221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
531498
Làm doanh nhân, 1001 cái khó!
1
Article
null
Làm doanh nhân, 1001 cái khó!
,

(VietNamNet) - Người ta thường nói, kinh doanh "1 vốn 4 lời", nhưng có mấy ai biết rằng, để có được 1 đồng lời, doanh nhân đó phải trải qua 1001 khó khăn.

Soạn: AM 168307 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Lãnh đạo TP.HCM trong cuộc họp với các doanh nhân, tìm biện pháp giảm bớt khó khăn cho DN. Ảnh: M.Q

Tuy nhiên, đã nói đến doanh nhân thì phải nói rộng hơn. Họ không chỉ là người kinh doanh, mua đi bán lại hàng hóa, mà còn là những người tạo ra sản phẩm và mang những giá trị vật chất đó đến với người tiêu dùng, và xã hội.

"Bĩ cực" vừa qua...

Doanh nhân chỉ thực sự được nhắc đến như một khái niệm có thực trong nền kinh tế thị trường, kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa. Vào thời bao cấp, doanh nhân mới được hiểu ở phạm vi hẹp là những người làm doanh nghiệp (DN) tư nhân. Họ thường bị xem là  những người làm ăn không chân chính, và luôn bị xã hội nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm. Trong các xí nghiệp quốc doanh, doanh nhân bấy giờ được gọi là lãnh đạo hay cán bộ kinh tế. Họ thay mặt Đảng lãnh đạo đơn vị, song họ có khả năng làm kinh tế hay không và đơn vị làm ăn có hiệu quả hay không thì lại không được tính đến. Chính bởi vậy mà nền kinh tế Việt Nam đã "giậm chân tại chỗ" suốt 15 năm liền sau giải phóng...

Chủ trương đổi mới, đa dạng hóa các thành phần kinh tế của Chính phủ như một luồng sinh khí thổi vào nền kinh tế trì trệ của Việt Nam. Lần đầu tiên, Nhà nước thừa nhận sự tham gia của tư nhân trong nền kinh tế thị trường có sự định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Những tưởng từ đây, các DN tư nhân sẽ có cơ hội làm ăn và làm giàu chính đáng như là một thành phần kinh tế không thể thiếu, bên cạnh kinh tế quốc doanh và hợp tác xã. Vậy mà...

Người ta nói làm kinh doanh lắm rủi ro, rủi ro về thị trường, hàng hóa, nguyên vật liệu, vốn đầu tư... Nhưng đối với DN vào thời kỳ cuối thập niên 80 cho đến giữa 90, rủi ro lớn nhất không phải là những điều kể trên, mà là chuyện xin thành lập. Để có được 1 giấy phép thành lập, DN phải "hội đủ" hàng chục giấy phép con do các cơ quan nhà nước cấp. Muốn có giấy phép con, DN lại phải có "chất bôi trơn" cho các cơ quan công quyền, nếu không sẽ bị các cơ quan này áp dụng qui chế "hành". Thôi thì đủ kiểu hành: thủ tục này thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất địa phương, thủ tục kia thiếu hợp đồng thuê văn phòng, hợp đồng thuê xe, thiếu giấy xác nhận vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy,... 1001 cái thiếu sẽ được nêu ra, cho đến khi nào DN hoặc phải bổ sung bằng "phong bì" hoặc thối chí mà tự rút lui mới thôi. DN nào bền gan theo đến cùng, thì cho tới khi nhận được giấy phép thành lập cũng đã phải mất vài tháng đến cả năm chờ đợi và chạy vạy.

May thay Luật Doanh nghiệp đã ra đời, "cởi trói" cho những người làm DN. Hàng trăm giấy phép con liên quan đến việc thành lập, hoạt động của DN bị phế bỏ, thay vào đó, DN chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước chuyện "ra đời" của mình. Luật Doanh nghiệp cũng cho phép DN được kinh doanh bất kỳ mặt hàng nào, miễn là sinh lợi hợp pháp và không thuộc các mặt hàng Nhà nước cấm.

"Khổ tận" lại tới

Ai cũng nghĩ rằng, DN sẽ bớt khốn khó hơn khi qui chế "hành" của thời xin-cho bị xóa sổ, nào ngờ DN lại tiếp tục rơi vào cảnh bị thuế và hải quan "bao vây", nhất là các DN kinh doanh xuất nhập khẩu. Cùng một loại hàng hóa nhưng giám định của hải quan mỗi lúc mỗi khác, cùng một container nhưng phải làm thủ tục ở hai nơi khác nhau, hoặc đã là hàng miễn thuế nhưng cửa này cho miễn, cửa khác lại không, chuyện giám định "tùy hứng" dẫn đến chuyện áp thuế tùy tiện chẳng phải là chuyện hiếm... Đi kèm với bao khó khăn, cản trở về thủ tục đương nhiên là các phí "tiêu cực" phải chi cho cán bộ hải quan, mà hầu như không DN nào tránh được và không khâu nào không có, khiến cho DN luôn kêu trời và khiếu nại khắp nơi...

Chuyện "hành" của một số cơ quan nhà nước là thế, nhưng chuyện thương trường thì thảm khốc hơn. Làm doanh nhân là phải "lì", người ta nói vậy chẳng sai. Không kiên cường thì khó ai có thể cầm cự nổi trước những cuộc cạnh tranh, những đòn "chơi xấu" của đối thủ. Cách đây 4 năm, một hãng mỹ phẩm nhỏ ở TP.HCM đã bị một hãng mỹ phẩm tên tuổi khác triệt hạ tàn khốc đến mức khánh kiệt, chỉ vì sử dụng nhãn hiệu tương tự của "đại gia". Hay như một "độc chiêu" mà đối thủ nào đó của Ngân hàng Á Châu đã sử dụng để hạ thủ đối phương hồi năm ngoái.  ACB là ngân hàng tên tuổi đang ăn nên làm ra, bỗng nhiên có tin đồn rằng ngân hàng khánh kiệt (!), làm cho khách hàng lũ lượt kéo đến các chi nhánh yêu cầu cho rút tiền. Một ngân hàng dù có mạnh cỡ nào mà bị khách hàng đồng loạt rút tiền cũng đều có thể lập tức bị phá sản. Bởi vậy, tin đồn tai hại kia đã gây ra cơn "hồng thủy", suýt nữa thì "nhấn chìm" ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam này.

Đó là cạnh tranh trong nước, cạnh tranh ở thị trường nước ngoài lại còn khốn khó hơn nhiều, và DN không có cách nào "đỡ đòn". Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam và Mỹ là thị trường tiềm năng của các DN. Song cũng chính vì thế mà DN thủy sản VN bị cạnh tranh bởi các nhà sản xuất thủy sản bản địa. DN Việt Nam bị kiện, hàng hóa bị đánh thuế với mức cao, nên không xuất khẩu được,  công nhân không có việc làm và DN bị đe dọa phá sản. Nhiều doanh nhân làm cá, tôm mất ăn, mất ngủ, mất cả tiền bạc.

Chuyện xuất khẩu thủy sản chưa qua, chuyện quota dệt may đã tới. Bài toán về hàng dệt may sau 2005 chưa ai dám chắc là có lời giải hay cho các DN dệt may Việt Nam, khi mà họ bị áp đặt hạn ngạch và phải cạnh tranh với đối thủ có lợi thế hơn hẳn như Trung Quốc, vì đó là nước thành viên của WTO. Lo chống đỡ bên ngoài chưa nổi, các DN dệt may lại còn phải "dở khóc dở cười" trước tiêu cực của đường dây mua bán quota trong nước. Những cat hàng mà họ cần phải phấn đấu cao độ mới có được, với mong muốn tạo việc làm cho người lao động và giữ chữ tín với khách hàng, ai ngờ lại có thể dễ dàng "mua" được thông qua đường dây mua bán quota, do chính những quan chức cao cấp biến chất thao túng.

Chấp nhận rủi ro

Kinh doanh là rủi ro, bất kỳ doanh nhân nào cũng hiểu rõ và thừa nhận điều này, như thừa nhận kinh tế thị trường là phải cạnh tranh vậy. Nhưng rủi ro cũng có nhiều cấp độ, ít là mất tài sản, vật chất, nhiều có thể bị tù đày, thậm chí tử hình, nếu kinh doanh trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Loại trừ những trường hợp làm ăn bất chính vì chạy theo lợi nhuận như Phạm Huy Phước ở Công ty Tamexco hay Tăng Minh Phụng của Công ty Minh Phụng..., cũng có những trường hợp phải "gởi thân" vào nhà tù chỉ vì không đánh giá được hết hậu quả, và đó quả là điều mất mát quá lớn đối với một doanh nhân khi chọn con đường làm giàu bằng việc kinh doanh chính đáng.

Cùng là cái chết, nhưng có cái chết của doanh nhân chẳng khác nào một sự hy sinh, một sự xả thân. Nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Trà Việt Nam (Vinatea) đã tử nạn khi trên đường sang Iraq, nơi mà tổng công ty này đặt kỳ vọng nhiều đối với sản phẩm trà xuất khẩu của mình. Vị nguyên Tổng Giám đốc sang "vùng lửa" để cố giữ lại thị trường, giữ khách hàng sau khi cuộc chiến tạm ngưng. Giữ thị trường chính là giữ cho công ty còn hoạt động, cũng là giữ cho cuộc sống của nhiều con người, nhưng chuyến đi của ông đã phải trả bằng sinh mạng của chính mình.

Có doanh nhân đánh đổi sinh mạng để giữ công ty, nhưng cũng có người đánh đổi để giữ uy tín của bản thân. Ông Lawrence S.Ting, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, tự vẫn hồi cuối tháng 9 qua làm nhiều người bàng hoàng. Vị chủ tịch được nhiều nhân viên kính trọng này lựa chọn cái chết để thể hiện danh dự của mình trước đồng nghiệp bất nghĩa, khi những đối tác kinh doanh người Đài Loan này liên tục tố cáo ông lươn lẹo trong kinh doanh.

Kinh doanh giống như một cuộc rượt đuổi rủi ro và lợi nhuận. Doanh nhân là người thụ hưởng nhiều và cũng chịu rủi ro nhiều từ cuộc rượt đuổi này. Tuy nhiên, nói về doanh nhân không thể chỉ nói đến cuộc rượt đuổi mà phải nói đến sự đóng góp của họ cho xã hội. Những giá trị vật chất do doanh nhân làm ra cũng có thể sánh như những giá trị tinh thần mà các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà chính trị... mang lại cho xã hội.

  • Minh Quang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,