(VietNamNet) - Trong khi nhiều ngôi chợ mới tại TP.HCM xây xong rồi… để đó, cả tiểu thương và khách đều hướng ra đường mua bán thì tại H. Bình Chánh (TP.HCM) một người dân đã bỏ ra hơn 50 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ. Liệu có quá mạo hiểm?
Sau khi TP.HCM thí điểm cho tư nhân kinh doanh quản lý chợ hiệu quả, tiếp theo đã khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng chợ (căn cứ vào Nghị định số 02/2003/NĐ-CP), từ đây mở ra một hướng đầu tư kinh doanh mới với những doanh nhân “mê” chợ.
Ông Nguyễn Văn Liêu, Trưởng Ban quản lý chợ Vĩnh Lộc mới, nguyên là giám đốc một công ty xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM) nhưng lại có “ước mơ được xây dựng và kinh doanh chợ từ lâu”. Theo ông Liêu, chợ là nơi giao thương chủ đạo trong đời sống người dân, nhất là dân lao động, thế nhưng ngày càng nhiều ngôi chợ xuống cấp, nhếch nhác và không bảo đảm an toàn PCCC, vệ sinh môi trường… toàn thành phố hiện có đến 119 chợ không phù hợp với qui hoạch.“Dù rất muốn đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này nhưng trước đây Nhà nước chưa cho phép. Khu đất rộng hơn 8.000m2 tại Bình Chánh (nơi tọa lạc của chợ Vĩnh Lộc mới) này, tôi đã dự tính xây dựng trung tâm thương mại vì tại đây có nhiều KCN (KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Bình) nên nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng của công nhân, người dân là rất lớn. Rồi dịp may cũng đến là đầu năm 2003 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 02. Tôi như cá gặp nước, đăng ký xây dựng để kinh doanh chợ ngay” - ông Liêu nói.
“Phải làm chợ không giống… chợ"
Theo tìm hiểu của PV, sỡ dĩ có tình trạng tiểu thương “ngán” vào chợ mới là do giá sạp chợ mới thường cao hơn gấp 3 lần chợ cũ, ví dụ một tiểu thương đang bán tại chợ cũ ở vị trí sạp khoảng 50 triệu đồng thì khi qua chợ mới giá sạp khoảng 150 triệu đồng, vậy là phải bù thêm 100 triệu đồng. Hơn nữa, mọi chi phí ở chợ mới đắt đỏ hơn chợ cũ. Nếu tiểu thương không có tiền bù thêm để có vị trí sạp đẹp thì phải lấy những vị trí xấu, trong hẻm hóc do đó tiểu thương bỏ chợ hướng ra đường buôn bán…
Chợ Vĩnh Lộc mới: chợ tư nhân đầu tiên có qui mô lớn - loại 1 (trên 300 sạp và 200 kios) được xây dựng kiên cố trên cả nước. Chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Liêu - Giám đốc DN TN Tân Ngọc Vân. |
Ông Liêu có quá liều không khi dám bỏ ra trên 50 tỷ đồng đầu tư vào chợ? Trao đổi với VietNamNet, ông Liêu cho biết, kinh doanh chợ là điều ông ấp ủ từ lâu nên sẽ không vấp phải tình trạng lãng phí. Chợ Vĩnh Lộc mới không giống bất kỳ ngôi chợ nào trong cả nước về thiết kế xây dựng cũng như cung cách hoạt động mua bán.
Quả vậy, kiến trúc qui hoạch các kios, lối đi trong chợ thật thông minh: không có kios, sạp nào nằm trong hẻm, tất cả kios, sạp đều là mặt tiền nhờ kiểu thiết kế đường ngang dọc như bàn cờ, 4 sạp thành một cụm tiếp vách nhau. Mỗi kios đều có tầng lửng làm kho chứa hàng và có tầng lầu dùng làm nơi nghỉ ngơi, ở trọ lại (cho tiểu thương ở xa) rất tiện lợi. Tầng trên cùng lầu 2 sẽ được chủ đầu tư kinh doanh nhà hàng.
Giữa các dãy kios, sạp chợ là một khung cảnh khá rộng, có trồng cây xanh, hồ nước, hòn non bộ và đặc biệt là một bàn thờ phật. Ông Liêu giải thích: “Tiểu thương nào muốn thờ cúng cầu buôn may bán đắt thì ra sân này để thờ, tôi nghiêm cấm không cho thờ cúng và đốt nhang tại chỗ buôn bán vì an toàn PCCC”.
Lôi kéo tiểu thương bằng chính sách
Chợ Vĩnh Lộc cũ: nằm ngay trên đường Nguyễn Thị Tú (Bình Chánh), là chợ tạm, chưa đầy 100 sạp kinh doanh. Hiện nay chợ xuống cấp trầm trọng, mái che (bằng tôn) đã cũ và lụp xụp, quang cảnh nhếch nhác. Không có bãi giữ xe và không hệ thống PCCC… Ông Võ Tánh, Chủ tịch UBDN xã Vĩnh Lộc B cho biết, UBND H. Bình Chánh đã ra thông báo di dời chợ cũ trong tháng 11 này. Hiện Ban chỉ đạo di dời đang vận động tiểu thương nhanh chóng di dời bằng cách mời họ tham quan chợ mới, nêu rõ quyền lợi khi vào chợ mới. Giải tỏa được chợ cũ là giải được mối lo về cháy nổ, kẹt xe, ô nhiễm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cho xã Vĩnh Lộc B. Do đó, người dân nơi đây cũng mong chờ được đi mua sắm ở một nơi văn minh, sạch sẽ hơn. |
Ông Liêu không định giá sạp, kios để bán đứt cho tiểu thương (như chợ công) vì như vậy giá sẽ rất cao (vài trăm triệu/kios). Ông chỉ yêu cầu tiểu thương muốn vào chợ đặt cọc một số tiền (ít nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 70 triệu đồng) để có vị trí trong chợ (hợp đồng 5 năm). Sau đó, hằng tháng tiểu thương đóng tiền thuê sạp, kios (vài trăm ngàn tới một triệu). Còn đối với tiểu thương chợ cũ vào chợ mới thì có chính sách ưu đãi riêng: chỉ đóng 50% tiền cọc so với tiểu thương mới ở nơi khác đến.
Ngoài ra, Ban quản lý chợ kiến nghị UBND huyện Bình Chánh và Chi cục Thuế huyện Bình Chánh những chính sách ưu đãi về thuế tương tự những chợ mới Tân Xuân, Tam Bình, ... đã được hưởng, như: giảm 100% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN cho tiểu thương từ chợ cũ qua trong 3 tháng đầu, . Chơi đẹp hơn, chợ Vĩnh Lộc tuyên bố sẽ không thu tiền gởi xe của khách đi chợ và tiểu thương trong 1 năm đầu. Hiện 311 sạp chợ đã kín chỗ (đa phần sạp chợ dành cho tiểu thương từ chợ cũ sang), còn trên 200 kios thì cũng đã có 50% tiểu thương đăng ký.
Đến nay, sau 2 năm ròng rã xây dựng, chợ Vĩnh Lộc mới sắp đi vào hoạt động. Nhưng theo dự kiến là hoàn tất giữa năm 2004 nên nhiều tiểu thương rất nóng lòng, mỗi ngày ban quản lý nhận vài chục cú điện thoại của tiểu thương thúc hối cho họ ra bán hàng. Ông Liêu cho hay, dù biết tiểu thương nóng lòng chờ chợ nhưng ông phải làm thật kỹ và đúng qui trình, sở dĩ hơi chậm là phải chờ khảo sát lắp đặt hệ thống PCCC, hệ thống cống rãnh, thoát nước...
Chợ tư: xu hướng kinh doanh mới?
"Để phát tiển phù hợp với nhu cầu mua sắm hiện đại, tôi buộc tất cả tiểu thương kinh doanh tại chợ Vĩnh Lộc phải chấp hành nội qui của chợ là cân đúng, đủ và niêm yết giá bán tất cả mặt hàng tránh tình trạng nói thách gây phản cảm cho người tiêu dùng. Để quản lý vấn đề này, bảo vệ của chợ sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương. Nếu không tìm cách hoàn thiện mình thì chắc chắn sẽ bị đào thải mình vì bây giờ người dân có quá nhiều sự lựa chọn trong mua sắm như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng…” - ông Liêu cho biết.
-
Bài, ảnh: Nguyễn Sa