221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
622060
"Sóng thần" dệt may Trung Quốc
1
Article
null
'Sóng thần' dệt may Trung Quốc
,

Ngay từ cuối năm 2004, nhà kinh tế Denis Aubert của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã dự báo rằng sau khi hủy bỏ hạn ngạch dệt may, Trung Quốc sẽ tăng thêm thị phần ở khắp nơi trên thế giới.

 

Ảnh minh họa.

Theo nhà kinh tế Denis Aubert, Trung Quốc có mọi điều kiện thuận lợi để tăng thị phần dệt may sau khi hạn ngạch được hủy bỏ: nguyên liệu dồi dào, nhân công lành nghề, thiết bị được thay đều đặn nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hạ tầng cơ sở khá tốt và chi phí lao động vào hạng thấp nhất thế giới. Tại Trung Quốc, lương công nhân dệt may thấp hơn Nhật 57 lần và thấp hơn Thái Lan ba lần.

 

Còn theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2004 -2008, thị  phần hàng dệt may Trung Quốc sẽ tăng từ 18% lên 29% ở Liên hiệp châu Âu (EU), và từ 16% lên 50% ở Mỹ.

 

Nhưng những gì đã xảy ra trong ba tháng đầu năm còn tệ hơn nhiều so với các dự báo trên cho các nước phương Tây.

 

Đang tăng ở mức cao

 

Ở châu Âu, hàng dệt may nhập từ Trung Quốc đã tăng 67% trong hai tháng đầu năm; riêng ở Ý và Tây Ban Nha, tăng 400% và 500%. Nhiều mặt hàng tăng rất cao: quần Tây tăng 800%, áo thun tăng 600%, tất ngắn, nịt ngực tăng 300%. Hậu quả là một nửa số công nhân làm việc trong ngành dệt may và công nghiệp phụ trợ tại EU (2,5 triệu người) có thể sẽ thất nghiệp trong những năm tới. Riêng Ý, hai năm vừa qua, đã mất 50.000 việc làm. Và tại Pháp, kể từ đầu năm nay, mỗi tháng có 2.000 công nhân dệt may mất việc.

 

Theo ông Peter Mandelson, Ủy viên Thương mại Ủy ban châu Âu (EC), chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ chiếm  một nửa thị trường dệt may của châu Âu.

 

Đối với Mỹ, chỉ trong hai tháng đầu năm, hàng dệt may từ Trung Quốc xuất khẩu sang đã tăng 87%. Hai tháng đầu năm 2005, Trung Quốc đã xuất sang Mỹ 27 triệu quần bò (jeans) thay vì 1,9 triệu (trong trường hợp còn giữ chế độ hạn ngạch). Trong quí 1, Mỹ đã mất 17.200 việc làm trong ngành dệt may (riêng tháng 3 là 37.600), và chỉ còn sử dụng 665.000 người; 17 nhà máy tại năm tiểu bang cũng đã phải đóng cửa.

 

Theo số liệu của Trung Quốc, hàng dệt may nước này xuất khẩu sang Mỹ trong ba tháng đầu năm đã tăng 258%.  

 

Mỹ, châu Âu báo động

 

Trước tình hình đó, đầu tháng 4, Ủy ban Thi hành các hiệp định dệt may, một tổ chức liên chính phủ do Bộ Thương mại Mỹ làm chủ tịch, đã đề nghị lên WTO một thủ tục bảo hộ nhằm hạn chế việc nhập khẩu áo sơ mi, quần Tây và một số loại quần áo lót bằng bông. Cũng vào đầu tháng 4, EC đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật cho phép hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm dệt may từ Trung Quốc.

 

Như vậy, giống như ở Mỹ, ở châu Âu người ta đã đưa ra khả năng sử dụng các phương tiện trong khuôn khổ điều khoản bảo hộ. Điều khoản này cho phép giới hạn, với sự đồng ý của WTO, ở mức 7,5% cho mỗi loại hàng nhập khẩu trong một năm, từ nay cho đến năm 2008 nếu thấy “việc tăng thêm hàng nhập khẩu từ một nước gây thiệt hại nghiêm trọng” cho loại hàng đó do trong nước sản xuất.

 

Trước đây, Mỹ đã dùng điều khoản này ba lần để áp dụng lại hạn ngạch đối với việc nhập khẩu áo ngủ, nịt ngực và các loại vải đan.

 

Ngoài ra, để bảo vệ ngành dệt may, các nước phương Tây còn có thể dùng hàng rào thuế quan để bảo vệ thị trường. Biểu thuế hải quan cho khu vực dệt may cao hơn biểu thuế dành cho các khu vực công nghiệp khác ở phương Tây: 12% so với 4%.

 

Thật ra, việc sử dụng các biện pháp trả đũa cũng không dễ dàng gì, vì châu Âu và Mỹ không thể vừa đòi Trung Quốc mở cửa thị trường, vừa đóng cửa thị trường của mình đối với Trung Quốc. Tuần qua, Trung Quốc đã lên tiếng tố cáo chính sách bảo vệ hàng nội địa của châu Âu và Mỹ, nói rằng chính sách này đi ngược lại với những nguyên tắc cơ bản về thương mại tự do của WTO.

 

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,