(VietNamNet) - “Vận động chính sách công” là một việc làm cần thiết, và phải được xem là hợp lý! Đó là nhận định chung của các Hiệp hội, nhà DN, nhà quản lý và nghiên cứu tại buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm vận động chính sách của các Hiệp hội doanh nghiệp”, do “Chương trình dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) và Hội DN trẻ TP.HCM phối hợp tổ chức.
Vận động để hoàn thiện luật pháp
DN cần thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền để tác động, cùng xây dựng cơ chế chính sách. Ảnh: Đặng Vỹ. |
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hoạt động “vận động chính sách” của DN trước đây đã có. Luật sư Nghĩa dẫn chứng những điều chỉnh của Chính phủ về chủ trương trong hoạt động kinh doanh, và khẳng định rằng kết quả này có sự tác động của công tác vận động. Hiện tại, Hội DN trẻ, VNCI đang tiếp tục tổ chức thảo luận về những vấn đề vướng mắc của lĩnh vực thuế và hải quan lâu nay đã gây khó khăn cho DN để kiến nghị điều chỉnh, chính là vận động chính sách.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ TP.HCM cho rằng, việc tác động đến tiến trình xây dựng luật, hoặc kiến nghị sửa đổi những quy định bất lợi, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả SXKD và năng lực cạnh tranh của DN là một trong những hoạt động chủ yếu của các Hiệp hội. “Tuy nhiên, khái niệm “vận động chính sách” còn khá mới mẻ đối với các Hiệp hội DN tại Việt Nam” - ông Quang nhận định.
Cũng theo ông Quang và luật sư Nghĩa, hoạt động vận động này ở các nước được công nhận một cách hợp pháp và thực hiện công khai. Ở Mỹ, từ “to lobby” được chấp nhận đương nhiên và công khai, kể cả trong trường hợp các DN vận động hành lang để đem lại những cơ chế thuận lợi cho hoạt động DN. Ở Indonesia có một cơ quan chuyên nghiên cứu các chủ trương chính sách, chỉ ra những bất cập và đưa ra kiến nghị để giúp Chính phủ điều chỉnh. Ban đầu, cơ quan này không được sự ủng hộ, thậm chí bất hợp tác từ phía chính quyền, nhưng qua quá trình thấy những kiến nghị có lợi cho quốc gia, quần chúng, dần dần cơ quan này được công nhận và trở thành nơi để Chính phủ, Quốc hội tham khảo khi soạn thảo và ban hành văn bản luật.
Tại buổi tọa đàm, các DN, Hiệp hội DN đều chung ý kiến cho rằng, cần công nhận hoạt động vận động chính sách là việc làm chính đáng, đó là sự đóng góp xây dựng cho các chủ trương chính sách trở nên hợp lý và thuận lợi. Ông Phúc Tiến, Giám đốc Trung tâm đào tạo Việt Nam Hợp Điểm, cho rằng, cần công nhận các từ “to lobby”, “vận động chính sách”, để DN thuận lợi hơn trong việc tổ chức các hoạt động kiến nghị, tác động đến Chính phủ xem xét điều chỉnh chủ trương, để giúp hoàn thiện luật pháp, cải thiện tốt hơn cho môi trường kinh doanh. Ông Trần Lạc Hồng, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM cũng cùng ý kiến: “Không nên ngại từ “vận động chính sách”, thậm chí nên công khai. Việc lập quỹ để phục vụ cho hoạt động này cũng là cần thiết”.
Vì thế, theo luật sư Nghĩa, việc Hội DN trẻ TP.HCM lập ra “Ban Vận động chính sách công” là một bước tiến quan trọng, bước đi tiên phong trong việc tác động để Nhà nước, xã hội công nhận hoạt động này.
HĐND, báo chí cũng là đối tượng vận động
Xét về tính chất công việc, việc vận động chính sách gần gũi với hoạt động đóng góp cho công cuộc cải cách hành chính hiện nay. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Ủy viên Hội DN trẻ, Phó ban Vận động chính sách công, cho biết: Ban vận động chính sách công của Hội DN trẻ TP.HCM thành lập năm 2001. Mục tiêu ban đầu của Hội chưa đặt tới vấn đề “vận động”, mà lộ trình đặt ra là “tác động chính sách”, bằng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, báo cáo để đưa ra đề xuất kiến nghị. Tiếp theo có thể tiến tới tham gia vào quá trình xây dựng luật bằng việc góp ý vào các Dự thảo Luật của Quốc hội, hoặc kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Phúc Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tác động đến chính quyền và báo chí. Ông Giám đốc Trung tâm đào tạo cho rằng, DN còn rất thiếu kinh nghiệm trong quan hệ với chính quyền và báo chí. Chính vì việc xem đơn giản mối quan hệ với chính quyền và báo chí, mà hoạt động vận động chính sách của DN chưa thu lại kết quả cao. Ông Tiến khuyên: “DN không nên chỉ xem báo chí là lực lượng liên minh, mà còn là đối tượng phải “to lobby”, vừa là phương tiện, mà cũng là đối tượng vận động”.
Đề tài vận động chính sách liên quan đến báo chí được các Hiệp hội và DN đề cập khá sôi nổi. Hầu hết đều công nhận, thời gian qua báo chí đã có công rất lớn trong việc phản ánh khó khăn, tâm tư nguyện vọng của DN lên các cấp thẩm quyền, góp phần lớn trong việc tác động đến Chính phủ, Quốc hội để điều chỉnh những bất cập về cơ chế.
Thắt chặt mối quan hệ với chính quyền là một nội dung đặt ra tại hội thảo. Ông Phúc Tiến nhận định, ở TP.HCM, mối quan hệ DN với chính quyền chưa được chặt chẽ. Theo ông, các Hiệp hội cần đứng ra làm cầu nối để DN thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo, nhất là các DN trẻ, DN mới thành lập. Thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ này sẽ giúp DN có điều kiện và tự tin hơn trong việc đề xuất, kiến nghị, tác động đến chính quyền.
Trong khi đó, ông Nhơn và luật sư Trương Trọng Nghĩa chú ý đến vai trò của HĐND địa phương. Ông Nhơn nhìn nhận, thời gian qua trong công tác vận động, DN chưa chú ý đến vai trò của HĐND, là một thiếu sót. Chính đây là nơi tập hợp kiến nghị và xem xét, đưa ra đề xuất về cơ chế hiệu quả nhất. Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, HĐND có tăng thêm nhiều quyền lực, trong đó có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyền phân bổ ngân sách, duyệt đầu tư dự án… là những ưu thế lớn trong việc quyết định các cơ chế chính sách địa phương, nên có điều kiện hỗ trợ DN tốt nhất.
-
Đặng Vỹ