(VietNamNet) - Mặc dù giá dầu thô đã có giảm, nhưng giá dầu trong nước không giảm, thậm chí có thể tăng. Trả lời VietNamNet, ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại, và ông Nguyễn Thế Bảo, phụ trách các đội đặc nhiệm về xăng dầu của Bộ Thương mại, cho biết:
- Năm 2004 ta có 3 lần tăng giá bán lẻ xăng, vậy vì sao giá dầu thô đã giảm, nhưng giá xăng không giảm?
- Ông Phan Thế Ruệ: Nguyên tắc của thị trường là giá thế giới tăng thì trong nước tăng, giá thế giới giảm thì trong nước giảm là rõ. Nhưng vì vừa qua Nhà nước đã phải bù lỗ xăng rất lớn, trong năm 2004 đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Nay giá dầu thô thế giới xuống chút ít, nhưng Nhà nước giữ thuế để để bổ sung lại ngân sách đã bù giá trước đây. Đúng là, về lâu dài, phải xây dựng được phương thức giá lên thì bán lẻ lên, giá xuống thì giá bán lẻ hạ xuống. Chủ trương là làm thế nào để Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi, dĩ nhiên tùy thời điểm là đối tượng này hoặc đối tượng khác có lợi trước.
- Ông Nguyễn Thế Bảo: Giá dầu giảm chỉ là so với thời điểm cao nhất của thế giới, chứ thực ra vẫn còn rất cao, chưa xuống đến mức để hạ giá bán lẻ trong nước được. Hiện giá bán lẻ trong nước vẫn còn thấp hơn nhiều so với thế giới, chẳng hạn trong khu vực ta bán cao hơn Lào, Trung Quốc, Campuchia. Nên nếu đặt vấn đề giá dầu thô thế giới giảm thì thị trường trong nước phải giảm là chưa đúng. Nếu giá giảm nữa, dễ xảy ra nguy cơ buôn lậu qua biên giới, trong khi Nhà nước lại bỏ ngân sách ra hỗ trợ, như vậy sẽ thiệt hại lớn. Trong khuynh hướng tới, phải làm cách nào để giá trong nước bằng với giá thế giới.
- Như vậy giá xăng dầu có thể tăng chứ không giảm?
- Ông Phan Thế Ruệ: Dầu diezen phục vụ sản xuất, và chiếm một lượng rất lớn, bằng 23% tổng lượng nhập, tương đương 7 triệu tấn. Nếu đưa giá dầu lên thì tất cả các mặt hàng trong nước sẽ tăng, và sức cạnh tranh hàng hóa của ta sẽ kém. Nên Nhà nước bảo hộ cho dầu là vì vậy. Giá xăng hiện đang là giá kinh doanh, đến nay đầu năm 2005 vẫn chưa có giá định hướng, nên vẫn sẽ giữ giá 7.500 đồng/lít của năm 2004.
- Nhưng nói như trên, là còn bảo hộ thì sẽ còn có nguy cơ buôn lậu?
- Ông Phan Thế Ruệ: Thời gian qua tình trạng buôn lậu ra nước ngoài khá nhiều, có lúc diễn ra công khai gây bức xúc ở khu vực biên giới là điều có thật. Giải pháp khắc phục sắp tới là ngoài việc cân nhắc điều chỉnh về giá, sẽ tăng cường các biện pháp thắt chặt.
- Ông Nguyễn Thế Bảo: Nhà nước nào cũng vậy, sẽ phải có phương pháp riêng để thực hiện chủ trương và xử lý vấn đề hai mặt. Bởi vì xăng dầu - nhất là dầu - có quan hệ với gần như tất cả ngành kinh tế của đất nước, vì vậy chính sách Chính phủ đưa ra là ngân sách phải chịu đựng trong một thời điểm, là để phù hợp vừa phát triển, cũng vì sự phát triển. Việc ngăn chặn buôn lậu, không chỉ là tăng giá xăng dầu lên, mà còn có nhiều biện pháp khác.
- Trong điều kiện ta vẫn còn bù lỗ, thì khi các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào đây, cả hai sẽ có những ảnh hưởng như thế nào?
Năm 2004, tổng lượng nhập khẩu tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp đầu mối ước đạt 11.900.000m3, đạt và vượt kế hoạch. - Xăng: 3.586.000m2. - Xăng diesel: 6.000.000m3. - Dầu mazut: 1.750.500 tấn. - Dầu hỏa: 386.000m3. + Năm 2005: Chỉ tiêu Bộ giao nhập 12.00.000m3. |
- Ông Nguyễn Thế Bảo: Hiện tại có hai đơn vị tập đoàn nước ngoài đăng ký vào đây, nhưng trước mắt chỉ mới làm đại lý, chưa chính thống. Chắc chắn nước ngoài không thể bán như ta hiện nay được, vì ta đang bù giá. Vì vậy không lo sợ bị cạnh tranh. Thậm chí ta vẫn đang tính tới tiếp cận thị trường xăng thế giới, dần dần làm thế nào để Nhà nước đỡ phải bù lỗ, nhưng doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chấp nhận được.
- Bao giờ có giá định hướng cho xăng năm 2005?
- Ông Phan Thế Ruệ: Cuối năm, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính họp bàn. Vì vậy vẫn sử dụng giá của năm 2004. Nếu năm 2005 tình hình còn biến động, nếu giá tiếp tục tăng, có thể sẽ áp dụng thả nổi giá xăng dầu.
-
Đặng Vỹ