(VietNamNet) - Trả lời phỏng vấn VietNamNet tại buổi lễ ra mắt Công ty Xúc tiến công nghiệp da giày Việt Hội (VSP) ngày 21/11, ông Trần Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty cho biết, da giày VN sẽ chọn chất lượng để cạnh tranh và mẫu mã là điểm đột phá đầu tiên.
- PV: Thưa Tổng Giám đốc, ngành da giày VN đã có Hiệp hội, ở TP.HCM cũng có Hội Da giày. Vậy VSP thành lập ra, có sứ mệnh gì khác để hỗ trợ cho ngành da giày?
- Ông Trần Ngọc Anh: Trong những năm gần đây, ngành da giày VN được mở rộng và ngày càng phát triển với quy mô lớn, là một nước xuất khẩu đứng thư tư thế giới với kim ngạnh 2,5 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với hàng xuất khẩu là một thách thức lớn, vì ta còn nhiều điểm yếu: Da giày VN chủ yếu là gia công, giày tự sản xuất thì mẫu mã nghèo nàn, giá cả lại cao. Trong khi đó Trung Quốc có những ưu điểm này, lại không phải áp dụng hạn ngạch khi xuất khẩu ra thế giới. Ngay cả thị trường trong nước cũng phải cạnh tranh, vì hiện nay Trung Quốc cũng đã đưa sang ta một lượng không nhỏ.
Hiệp hội Da giày VN, Hội Da giày TP.HCM thời gian qua cũng đã có công rất lớn trong việc hỗ trợ các DN sản xuất kinh doanh giày, ngành giày. Mặc dù vậy, trước yêu cầu và những thách thức gay gắt về cuộc cạnh tranh, cần thiết phải có một công ty làm công việc xúc tiến cho ngành giày da. Công ty cổ phần Xúc tiến công nghiệp ngành giày Việt Hội, gọi tắt là VSP CORP, ra đời là ý tưởng và mong muốn của các DN da giày, đáp ứng những yêu cầu bức thiết đó. VSP CORP thành lập bởi sự phối hợp của Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hội Da giày TP.HCM cùng các DN da giày trong nước, với 42 cổ đông sáng lập.
Nhiệm vụ quan trọng của công ty là làm chủ công trong việc cùng với Hội nghiên cứu, hỗ trợ công nghệ cho ngành da giày, nâng cao chất lượng, đồng thời cùng DN sản xuất kinh doanh da giày thúc đẩy các hoạt động gia tăng giá trị sản phẩm để cạnh tranh xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thị trường mới.
- Cụ thể của công việc là gì, thưa ông?
- Nghiên cứu, phát triển công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã và tìm cách hạ giá thành sản phẩm sản xuất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của VSP. Nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng, là tổ chức các chương trình tìm hiểu thị trường cho các DN ngành giày da. VSP được chọn làm trung tâm cung cấp thông tin về thị trường, công ty, khách hàng trong ngành da giày Việt Nam và thế giới, sẽ tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị hội thảo giới thiệu các nhà cung cấp, tiêu thụ da giày trong và ngoài nước. VSP cũng được DN trong ngành chọn làm đại diện thương nghiệp cho các DN da giày, tổ chức mua bán hàng qua mạng. Cách làm này có thể giúp những DN nhỏ, chưa đủ mạnh vẫn có thể chào bán sản phẩm của mình ra nước ngoài. Bằng những công việc trên, có thể thấy, VSP làm cầu nối các DN da giày trong và ngoài nước, giúp cho sức cạnh tranh của DN da giày VN không thua các nước khác.
- Xác định mục tiêu thì dễ, nhưng ông có thể cho biết làm thế nào để VSP thực hiện được mục tiêu “nâng cao chất lượng sản phẩm”, như đã đặt ra?
- Vấn đề quan trọng nhất của cuộc cạnh tranh là VN có nhiều đối thủ mạnh về công nghệ và giá cả. Vì vậy da giày VN đã xác định chất l
ượng là yếu tố cạnh tranh… Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, độ bền da giày VN không kém, nhưng mẫu mã lại rất sơ sài, không thể hấp dẫn người dùng. Vì vậy, VSP sẽ tập trung cho mẫu mã. Cách làm là sẽ loại bỏ thiết kế thủ công lâu nay, mà sẽ áp dụng công nghệ mới nhất, thiết kế hoàn toàn trên máy. Trong ngày thành lập, VSP ra mắt phòng thiết kế là đặt vai trò của mẫu mã lên hàng đầu. Công ty Tin học Yên Vỹ sẽ sử dụng công cụ CAD/CAM để thiết kế bằng công nghệ 3D. Đây là một bước tiến lớn trong hoạt động thiết kế.
- Xin hỏi ông một nội dung thuộc về vấn đề riêng của công ty: Thành viên của VSP hầu như đều có công ty riêng, nên VSP có vẻ như bán chuyên nghiệp? Vậy Ban Giám đốc làm thế nào để tập trung đầu tư cho việc xây dựng ý tưởng, hoạch định chiến lược, tổ chức hoạt động một cách thường xuyên, chuyên nghiệp và tin rằng có hiệu quả?
- Đây đúng là điều băn khoăn của những người trong Ban Giám đốc. Hiện tại VSP chưa có một cơ quan thường trực với tổ chức đầy đủ và bài bản để đảm nhiệm các nội dung công việc đã xác định. Tuy nhiên, VSP lại có một ưu thế lớn, như vừa nói, là hầu như tất cả các cổ đông đều là những người làm trong ngành, lâu năm, có vốn liếng và có kinh nghiệm. Cổ đông của VSP không giống như cổ đông của các DN cổ phần khác, là mua cổ phần để chia cổ tức. Mà ở đây, hoạt động của VSP gắn chặt với hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của từng công ty da giày. Do đó, ngoài hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, thì các cổ đông cũng góp phần rất lớn vào việc cùng công ty xây dựng ý tưởng, tìm kiếm công việc, tham gia các hoạt động xúc tiến. Chính vì vậy, ngoài chức năng là xúc tiến công nghiệp và thương mại, VSP còn gắn thêm một công việc nữa, là nơi tập trung ý chí, sức mạnh, kinh nghiệm, gắn kết các DN trong ngành, giúp các DN gắn bó để cùng tìm kiếm cơ hội kinh doanh hiệu quả hơn.
- Thời gian tới, VSP sẽ làm gì trước tiên?
- Trước mắt sẽ xúc tiến ngay việc mời chuyên gia, mở các lớp huấn luyện kỹ thuật thiết kế cho DN. Kỹ thuật sẽ được chuyên sâu cho từng mặt hàng như giày Tây, giày thể thao, giày nam, nữ thời trang, dép…
Trong năm 2005, VSP sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm, bao gồm: kết hợp với Hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Da giày TP.HCM tham dự các hội chợ triển lãm quan trọng, truyền thống hiện đại như ở Đức, Ý, Nhật, Trung Quốc.
Công việc tiếp theo là tích cực thâm nhập, dò tìm các thị trường mà ngành giày có nhiều triển vọng nhưng chưa được khai thác tốt ở các nước Đông Âu gồm Nga, Hungary, Rumani, các nước vùng Trung Đông hay Tây Phi, Nam Phi… Điều quan trọng của ngành giày là sẽ xây dựng các chốt, trạm, văn phòng hệ thống bán hàng.
- Cám ơn Tổng Giám đốc!
- Đặng Vỹ thực hiện