(VietNamNet) - Khác với hình ảnh người nông dân tay lấm chân bùn, cam chịu lao động và sản xuất theo lối mòn có sẵn, họ là những nông dân biết cách "đột phá" để thành công, biết tư duy khác người để hội nhập với thương trường.
"Họ làm được, mình phải làm được!"
Ông Ba Thọ (Nguyễn Văn Thọ), một nông dân sống bằng nghề nuôi cá bè (cá tra, basa) nối tiếp nghề truyền thống của gia đình tại Châu Đốc, An Giang như bao gia đình khác tại tỉnh này. Trước đây, nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên để có nguồn cung con giống cá basa, nguồn cung không ổn định rất ảnh hưởng đến công việc của nhà nông. Ông Thọ suy nghĩ: "Để nông dân chủ động được con giống thì chỉ có cách là cho cá basa sinh sản nhân tạo!".
Từ năm1990 ông Thọ bắt đầu tích trữ cá bố mẹ (số vốn đầu tư khoảng 500-600 triệu đồng), vừa tự mày mò vừa phối hợp với các cơ quan khoa học, trung tâm cá giống An Giang… tìm cách cho cá basa sinh sản nhưng kết quả vẫn không biến chuyển gì.
Ông Thọ nghe nói ở Đài Loan người ta nuôi cá chuyên nghiệp lắm thế là khăn gói lên đường. Năm 1995 ông Thọ đã tìm qua nhiều trại cá, viện nghiên cứu thủy sản Đài Loan để "mục sở thị", sau chuyến đi, mục tiêu cho cá basa sinh sản nhân tạo trong ông càng mạnh mẽ hơn. "Tôi thấy Đài Loan có nhiều loại cá sinh sản nhân tạo được, không có lý gì cá basa chúng ta lại không làm được" - ông Thọ nói.
Tuy nhiên, sau 3 năm tiếp tục thử nghiệm cá basa ở trại cá Ba Thọ vẫn không "ra" được con nào! Ông Thọ nghe nói tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, công tác tại trường Đại học Nông Lâm, cùng các kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản cũng đang có nghiên cứu về vấn đề này thế là ông tìm đến. Một bên là các nhà nghiên cứu khoa học, có kiến thức khoa học nhưng không đủ vốn để xúc tiến công trình, một bên là nông dân có vốn, có kinh nghiệm thực tế, thừa quyết tâm và lòng đam mê.
Dưới sự hợp tác của các nhà khoa học ông Thọ quyết định làm tới nơi tới chốn khi bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư cho công tác nghiên cứu như đầu tư cá bố mẹ, làm phòng thí nghiệm (mua máy đánh dấu, kính hiển vi, bồn, bể lắng, hóa chất và những vật dụng cần thiết khác). Đội ngũ các nhà khoa học được ông nuôi ăn và trả lương gấp 5 lần Nhà nước (lương nhà nước lúc ấy khoảng 700-800 ngàn đồng/tháng ông Thọ trả 3.500đồng/tháng).
Đến tháng 8/1998 lần đầu tiên làng bè cá basa VN bước sang một tương lai mới: gần 900.000 cá basa con ra đời bằng phương pháp sinh sản nhân tạo - chuyện khan hiếm con giống basa chấm dứt.
Mới đây, một nông dân nuôi cá sấu tại TP.HCM cũng đã quyết chí chi gần 12 tỷ đồng để “làm đẹp” cho làn da cá sấu VN. Trong đó, khoảng 10 tỷ cho trang thiết bị và 1,6 tỷ đồng để học bí quyết thuộc da từ một chuyên gia người Ý. Việc “chơi bạo” này cũng xuất phát từ việc ông Trần Văn Nga, chủ trang trại cá sấu Tồn Phát (Củ Chi, TP.HCM) này đã từng sang Ý chào bán da cá sấu VN nhưng không thành vì da cá sấu của mình quá xấu! Từ đó ông luôn mong muốn học được công nghệ thuộc da của người Ý để làm cuộc "cách mạng", thay đổi “làn da” cho cá sấu VN.
Nông dân làm thương hiệu
Trang trại nho Ba Mọi tuy ở tận tỉnh Ninh Thuận xa xôi nhưng đến nay đã trở thành thương hiệu nho sạch được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Trước đây, người tiêu dùng rất ngại ăn nho vì người trồng nho sử dụng thuốc trừ sâu quá mức cho phép nên đầu ra trong nước của nho còn hẹp huống gì nói chuyện xuất đi nước ngoài. Đã vậy người trồng nho còn phải chịu thêm một rủi ro cao nữa là thiên tai lũ lụt, năm nào lũ đổ về Ninh Thuận nhiều, ngập dàn nho là nông dân mất trắng.
Sau nhiều lần đánh vật với vườn nho, ông Ba Mọi chợt nhận ra: “Phải tìm cách canh tác không có thuốc trừ sâu, chỉ có nho an toàn mới mở rộng được thị trường”. Và ông bắt đầu nghiên cứu phương thức sản xuất sạch bằng cách vào thư viện tỉnh tìm sách đọc, đồng thời lúc ấy Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp thuộc Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam đang có dự án khảo nghiệm áp dụng phân bón hữu cơ trên cây nho, kèm theo là sử dụng những chế phẩm sinh học.
Ba Mọi không bỏ lỡ cơ hội, ông bỏ ra một sào nho đỏ để khảo nghiệm một năm, vị chi là 3 vụ. “Hồi đó ít ai dám bỏ vốn, bỏ vườn ra làm thí nghiệm vì không chắc ăn. Vả lại nông dân mình quen được vụ nào ăn vụ đó. Tôi chia vườn mình làm 3 lô, mô hình thí nghiệm là bốn công thức ba lần lặp lại để chọn phương pháp tối ưu. Sau một năm khổ sở tôi đã tìm ra con đường vực lại thương hiệu cho trái nho Ninh Thuận” - ông Ba Mọi kể lại.
Chưa hết, Ba Mọi còn đi đăng kí thương hiệu Nho Ba Mọi, ông giải thích: “Nói tới nho Phan Rang, người ta “ớn” vì nho bị bơm thuốc nhiều quá. Buộc lòng mình phải nghĩ đến một cái tên khác, gắn trách nhiệm của mình đối với sản phẩm. Trước hết, tôi tự tin ký thác trách nhiệm mình vào sản phẩm mình làm ra. Tôi không hiểu thương hiệu sâu sắc đâu, chỉ nghĩ thế này: có cái tên để gọi, để biết đây là trái nho của tôi, mấy ông ăn có bị làm sao tôi chịu trách nhiệm!”.
Với mục đích đưa sản phẩm đặc trưng của quê hương ra thị trường, Nguyễn Lưu Trà Giang, một cô gái Vĩnh Long mới 22 tuổi đã quyết tâm xây dựng thương hiệu cho giống bưởi 5 roi quê mình. Trà Giang đã lập một trang web giới thiệu bưởi 5 roi đồng thời đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất của nông dân. Cô cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân với giá theo thời giá thị trường bằng nhiều hình thức: mua theo mớ, chục, cây, thậm chí là bao luôn cả vườn. Trà Giang cho biết: trái nào đạt tiêu chuẩn thì để dành xuất khẩu, vào siêu thị... còn trái nào nhỏ thì tách múi để ép nước bưởi tươi, đóng lon dành cho tiêu thụ trong nước. Ðể thực hiện ý tưởng đó cô đầu tư nhà máy với 2 dây chuyền: một hệ thống ép nước bưởi tươi đóng lon; một dây chuyền rửa bưởi và phân loại bưởi… tính ra là 6 tỷ đồng.
Không những xây thương hiệu, nông dân cũng là người bảo vệ thương hiệu của mình như bà Hai Tỏ (Phạm Thị Tỏ), chủ một doanh nghiệp kẹo dừa ở Bến Tre. Thương hiệu kẹo dừa Bến Tre ra đời cách đây hơn 30 năm nổi tiếng trong và ngoài nước. Năm 1998, tình cờ bà Tỏ phát hiện một cơ sở ở Hải Nam Trung Quốc làm giả thương hiệu kẹo dừa của mình. Bà Tỏ một mình lặn lội sang Trung Quốc thăm dò cách thức làm giả của cơ sở ở Hải Nam và tiến hành thủ tục kiện cơ sở ấy. Quá trình kiện tụng diễn ra 8 tháng, từ tháng 8/1998 đến 5/1999. Kết cuộc, chính quyền đảo Hải Nam phải chính thức công nhận bà Phạm Thị Tỏ thắng kiện. Sau đó, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre cũng được đăng ký độc quyền tại Hải Nam.
“Chơi bạo” được gì?
Những nông dân “dám nghĩ dám làm trên” quả thật đã chơi rất bạo, họ sẵn sàng "đánh cược" cả một gia tài lớn chắt chiu cả đời để thực hiện ước nguyện của mình. Nhưng phải công nhận cách “chơi bạo” của họ hoàn toàn không liều lĩnh hay mạo hiểm tí nào.
Như với ông Ba Thọ, sau khi cá basa sinh sản nhân tạo thành công, sự nghiệp của ông đã trở lên rạng rỡ, ông không những trở thành “ông trùm” cung cấp con giống basa tại An Giang mà còn là nhân vật được giới báo, đài trong và ngoài nước chú ý. Ông Thọ nhận định “cái giá hơn 1 tỷ đồng mà mình đầu tư cho phòng thí nghiệm chẳng thấm gì so với kết quả mình gặt được”.
Một điều quan trọng theo ông Thọ là nhờ các chuyến đi nước ngoài, ông được “rửa mắt” và ngộ ra nhiều vấn đề, ông tự thấy mình cần phải học hỏi cách làm của các nước đi trước nhiều hơn nữa. Từ đó, ông đi nước ngoài thường xuyên hơn, hôm tôi gặp ông là ông mới vừa ở hội chợ cá Boston (Mỹ) về, hiện ông lại đang ở Malaysia. Ông luôn khẳng định với tôi là ông không hề ham chơi, không phải ông đi du lịch nước ngoài mà là “đi học”.
“Cứ nghe ở đâu có phương thức nuôi cá hay là tui đi học lỏm, tui đi nhiều nước nhưng ngoài tiếng Việt ra tôi không biết nói thứ tiếng gì cả, phải nhờ người thông dịch. Đời tui đã lỡ vậy còn con cái tui phải khác, tui thường nói với con tui là ba chỉ cho tụi con tri thức, phải là người có kiến thức để làm tốt công việc”. Hiện nay 4 con ông điều đã trưởng thành, đã đi du học cả. Con gái lớn sau khi du học Mỹ đã quay về quản lý công ty cá cho cha, những người con còn lại một người theo nghề nuôi cá (kỹ sư thủy sản), một người theo ngành quản trị kinh doanh và một học ngành báo chí.
Với ông Ba Mọi, đầu ra của Nho Ninh Thuận bây giờ đã dễ dàng hơn. Nho Ba Mọi không chỉ có mặt ở siêu thị tại các thành phố lớn trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Bây giờ ông huy động nhiều nông dân khác trong vùng cùng làm nho sạch, ông mua luôn nho của họ vì lượng nho của ông không đủ đáp ứng thị trường. “Tôi liên kết nhiều trang trại nho lại để tạo sức mạnh cung ứng cho thị trường lớn và xuất khẩu. Sắp tới tôi sẽ làm nhà máy sản xuất rượu vang Phan Rang” - ông Ba Mọi cho hay .
Hoặc như bưởi 5 roi Vĩnh Long, sau khi cô Trà Giang bắt tay vào làm trang web, quảng bá bưởi 5 roi thì năm 2003 khoảng 10 nghìn trái bưởi đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đến nay sản lượng xuất khẩu bưởi của Công ty Hoàng Gia (do Trà Giang làm chủ) đã tăng lên tới 2.000 tấn/năm và công ty này bao tiêu được 240 ha (chiếm 80%) diện tích trồng bưởi của huyện Bình Minh.
“Không làm sẽ trăn trở suốt đời, phải làm hết mình một lần xem sao” là câu nói ông Ba Thọ giải thích cho việc “đột phá” trong sản xuất, kinh doanh của mình khi quyết định đầu tư cho việc sản xuất cá giống nhân tạo. Đó có lẽ cũng là suy nghĩ chung của những nông dân không chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trong thời buổi hội nhập.
- Nguyễn Sa
Tin liên quan: Một nông dân chi 1,6 tỷ đồng học thuộc da cá sấu .