, phải chạy vạy lo thức ăn, thuốc men phòng trị bệnh... từng ngày cho cá, và họ lại phải chạy vay thêm. Nỗi lo nợ nần cứ tăng dần. Ông Tánh vừa phải vay thêm 15 triệu đồng, nhưng điều âu lo nhất của ông là món nợ 50 triệu đồng vay ngân hàng. Ông bảo ngân hàng đã gia hạn hai lần nên không thể cho gia hạn thêm, nếu như không trả kịp sẽ bị phạt mức lãi suất 1,75%/tháng. Nợ ngân hàng, nợ vay bên ngoài, rồi nợ tiền mua thức ăn, xăng dầu, thuốc men vây tứ phía! Trong khi đó thì giá cá cứ theo đà tụt giảm...

Giá mua cá nguyên liệu tận nơi 9.000 đồng/kg với loại T2, 10.500- 11.000 đồng cho loại cá T1. Cán bộ ngành nông nghiệp, Hội Nghề cá và nông dân đều khẳng định với mức giá đó người nuôi cá lỗ từ 1.000 đồng/kg. Sáng 16-5, sau hai tháng chờ đợi hộ Lương Thị Hiền mới bán được 75 tấn cá, chị bảo: “Ấy là nhờ được một thương lái quen thân giới thiệu cho, với lại cá trắng đẹp có trọng lượng tới 1,7 kg/con”.

Sau niềm vui bán được cá là nỗi buồn, tính sơ bộ chị lỗ ít nhất 50 triệu đồng. Vùng Thốt Nốt (Cần Thơ) vốn nuôi được loại cá trắng có tỉ lệ loại T1 khá cao nên dù bán được giá 11.000 đồng/kg nhưng nhiều cán bộ thủy sản tại đây cho biết muốn nuôi đạt như vậy thì chi phí thức ăn, xăng dầu bơm nước đều phải cao hơn, giá thành cũng gần 12.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Thanh Tấn ở xã Thới Thuận vừa bán một ao hơn 100 tấn, lỗ đứt 75 triệu đồng!

Thế nhưng bán cá xong lại chịu cảnh dài cổ chờ hàng tháng trời, thậm chí khoảng ba tháng mới nhận đủ tiền. Chị Nguyễn Thị Lành - chi hội trưởng Hội Nghề cá Vĩnh Nguơn (Châu Đốc) - bán 100 tấn cá bè cho Công ty TA với bản hợp đồng thanh toán trong vòng hai tuần, thế rồi sau đó chỉ được trả từng lần vài chục, thậm chí vài lần chỉ 5-7 triệu đồng và kéo dài hàng tháng. Anh Phạm Thành Quang (Hòa An, Hòa Lạc, Phú Tân) bảo: “Ba tháng chỉ trả lắt nhắt từng lần vài chục triệu đồng”. Người nuôi cá ở ĐBSCL quả là trong cơn khổ, khó khăn tứ phía!

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,