221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
533138
Cơ hội lớn sau ASEM 5
1
Article
null
Cơ hội lớn sau ASEM 5
,

(VietNamNet) - Hội nghị Cấp cao ASEM 5 đã mang lại cho Việt Nam nhiều giá trị kinh tế, giúp quốc gia này có những cơ hội phát triển mới và khả năng thành công trong bước đường hội nhập.

Toàn cảnh Hội nghị ASEM 5.

ASEM 5 - hội nghị của những nguyên thủ quốc gia ở hai châu lục Á-Âu được xem là cơ hội tốt cho Việt Nam khi lần đầu tiên tổ chức sự kiện lớn và quan trọng này. Về mặt ngoại giao, hình ảnh Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, nhưng có lẽ "cái được" lớn nhất chính là các cơ hội hợp tác trên lĩnh vực kinh tế vĩ mô và vi mô giữa Việt Nam và một số nước thành viên ASEM - điều mà nếu không có ASEM 5, Việt Nam khó có thể đạt được nhanh và cùng một lúc như vậy.

Chính phủ hợp tác

Hơn 40 thỏa thuận cấp Chính phủ được ký kết tại ASEM 5 đã thể hiện sự hợp tác đầy thiện chí của các quốc gia tham gia hội nghị.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac là nguyên thủ nước ngoài đặt lòng tin mạnh mẽ nhất với Việt Nam trong hợp tác chính phủ, với việc ký kết gần 20 hiệp định, thỏa thuận và bản ghi nhớ với Việt Nam. Những văn kiện hợp tác này đề cập đến nhiều lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, công nghệ, ngoại giao...; đặc biệt là hiệp định tài trợ 165 triệu euro của Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam để xây dựng tuyến xe điện Hà Nội và hỗ trợ Vietnam Airlines mua 10 máy bay Airbus.

Nhờ sự có mặt của Tổng thống Roh-Moo Hyun tại ASEM 5 và chuyến viếng thăm sau đó, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã được đẩy mạnh hơn, mà kết quả cụ thể nhất là đã có 3 văn kiện hợp tác giữa hai nước được ký kết. Những chương trình hợp tác ký kết này chủ yếu nhằm hỗ trợ Việt Nam, như thành lập trường công nghệ thông tin ở thành phố Đà Nẵng, triển khai dự án xử lý nước thải ở tỉnh Ninh Bình và hợp tác giữa cơ quan ngoại giao hai nước. Bên cạnh đó, các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo chính phủ và nhà nước Việt Nam trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Roh-Moo Hyun còn tạo tiền đề thúc đẩy hợp tác hai bên trên nhiều lĩnh vực như bưu chính viễn thông, xây dựng, thương mại, đầu tư, y tế và ngành công nghiệp thủy sản.

Trong khi đó, với vị khách mời là Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Việt Nam và Trung Quốc cũng đạt được 8 văn kiện hợp tác mà hai nước trông đợi từ lâu. Không giống như văn kiện hợp tác với Pháp, văn kiện hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, thương mại - xuất nhập khẩu, như kiểm dịch vệ sinh thủy sản, thực vật xuất nhập khẩu. Việt Nam và Trung Quốc cũng ký kết bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng nhà máy phân đạm ở Ninh Bình, mà theo đó Trung Quốc sẽ cho Việt Nam vay vốn thực hiện dự án. Đồng thời, Trung Quốc còn thỏa thuận hỗ trợ Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt điểm Hà Nội - Hà Đông.

Doanh nghiệp liên kết đầu tư

Cũng là khách mời của Chính phủ Việt Nam, chuyến viếng thăm của Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder chưa tạo được chương trình cụ thể về mặt hợp tác chính phủ, nhưng lại tạo cơ hội cho DN hai nước gặp gỡ và có được những hợp đồng mới. Cùng đi với Thủ tướng Đức có 20 DN tháp tùng. Nhân dịp này, tập đoàn Siemens đã công bố dự án cung cấp 16 loại đầu xe lửa diesel (loại 18 tấn/chiếc) cho Việt Nam, trị giá 57 triệu USD. Đây là hợp đồng lớn mà tập đoàn này trúng thầu, và chiếc đầu tiên sẽ được giao cho ngành đường sắt Việt Nam vào đầu năm 2006. Tập đoàn này cũng đang có kế hoạch tham gia vào dự án xây dựng hệ thống metro tại TP.HCM, một hình thức giao thông dưới lòng đất. Theo nghiên cứu khả thi, với kinh phí đầu tư dự kiến 795 triệu USD, Siemens sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống metro dài 20km, có khả năng vận chuyển 180.000 hành khách mỗi ngày của thành phố đông dân nhất nước này.

Cùng với những hợp tác giữa hai Chính phủ Pháp và Việt Nam, Tổng Giám đốc tập đoàn Alcatel với vai trò của 1 trong 19 tập đoàn và công ty Pháp tháp tùng Tổng thống Jacques Chirac, cũng đã có hợp đồng trị giá hàng triệu USD với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đây là hợp đồng cung cấp hệ thống thiết bị chuyển mạch cho mạng di động của VNPT, có khả năng sẽ triển khai vào giữa năm sau, và là bước thành công tiếp theo của tập đoàn này tại Việt Nam, sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, cùng làm ăn với VNPT.

Không có dự án và hợp đồng cụ thể, nhưng tập đoàn viễn thông và dầu khí Hàn Quốc SK lại có khá nhiều tham vọng đầu tư vào Việt Nam. Mục tiêu mà tập đoàn này nhắm tới là lĩnh vực viễn thông và dầu khí tại Việt Nam, trên cơ sở đó tiến sâu hơn vào khu vực Đông Nam Á (ASEAN) - nơi được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường lớn và tăng trưởng cao. Ngược lại với SK, một tập đoàn khác của Hàn Quốc là Huyndai đã có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam bên cạnh lĩnh vực ô tô và đóng tàu. Công ty Huyndai Information Technology (HIT) thuộc tập đoàn Huyndai chính thức thành lập liên doanh với một đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam để tạo ra những sản phẩm công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực tài chính, hành chính công, hạ tầng cơ sở, giáo dục và y tế.

Bên cạnh hợp tác chính phủ, DN Việt Nam và các nước đẩy mạnh hơn trong hợp tác thương mại và đầu tư. Theo ước đoán, có khoảng 2 tỷ USD tổng giá trị hợp đồng, thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ... mà Việt Nam đã đạt được nhân việc tổ chức ASEM 5 trong hai ngày 8 và 9/10 qua.

Ngoài các nước nói trên, Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác với các nước khác như Nhật, Thái Lan...; đặc biệt là đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản với Liên minh châu Âu (EU) đối với tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO của Việt Nam. Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đàm phán song phương của Việt Nam với các nước tiếp theo.

Việc tổ chức ASEM 5 đã mang lại kết quả đáng kể cho Việt Nam, nhất là về mặt kinh tế. Đây sẽ là những bước đi đầu, tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập và phát triển với thế giới. ASEM 5 đi qua như cơn thủy triều dâng lên, khi rút đi để lại phù sa màu mỡ.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,