Hội thảo có chủ đề “Kỹ thuật dự báo tỷ giá trực tuyến -Giải Nobel Kinh tế năm 2003 về kiểm định mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá”.
Nội dung buổi hội thảo xoay quanh một vấn đề khá nóng bỏng hiện nay là lạm phát và mối quan hệ với tỷ giá hối đoái của VN do các giảng viên, chuyên viên kinh tế và các quan chức đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) VN trình bày.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trang (ĐH Kinh tế TP.HCM), từ đầu năm 2004 đến nay chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng (từ 4,9% lên 8%). Muốn kiểm soát được mức lạm phát thì Tổng cục Thống kê và NHNN VN phải đo lường lạm phát cơ bản bên cạnh lạm phát thông thường để dự báo hướng lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ.
Nếu cần, Nhà nước cũng nên thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhằm mục đích thu hút lượng tiền trong lưu thông. Phát hành trái phiếu Chính phủ cũng là giải pháp thu hút tiền từ lưu thông, giảm áp lực tăng giá; Với các mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành như sắt thép, ximăng, phân bón... Nhà nước nên xuất quỹ dự trữ quốc gia để ổn định giá và nên giảm thuế nhập khẩu cho nguyên liệu.
Ngoài ra, việc sử dụng các khoản chi phí ngân sách (đặc biệt là khoản chi trợ giá và bù giá) 1 cách hợp lý, tiết kiệm; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại các DN nhà nước ở các mức độ và cấp độ cao hơn; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN (tránh thế độc quyền)… cũng là các giải pháp phụ kiểm soát lạm phát.
Vấn đề kinh doanh ngoại tệ trực tuyến cũng đang được nhiều DN tài chính quan tâm. Kinh doanh ngoại tệ trực tuyến góp phần giúp thị trường ngoại hối thế giới vận hành suốt 24 giờ/ngày và suốt tuần làm việc. Các chuyên gia tài chính khuyên nhà đầu tư khi phân tích và dự báo tỷ giá cần phải trả lời 2 câu hỏi: Nên mua (bán) đồng tiền nào? Nên mua (bán) đồng tiền đó với tỷ giá nào? Nghĩa là phải xác định cho được đồng tiền nào đang có xu hướng “mạnh” lên so với hầu hết các đồng tiền khác và sẽ tăng giá mạnh nhất so với đồng tiền nào.
Giải Nobel Kinh tế năm 2003 được Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao cho hai Giáo sư Robert F. Engle (Mỹ) và Clive W.J. Granger (Anh) về xây dựng các mô hình chuỗi thời gian cho công tác dự báo tăng trưởng kinh tế. Mô hình của hai ông đã tạo cơ sở cho các kinh tế gia điều chỉnh các mục tiêu dài hạn trên cơ sở dữ liệu ngắn hạn. Vì thế hai ông đã cải thiện chất lượng nghiên cứu kinh tế trong nhiều lĩnh vực như của cải, tiêu dùng, tỷ giá hối đoái...
- Tin, ảnh: Nguyễn Sa