(VietNamNet) - Sau 4 năm Luật DN đi vào đời sống, 116 loại giấy phép đã được bãi bỏ, thời gian đăng ký kinh doanh đã giảm từ 90 ngày xuống còn 7 ngày, chi phí đăng ký kinh doanh giảm từ 10 triệu đồng xuống còn 500.000 đồng. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, một số Bộ và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc TW còn duy trì các lệnh cấm, hoặc tạm dừng đăng ký kinh doanh không đúng với quy định của Luật DN.
Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) vừa phối hợp đưa ra bản đánh giá 4 năm Luật DN đi vào đời sống và kiến nghị với tên gọi ''Thời điểm cho sự thay đổi''.
Luật DN: Đột phá về cải cách hành chính
Đơn giản hóa thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh được coi là một trong những tiến bộ đột phá của Luật DN. Luật DN về cơ bản đã tạo lập được sự bình đẳng về cơ hội kinh doanh. Ngày nay, mọi tổ chức, cá nhân (không thuộc đối tượng cấm kinh doanh), nếu có cơ hội hoặc sáng kiến kinh doanh, đều thành lập được DN.
Luật DN đã trở thành khâu đột phá về cải cách hành chính, thể hiện chủ yếu trên 3 mặt:
Đơn giản hóa được trình tự, thủ tục và hồ sơ thành lập DN. Nhờ đó, thời gian thành lập DN đã giảm từ khoảng hơn 90 ngày trước đây xuống trung bình còn 7 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (ở nhiều tỉnh, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn 2-4 ngày). TP.HCM đã thử nghiệm đăng ký kinh doanh qua mạng, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh xuống chỉ còn 1 giờ. Chi phí cho việc đăng ký kinh doanh cũng đã giảm đáng kể, từ khoảng 10 triệu đồng xuống còn khoảng 500.000 đồng.
Tạo được cơ sở pháp lý phân định rõ quyền của Nhà nước, của cán bộ công chức Nhà nước với quyền của người đầu tư và của DN, từng bước xóa bỏ thói quen ôm đồm, làm thay và gây phiền hà, khó khăn cho DN từ phía cơ quan Nhà nước. Lần đầu tiên, thẩm quyền ''cấm'' hay ''hạn chế kinh doanh'' được ''giới hạn '' vào 3 cơ quan thẩm quyền cao nhất (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ). Đây là cơ sở pháp lý cho việc bãi bỏ 116 giấy phép, chuyển 46 giấy phép sang điều kiện kinh doanh không cần giấy phép hoặc sang quản lý theo phương thức khác.
Đã bãi bỏ được khoảng 150 loại giấy phép kinh doanh, qua đó, xóa bỏ được một phần không nhỏ những cản trở hành chính bất hợp lý đối với hoạt động kinh doanh của DN. Hoạt động kinh doanh của DN trong nhiều ngành, nghề trở nên ổn định và chắc chắn hơn; không còn bị giới hạn bởi nội dung hạn hẹp, cứng nhắc và thời hạn ngặt nghèo của giấy phép. Nhờ đó, đã giảm được đáng kể những rủi ro và chi phí kinh doanh phát sinh trong việc xin phép, xin gia hạn giấy phép.
DN tư nhân vẫn còn lận đận
Trong hơn 4 năm qua, một số Bộ, UBND tỉnh vẫn có lệnh (bằng văn bản hoặc truyền miệng) cấm kinh doanh áp dụng riêng cho địa phương mình. Phổ biến nhất là nhóm ngành, nghề được coi là ''nhạy cảm''. Luận điểm ''cung đã vượt cầu'' vẫn tiếp tục được sử dụng để cấm những người ''đến sau'' (cấm mở thêm dịch vụ taxi ở Đà Nẵng hay chế biến bột sắn ở Tây Ninh...). DN của tư nhân còn có thể bị ''từ chối'' quyền kinh doanh do chưa có quy hoạch, hoặc không nằm trong quy hoạch. Điều đáng nói thêm là, trong hơn 4 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh bãi bỏ ngay các quy định không đúng thẩm quyền tạm dừng (về thực chất là cấm) kinh doanh, cũng như bổ sung sửa đổi lại các quy hoạch không còn phù hợp nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo đúng tinh thần của Luật DN. Tuy nhiên, hiện tượng này không giảm mà còn tăng lên. Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ công tác thi hành Luật DN, đến tháng 6/2004 vẫn còn một số Bộ và 12 tỉnh, thành phố trực thuộc TW còn duy trì các lệnh cấm, hoặc tạm dừng đăng ký kinh doanh không đúng với quy định của Luật DN.
Trong hơn 4 năm qua, đã có hàng chục giấy phép được ban hành mới (so với số đã bãi bỏ được). Xem xét quy trình tạo ra giấy phép mới và bản chất của một số giấy phép, không ít người lo ngại về sự xuất hiện ngày càng nhiều số giấy phép không cần thiết, làm tăng chi phí giao dịch (cả về thời gian và tiền bạc), tăng thêm dư địa cho người có liên quan sách nhiễu, gây phiền hà cho DN. Không ít hiện tượng làm trái quy định về đăng ký kinh doanh vẫn tiếp tục tồn tại. Phổ biến là đòi hỏi nộp thêm hồ sơ trái quy định. Các hồ sơ đó thường là: xác nhận (UBND phường, xã) lý lịch tư pháp của người chủ DN (đối với công ty cổ phần có nhiều cổ đông có thể là cổ đông lớn nhất), xác nhận địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện, xác nhận hay bản sao chứng minh tài sản góp vốn, hợp đồng thuê trụ sở, thuê địa điểm kinh doanh... Ngoài ra là việc đặt thêm các thủ tục trái quy định như xác nhận hợp đồng của UBND quận, huyện đối với một số ngành nghề, hay đòi hỏi giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh trước khi đăng ký thành lập DN.
Thắc mắc lớn nhất vẫn là Luật DN hiện hành chỉ áp dụng đối với các DN tư nhân trong nước - một khu vực mới xuất hiện với quy mô còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% GDP và 5% tổng số việc làm của cả nước. Các DNNN và DN có vốn ĐTNN - chiếm khoảng trên 50% GDP của cả nước lại hoạt động theo Luật DNNN và Luật Khuyến khích ĐTNN. Điều này làm cho không những các loại hình sở hữu khác nhau được đối xử một cách khác nhau, nhưng bản chất của sự khác biệt này lại thường không rõ ràng.
-
Phương Thanh