(VietNamNet) - Giày dép Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế theo các quy định của Hệ thống ưu đãi phổ cập của EU (GSP) khi xuất khẩu vào thị trường này. Thông tin này đã được đại diện Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sau cuộc họp của Tổ công tác về Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EC cuối tuần qua tại Hà Nội.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để tăng cường xuất khẩu giày dép vào EU. Bởi vì, Hệ thống ưu đãi phổ cập của EU (GSP) thường được áp dụng để hỗ trợ các nước gặp khó khăn trong một lĩnh vực nào đó khi xuất khẩu vào EU. Trong quá trình xem xét để tái áp dụng GSP lần này, các mặt hàng nông thuỷ sản của các nước ASEAN, các nước bị ảnh ưởng sóng thần đã được xem xét áp dụng. Riêng trường hợp Việt Nam đã gây ra nhiều tranh cãi bởi vì xuất khẩu giày dép Việt Nam vào EU hiện nay đang được xem là hoạt động khá tốt.
Tuy nhiên, sau khi xem xét giày dép Việt Nam cũng được chấp nhận và đảm bảo được hưởng quy chế GSP khi xuất khẩu sang EU trong thời gian tới. Thời gian áp dụng quy chế này trước đây được EC dự định bắt đầu từ 1/4/2005 nhằm hỗ trợ các nước bị sóng thần nhưng do công tác chuẩn bị không kịp nên việc áp dụng có thể sẽ được bắt đầu từ 1/7 tới.
Về việc công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam, sau khi tiếp nhận đề nghị từ phía Việt Nam, EC đã yêu cầu Việt Nam cung cấp thêm thông tin để chứng minh. Trong thời gian tới, EC có thể sẽ cử một đoàn chuyên gia sang giúp đỡ Việt Nam trong việc hoàn thành các bản trả lời nhằm cung cấp thông tin để có cơ sở công nhận và trao quy chế nền kinh tế thị trường theo đề nghị từ phía Việt Nam.
EU là một đối tác thương mại quan trọng, chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay, hai bên đã ký kết Hiệp định Tiếp cận thị trường vào tháng 12/2004. Theo đó, EU đã chấm dứt việc áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam, ngược lại, Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc thực hiện những cam kết của mình về tiếp cận thị trường trong một số khu vực. Hiện nay, hai bên đang chuẩn bị cho kế hoạch tổng thể về quan hệ song phương Việt Nam – EU.
-
Nguyên Phong