(VietNamNet) - Một kết quả điều tra của Viện Khoa học Tài chính vừa công bố khiến không ít người giật mình: nhiều DN hiện cho rằng bảo hiểm là không cần thiết.
Báo cáo đã khảo sát 1.200 mẫu đối với các cá nhân, các DN và bản thân các DN bảo hiểm tại 3 khu vực Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Tài chính cùng với các các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Kết quả điều tra và phân tích các chính sách tài chính có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm cho thấy, nhiều DN hiện cho rằng bảo hiểm là không cần thiết.
Nhiều công nhân tự nguyện không mua bảo hiểm
Nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân khiến các DN này có quan điểm như vậy bởi nhiều DN hiện có số lượng công nhân ít hoặc không ổn định, đa số các DN nhỏ không biết và không được phổ biến về bảo hiểm đối với người lao động và với chính DN.
Một nguyên nhân đáng nói hơn, đó là do thu nhập của người lao động quá thấp. Mức thu nhập quá eo hẹp khiến người tham gia bảo hiểm càng ít và không thấy cần thiết phải tham gia bảo hiểm. Nhiều công nhân tự nguyện không mua bảo hiểm để được tính toàn bộ số tiền mua bảo hiểm vào lương.
Hiện 61,9% khách hàng trên thị trường bảo hiểm Việt Nam tham gia BHXH; 60,7% tham gia BHYT; 13,3% tham gia bảo hiểm sức khỏe và tai nạn; 13,3% bảo hiểm hàng hóa; 16,9% bảo hiểm cháy nổ; 14,7% bảo hiểm tài sản và 3,4% loại bảo hiểm khác. Như vậy, các hình thức có sự tham gia của DN sản xuất rất thấp. Tính trong các sản phẩm bảo hiểm (trừ BHXH và BHYT) Bảo Việt chiếm khoảng 45% thị phần, Bảo Minh chiếm khoảng 31% thị phần còn các DN liên doanh chiếm 24% thị phần. Như vậy, hiện các công ty bảo hiểm Việt Nam đang chiếm khoảng 76% thị phần thị trường các sản phẩm bảo hiểm trừ BHXH và BHYT.
Tuy nhiên, một phần chính vì sự phục vụ chưa tốt của các DN bảo hiểm là nguyên nhân quan trọng dẫn tới các DN sản xuất không mặn mà nhiều với thị trường bảo hiểm như hiện nay. Đánh giá của các DN sản xuất về chất lượng phục vụ của các công ty bảo hiểm cho thấy: chỉ có 16,4% cho rằng, chất lượng phục vụ của các công ty bảo hiểm là rất tốt, 81,1% cho rằng đạt yêu cầu và 2,5% không đạt yêu cầu. Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đánh giá rất tốt chỉ chiếm 5,7% và 9,0%.
Quan điểm của các cá nhân dù ở các nhóm công việc, độ tuổi, thu nhập và địa bàn khác nhau đều cho rằng ''Hiện nay, dịch vụ bảo hiểm là hết sức quan trọng''. Tuy nhiên trong 90,7% số phiếu trả lời có tham gia thị trường bảo hiểm, chỉ có công chức Nhà nước và công nhân trong các DNNN là tham gia bảo hiểm tuyệt đối 100%, còn số người lao động ở các thành phần khác tham gia rất thấp, khoảng 70%. Khu vực thu nhập thấp có nhu cầu mua bảo hiểm rất lớn, nhưng với điều kiện có những sản phẩm có chất lượng cao và đúng với sở thích của họ.
Tính ỳ lớn, sức hấp dẫn của các DN bảo hiểm kém
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam từng bước được mở rộng và phát triển theo hướng tích cực. Theo kết quả điều tra thì có tới 94,5% số DN đã tham gia thị trường bảo hiểm không thay đổi công ty bảo hiểm đang phục vụ mình, chỉ có 5,5% là thay đổi (trong đó 4,2% là chuyển sang mua bảo hiểm của các DN bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài, 1,3% là chuyển sang mua bảo hiểm của một công ty bảo hiểm trong nước khác). Như vậy tính ỳ khi tham gia thị trường bảo hiểm của các DN sản xuất là tương đối lớn, tất nhiên sức hấp dẫn của các DN bảo hiểm cũng chưa cao.
Cơ cấu hình thức bảo hiểm mà các cá nhân tham gia hiện như sau: số người có tham gia BHXH chiếm 72,3%, BHYT chiếm 74,5%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn chiếm 35,7%, bảo hiểm hàng hóa chiếm 2,2% và bảo hiểm khác chiếm 24,9%. Trong đó, TP.HCM tham gia BHXH và BHYT thấp nhất, nhưng lại tham gia các bảo hiểm khác lớn, chủ yếu là các loại bảo hiểm nhân thọ. Công chức Nhà nước và công nhân viên trong các DNNN tham gia BHXH và BHYT 100% vì đó là qui định bắt buộc của Nhà nước, còn khu vực việc khác thì rất thấp khoảng 20%, khu vực phi DNNN khoảng 63%. Bảo hiểm sức khỏe tai nạn, BH hàng hóa và các loại bảo hiểm khác có tỷ lệ tham gia rất thấp.
Bảo hiểm - thị trường của người có tiền?
Những phân tích về mục đích tham gia thị trường bảo hiểm cho thấy: 52,9% tham gia để tiết kiệm cho tương lai, 76,2% tham gia để phòng ngừa rủi ro nếu xảy ra. Những người có thu nhập cao (trên 5 triệu VND thì mua bảo hiểm để phòng rủi ro là mục đích cao nhất - 91,7%).
Khách hàng đánh giá về chất lượng phục vụ của các DN bảo hiểm: Đối với DNBH Nhà nước: 20% đánh giá chất lượng phục vụ rất tốt, khoảng 75% đánh giá đạt yêu cầu. Đối với công ty cổ phần bảo hiểm: 10% đánh giá chất lượng phục vụ rất tốt, 90% đánh giá đạt yêu cầu. Đối với công ty TNHH bảo hiểm: khoảng 12% đánh giá chất lượng phục vụ rất tốt, khoảng 88% đánh giá đạt yêu cầu. Đối với công ty liên doanh bảo hiểm: 20% đánh giá chất lượng phục vụ rất tốt, khoảng 78% đánh giá đạt yêu cầu. Đối với công ty 100% vốn nước ngoài: trên 30% đánh giá chất lượng phục vụ rất tốt, khoảng 64% đánh giá đạt yêu cầu. |
Theo sự lựa chọn của khách hàng, loại hình công ty bảo hiểm Nhà nước chiếm gần 80%, công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài được gần 20% khách hàng được hỏi ''chọn mặt gửi vàng'', công ty bảo hiểm liên doanh chiếm 4%, công ty cổ phần bảo hiểm chiếm 2,8% và công ty bảo hiểm TNHH chiếm 2,0%. Công chức Nhà nước và công nhân trong các DNNN mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm Nhà nước nhiều hơn (chiếm tỷ trọng từ 88% đến 95%) chủ yếu do 2 lý do: do qui chế bắt buộc của Nhà nước và do tâm lý tin tưởng vào độ an toàn của các công ty bảo hiểm Nhà nước.
Đối với khu vực làm việc khác, tuy tỷ lệ mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm vẫn cao (từ 59,4% đến 75,1%) song lại có xu hướng gia tăng mua bảo hiểm của các công ty liên doanh và 100% vốn nước ngoài, chủ yếu là các lại bảo hiểm nhân thọ, an sinh giáo dục ( tăng 6,1% và 6,3% đối với công ty bảo hiểm liên doanh và 28,4%, 38,4% đối với công ty 100% vốn nước ngoài) . Còn nếu tính theo thu nhập, tỷ lệ mua bảo hiểm của các công ty cũng giống như tỷ lệ chung. Điều đó chứng tỏ các đối tượng tham gia mua bảo hiểm vẫn yên tâm nhiều hơn đối với các công ty bảo hiểm Nhà nước, sau đó là công ty 100% vốn nước ngoài. Đó là 2 loại hình có tiềm lực mạnh, khả năng giảm thiểu rủi ro cao hơn các loại hình DN bảo hiểm khác.
Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Tài chính, hiện nay tại Việt Nam, các yếu tố chính cản trở cá nhân tham gia vào thị trường bảo hiểm là: Năng lực tài chính của các cá nhân; Mức độ an toàn của các công ty bảo hiểm và sau cùng là cơ chế chính sách.
-
Hồng Phúc