(VietNamNet) - Có tới 2/3 người Mỹ ủng hộ quan hệ thương mại với Việt Nam và cũng 2/3 người Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Ngoại trừ nước Anh, chưa một nước nào nhận được sự ưu ái đặc biệt như vậy''. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại với Mỹ, ''việc tạo ra những phần thưởng lớn hơn thì cũng có yêu cầu khắt khe hơn đôi chút''.
Bà Charlene Barshefsky, nguyên đại diện Thương mại của Mỹ. |
Bà Charlene Barshefsky, nguyên đại diện Thương mại của Mỹ ở Việt Nam đã cho biết như vậy trong buổi làm việc với Cộng đồng DN Việt Nam sáng 18/1 tại Hà Nội.
Bà Barshefsky còn cho biết thêm, mặc dù còn tranh luận nhưng Việt Nam sẽ nhận được quan hệ thương mại thông thường vĩnh viễn với Mỹ (Trung Quốc đã nhận được).Khi ký BTA, Tổng thống Clinton cho rằng Việt Nam có thể kiếm thêm 1,5 tỷ USD một năm từ Hiệp định. Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng lên 4,2 tỷ USD trong vòng 4 năm. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vượt Nhật Bản năm 2002 và bằng kim ngạch xuất khẩu vào 25 nước EU cộng lại. Trong 4 năm đó, Việt Nam đã xuất khẩu vượt những nước đối tác thương mại nhiều năm của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ba Lan, Argentina và hiện đang tiến gần mức các nước phát triển lớn như Australia, Tây Ban Nha.
Người Mỹ hàng năm mua 50 triệu đôi giày do Việt Nam sản xuất. Việt Nam hiện là nước cung ứng giày lớn thứ 4 vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Italia và Brazil. Năm 2000, các công ty đồ gia dụng của Việt Nam mới bán 20.000 chiếc ghế vào Mỹ thì năm 2004 là 2,6 triệu chiếc. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và đưa Việt Nam vào vị trí là đối thủ cung ứng đồ gia dụng với Thái Lan, Indonesia trong vòng 1 hoặc 2 năm tới.
Những người đi chợ tại Mỹ hiện nay có thể tìm thấy hàng nông sản VN trong các cửa hàng. Có 150.000 tấn cà phê VN được cung cấp cho các cửa hàng tạp hoá và tiệm cà phê. VN đứng hàng thứ ba sau Mehico và Ấn Độ về cung cấp hạt tiêu, ớt cho Mỹ với 16.000 tấn/năm. Hoa quả của VN bán chạy hơn nhiều so với hoa quả Trung Quốc và hiện đang bám đuổi Brazil. Bên cạnh đó khoảng 33 triệu kg hạt điều trồng tại VN cũng đang được bán tại Mỹ.
Đầu tư của Mỹ cũng tăng nhanh tại Việt Nam, số lượng hội viên Phòng Thương mại hiện ở mức 278 DN với nhiều ngành sản xuất, tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ khác.
- Thưa bà Barshefskya, mặc dù Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, nhưng đàm phán song phương giữa 2 nước về việc gia nhập này dường như chưa có nhiều chuyển biến?
- Vấn đề đàm phán song phương để VN gia nhập WTO, Hoa Kỳ vẫn duy trì một lập trường cứng rắn. Hoa Kỳ đã ký với Trung Quốc một chuẩn rất cao và với Việt Nam cũng khó mà thấp được, các bạn nên dự tính trước điều đó.
Một khía cạnh quan trọng là nhân dân Mỹ tiếp tục có quan điểm tích cực về sự phát triển quan hệ giữa hai nước. Cuộc thăm dò ý kiến gần đây được tiến hành bởi một hãng thăm dò ý kiến nổi tiếng - Zogby International - cho thấy 2/3 người Mỹ hài lòng với sự tăng trưởng của thương mại Việt - Mỹ kể từ khi ký BTA. Tỷ lệ người Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO cũng ở mức 2/3. Ngoại trừ Anh, đây có thể coi là một tỷ lệ ủng hộ cao bất thường về thương mại.
- Còn khả năng Việt Nam có thể đạt được một thoả thuận với Mỹ về việc bỏ hạn ngạch dệt may khi chưa là thành viên WTO?
- Tôi còn nghi ngờ về khả năng này.
- Về các vụ kiện chống bán phá giá. Việc các sản phẩm cá basa rồi tôm của Việt Nam liên tục bị áp đặt thuế chống phá giá có phải là điều bất thường?
- Các DN Việt Nam, đương nhiên, cũng có những thất vọng về chính sách thương mại của Mỹ. Luật chống phá giá là một quy định cố hữu trong chính sách thương mại này, đặc biệt là với các nước chưa vào WTO.
Đó cũng là vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại với châu Á. Trong số 351 phán quyết có hiệu lực về chống phá giá thì 174 được áp dụng với các đối tác thương mại châu Á. Trong đó 8 phán quyết giành cho hàng từ Thái Lan, 7 cho các sản phẩm từ Indonesia, 18 cho Đài Loan, 29 cho Hàn Quốc, 33 cho Nhật và 57 cho Trung Quốc. Vì vậy, việc áp dụng luật này với các sản phẩm của Việt Nam không phải là điều gì bất thường, mặc dù vụ cá basa cũng gây tranh cãi ở Mỹ không kém so với ở Việt Nam.
Tuy nhiên, luật này có thể tác động đặc biệt với Việt Nam vì các mặt hàng xuất khẩu của các bạn có độ tập trung cao. Một lượng lớn kim ngạch xuất khẩu xuất phát từ một phạm vi tương đối nhỏ của các sản phẩm. Trong thương mại với Mỹ, 25 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chiếm tới 2/3 doanh số xuất khẩu của cả nước. Đối với Thái Lan, con số này chỉ là 40% và với Trung Quốc chỉ là 22%. Vì vậy, quan hệ thương mại nói chung của các nước này ít bị ảnh hưởng bởi một sản phẩm cụ thể nào và nguồn lợi xuất khẩu của Việt Nam có thể chịu thiệt hại hơn so với các nước láng giềng từ những vụ chống phá giá.
- Cuối cùng, bà có lời khuyên nào với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước?
- Vấn đề lớn với Việt Nam là các bạn phải xác định được chiến lược trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các bạn phải xác định liệu khu vực DN nhà nước (DNNN), DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hay DN tư nhân sẽ dẫn đầu trong nền kinh tế.
Khi huy động vốn ĐTNN, các bạn cũng phải đưa ra lời giải là sẽ dẫn họ vào đâu. Đương nhiên là DNNN đóng vai trò quan trọng, nhưng nếu Việt Nam muốn nâng cao xuất khẩu, đa dạng hoá nền kinh tế, sử dụng nhiều lao động thì tôi tin rằng các bạn phải huy động một lượng vốn ĐTNN lớn. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... thu hút ĐTNN từ những năm 1980 và hiện đã có kết quả rõ rệt. Từ nền kinh tế chủ yếu là sơ chế các mặt hàng xuất khẩu, họ đã xuất được số lượng lớn các mặt hàng điện tử.
Nếu chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam tập trung vào thu hút vốn ĐTNN thì Việt Nam cần phải có môi trường đầu tư thân thiện hơn. Cơ sở hạ tầng phải được nâng cấp hơn nữa, giảm các chi phí thuê đất, giảm giá điện, nước, viễn thông... Hiện nay, chi phí này vẫn cao hơn so với ASEAN chứ chưa nói đến Trung Quốc. Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã cho thấy, các khoản tiền không phải là vô tận, mà chỉ có một lượng hữu hạn, chảy vào những nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn.
- Xin cảm ơn bà!
-
Phương Thanh (ghi)